Hàng loạt phim Việt bị livestream: Sự thiếu ý thức của một bộ phận khán giả

Mới đây, bộ phim "Cô ba Sài Gòn" bị livestream khi công chiếu tại rạp đã phản ánh ý thức kém về văn hóa xem phim của một bộ phận giới trẻ Việt.

Ngô Thanh Vân, đạo diễn phim Cô Ba Sài Gòn bức xúc: "Tôi cảm thấy thật bất lực trước ý thức của những người trẻ xem phim. Tôi đang khóc cho thành quả lao động của ê-kíp của mình. Tôi thật sự nản các bạn ạ. Nó như cái tát vào mặt để tôi tỉnh lại.

Làm phim đã khó, thị trường phim thì gian nan. Đến với khán giả còn phải đối mặt với những người vô ý thức livestream như vậy!".

hang-loat-phim-viet-bi-livestream-su-thieu-y-thuc-cua-mot-bo-phan-khan-gia

Cô ba Sài Gòn bị livestream trên mạng xã hội

Theo chia sẻ từ ê-kíp của VAA (đơn vị sản xuất Cô Ba Sài Gòn), phim được livestream từ một rạp chiếu phim ở Bà Rịa - Vũng Tàu và người thực hiện hành vi này đã bị quản lý rạp giữ lại để xử lý. Hiện trên trang phim này, bản livestream đã bị xóa bỏ.

Ngay sau khi sự việc bị phát giác trên mạng, ban quản lý rạp đã xác định được người thực hiện hành vi này là N.V.T, sinh năm 1998, định cư tại Vũng Tàu.

Trước đó, Ngô Thanh Vân từng chia sẻ bộ phim Tấm cám: Chuyện chưa kể cũng bị quay lén trong rạp ngay thời điểm vừa phát sóng. Theo đó, một bạn gái trẻ xem phim tại rạp ở Q7, TP.HCM đã bật chế độ livestream toàn bộ nội dung phim lên facebook cá nhân của mình.

May mắn là phía nhà sản xuất đã kịp thời phát hiện, liên hệ với quản lý rạp chiếu phim mời bạn nữ ra ngoài làm việc, yêu cầu bạn tháo bỏ đoạn video đó. Đồng thời lập biên bản xử lý tại cụm rạp.

hang-loat-phim-viet-bi-livestream-su-thieu-y-thuc-cua-mot-bo-phan-khan-gia

Em chưa 18 cũng gặp phải vấn nạn quay lén, livestream

Tình trạng khán giả đến rạp xem phim, quay lén rồi tung lên mạng chia sẻ với bạn bè đã trở thành "chuyện xưa như trái đất". Một thực tế là, rất nhiều phim Việt Nam khi ra rạp rơi vào tình huống tương tự. Gần đây, bộ phim Em chưa 18 (đạo diễn Lê Thanh Sơn) cũng bị một khán giả nữ phát trực tuyến từ cụm rạp CGV Cần Thơ ngay trong suất chiếu sớm.

Điều đáng nói là, ekip sản xuất phim Em chưa 18 rất "cảnh giác" với nạn quay lén nên đã xây dựng hẳn một clip tuyên truyền để khán giả không quay lén, phát vào thời điểm trước khi phim chính thức diễn ra. Charlie Nguyễn, nhà sản xuất phim Em chưa 18 nói đại ý rằng, anh thực sự cảm thấy buồn vì ý thức của những bạn trẻ này. Không chỉ nói riêng cho bộ phim và việc phạm luật, những gì họ đang làm sẽ gây hậu quả tiêu cực cho cả nền điện ảnh mà trong đó có họ là khán giả.

Từng gây xôn xao trên cộng đồng mạng bởi nội dung mới, tình tiết thú vị, đặc biệt là khai thác được một bộ phận giới LGBT, bộ phim Lô tô cũng không tránh số phận như Em chưa 18. Được biết, một khán khán giả khi theo dõi phim ngay trong rạp đã cố tình livestream trên Facebook với hi vọng nhận được sự quan tâm của nhiều người hơn, dù trước đó đã bị nhắc nhở. 

Ngoài những bộ phim kể trên, còn có không ít phim Việt trở thành nạn nhân của nạn vi phạm bản quyền như:Bụi đời Chợ Lớn (đạo diễn Charlie Nguyễn), Chạy đi rồi tính (đạo diễn Nam Cito và Bảo Nhân), Vòng eo 56 (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng), 4 năm, 2 chàng, 1 tình yêu (đạo diễn Luk Vân)…

Phan Thị Mơ, Top 5 Hoa hậu Việt Nam năm 2012, diễn viên trong phần 1 bộ phim Hồ sơ lửa, cho rằng việc livestream mang sản phẩm của cả tập thể lên internet công khai khi bộ phim vẫn còn đang trình chiếu ở các rạp phim là thiếu tôn trọng, hay nói cách khác là tàn nhẫn đối với công sức, mồ hôi của cả tập thể tạo nên sản phẩm đó... Đó là đối với những người làm ra sản phẩm, nhưng hành động này còn ảnh hưởng không tích cực đến cả khán giản.

“Nếu là tôi, tôi chắc chắn sẽ muốn thưởng thức một bộ phim với đầy đủ những tiện nghi và chất lượng như ở các rạp tốt... Khi quay lén chắc chắc bộ phim chẳng thể đảm bảo được hình ảnh, chất lượng vốn có của nó. Và khán giả chẳng thể xem được tổng thể 'đẹp đẽ' nhất của bộ phim... Đó là một mất mát của khán giả yêu phim. Một điều nữa là hành động livestream thiếu ý thức sẽ cổ vũ cho giới trẻ học theo một việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều người khác chỉ vì nhu cầu câu like của bản thân. Nên có biện pháp nghiêm khắc cho những hành vi như vậy”, Phan Thị Mơ cho biết.

Có thể thấy, chỉ trong vòng một thời gian ngắn là từ năm 2015 đến 2017, đã có không ít những bộ phim bị truyền tải rộng rãi trên mạng xã hội ngày khi ra rạp. 

Một điều đáng lưu ý hơn nữa đó là tại tất cả các cụm rạp hiện nay đều quy định rõ người xem không được quay phim, chụp ảnh trong phòng chiếu. Thông báo này được phát đi phát lại nhiều lần trước khi phim chiếu, được nhân viên rạp đi nhắc nhở tận nơi, nhưng việc các vụ việc liên tiếp xảy ra không thể đổ thừa cho vô tình, không biết. 

Dù là vô tình hay cố ý, nhưng những việc làm của một bộ phận người xem thiếu ý thức đã gây ra thiệt hại lớn đối với nhà sản xuất và phản ánh được thực trạng về văn hóa xem phim đáng báo động của giới trẻ.

Theo Người Đưa Tin