"Kể xấu" đồng đội trong tự truyện, Công Vinh hãy nhìn vào U23 Việt Nam!

Là cầu thủ Việt Nam đầu tiên ra mắt tự truyện đồng thời tuyên bố dành toàn bộ lợi nhuận bán sách cho việc từ thiện song hình ảnh của cựu tuyển thủ Công Vinh không vì thế mà lung linh hơn trong mắt công chúng.

Chỉ vài ngày sau khi ra mắt cuốn tự truyện "Phút 89", cựu tuyển thủ Công Vinh đã phải đối diện với búa rìu dư luận, trong đó có không ít ý kiến phản đối từ những người đồng đội cũ. 

Công Vinh cho hay, trước đó, anh đã lường trước "sóng gió" và sẵn sàng đương đầu. Tuy nhiên, với diễn biến ồn ào, lời qua tiếng lại giữa những người đồng đội trên sân cỏ, nhiều người không khỏi ái ngại cho Công Vinh.

Theo đó, những người từng là đồng đội của tuyển thủ này như Tấn Tài, Quốc Vượng, Như Thành lần lượt lên tiếng với góc nhìn không tích cực về Công Vinh. Một số tuyển thủ như Ngọc Duy, Quốc Long... chọn cách im lặng.

Xét ở góc độ thể loại, một cuốn tự truyện thường có nội dung về cuộc đời, tâm sự, góc khuất của nhân vật. Vì thế, những tiết lộ mang tính chất "thâm cung bí sử" vốn chẳng có gì lạ cho thể loại này nhưng nó sẽ gây sóng gió khi các nhân vật được nêu tên trực diện, tình tiết ảnh hưởng đến hình ảnh, công việc của họ. 

Bởi thế, rất nhiều người khi viết tự truyện đã để tên viết tắt, giấu tên, ám chỉ nhân vật. Riêng công vinh thì không.

Cựu tuyển thủ Công Vinh trong buổi ra mắt tự truyện

Cựu tiền vệ Quốc Vượng - đồng đội của Công Vinh ở tuyển quốc gia và Sông Lam Nghệ An chia sẻ với Công Vinh: "Anh rất tôn trọng nỗ lực của em để được như ngày hôm nay. Em cố gắng phấn đấu rất nhiều. Em ở vị trí nhiều người mơ ước. Nhưng đáng lẽ, em không nên nói những điều thuộc về riêng tư cá nhân và không nên cho mình cái quyền phán xét người khác dù anh biết em nói cũng đúng phần nào sự thật".

Bà xã Công Vinh là người ủng hộ anh ra mắt tự truyện vì cho rằng cuộc sống sự nghiệp của Công Vinh có nhiều điều đáng để viết, cuốn sách có thể chắp cánh ước mơ cho nhiều cậu bé nhà nghèo, đam mê bóng đá và đang chơi vơi với ước mơ ấy. 

Tuy nhiên, nếu xét về dung lượng, ký ức "nghèo vượt khó" của Công Vinh trong tự truyện này chỉ là một phần nội dung, còn lại, không rõ những cậu bé đang ôm mộng chinh phục trái bóng tròn sẽ tiếp nhận thế nào về nội bộ bóng đá lục đục, nhiều sai phạm, góc khuất trong con mắt của Công Vinh?

Ở tự truyện, Công Vinh tiết lộ chuyện tiền vệ Tấn Tài không chuyền bóng cho mình, cả chuyện phân biệt đối xử giữa huấn luyện viên với các cầu thủ. Đúng như dự đoán, Tấn Tài đã phản ứng mạnh mẽ, anh tố cáo những lời lẽ của Công Vinh là vô căn cứ, không đúng sự thật.

Tự truyện mang tính cá nhân cao song đã xuất bản thành sách, phát hành rộng rãi, có đơn vị kiểm duyệt thì nhân vật phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những thông tin liên quan. Việc Công Vinh đưa ra thông tin một chiều, nhiều góc độ tiêu cực khi nói về những đồng đội đã có tác động thiếu tích cực. 

Tinh thần nỗ lực, cố gắng của Công Vinh trong sự nghiệp là điều đáng ghi nhận, song để có được thành quả ấy một phần đóng góp không nhỏ thuộc về các huấn luyện viên, các đồng đội. Những thông tin như huấn luyện viên phân biệt đối xử, đồng đội không chuyền bóng cho mình... đã hướng người đọc đến góc nhìn tiêu cực về bóng đá nhiều hơn là tinh thần đồng đội vốn được ca ngợi, tự hào của bóng đá Việt Nam.

Tuyển U23 Việt Nam cào tuyết cho đồng đội đá phạt

Tất nhiên, mọi so sánh là khập khiễng nhưng những "khoảng tối" trong tự truyện của Công Vinh là một sự đối lập khiến người ta không thể không so sánh với hình ảnh đẹp đẽ, vinh quang của đội tuyển U23 Việt Nam còn để lại dư âm đến tận bây giờ.

Các tuyển thủ U23 còn rất trẻ, họ lay động triệu triệu trái tim người yêu bóng đá không chỉ bằng những pha sút bóng đẹp như cầu vồng mà còn là hình ảnh đồng đội cúi xuống cào tuyết để cầu thủ Quang Hải đá phạt. Khoảnh khắc ý nghĩa, thể hiện tình đồng đội, sự sẻ chia và ý chí quyết thắng ấy đã đi vào lòng người mà không cần thêm một phát ngôn nào. 

Trước đó, trong trận bán kết với U23 Qatar, khi trở ra từ khu kỹ thuật, đội trưởng Xuân Trường đã mang theo chục chiếc áo khoác và khăn ấm đưa cho các đồng đội. Hình ảnh ấy cũng khiến bao người ấm lòng, tin tưởng.

Duy Mạnh (phải) và lá cờ trước khi anh cắm trên sân Thường Châu (Ảnh: Anh Khoa)

Nói như vậy không có nghĩa bóng đá, sân cỏ không có khoảng tối, sai lầm hay cạnh tranh, phe phái. Người hâm mộ có quyền được tiếp cận những thông tin ấy một cách chân thực. Tuy nhiên, bóng đá nói riêng và thể thao nói chung mang ý nghĩa về câu chuyện truyền cảm hứng cho con người thể hiện, phát huy sức mạnh thể chất, tinh thần và đồng đội.

Một cuốn tự truyện được coi là xuất sắc của cầu thủ nhất thiết phải chứa đựng ý nghĩa đó, thay vì chỉ kể lể "thâm cung bí sử", ca ngợi tình yêu cá nhân như một "cứu cánh" và càng không thể phớt lờ sự đóng góp của đồng đội.

Nếu Công Vinh có ý định truyền cảm hứng cho những cậu bé đam mê bóng đá chưa vươn tới ước mơ chinh phục sân cỏ mà chỉ bằng nội dung như "Phút 89" e rằng còn thiếu sót. Với người hâm mộ, họ nhìn vào cầu thủ qua những hình ảnh trực tiếp trên sân cỏ, chứ không hẳn ở một cuốn sách được chấp bút bởi nhà báo, nhà văn ở giai đoạn tuyển thủ đã thành cựu tuyển thủ.

Một hành động như U23 Việt Nam cào tuyết trên sân cỏ, khoác lên người đồng đội những tấm áo ấm, huấn luyện viên người ngoại quốc ôm chặt học trò nói lời cảm ơn, tuyển thủ Duy Mạnh chọn một mô tuyết cao nhất, cắm lá cờ Tổ quốc và cúi đầu trước Quốc kỳ trong những giọt nước mắt... đó đích thực là những hình ảnh truyền cảm hứng mà không cần ngôn ngữ hay một lời giải thích thêm.

Theo GiaDinh