Hàng loạt chính sách thiết thực liên quan đến tiền lương, giáo dục có hiệu lực từ tháng 7

Nhiều chính sách mới chính thức có hiệu lực từ tháng 7, trong đó có những quy định đáng chú ý liên quan đến an sinh xã hội, quản lý hành chính, giáo dục…

Tăng lương tối thiểu vùng

hang-loat-chinh-sach-thiet-thuc-lien-quan-den-tien-luong-giao-duc-co-hieu-luc-tu-thang-7

Hình minh họa

Có hiệu lực từ ngày 1/7, Nghị định 38/2022 của Chính phủ đã điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng với mức tăng bình quân là 6%. Đây chính là mức tiền lương thấp nhất làm cơ sở để các bên thỏa thuận và trả lương cho người lao động.

Đây cũng là lần đầu tiên Chính phủ chính thức quy định mức lương tối thiểu làm cơ sở để trả lương cho người lao động làm việc theo giờ.

Quy định này được kỳ vọng góp phần đảm bảo tiền lương cho người lao động làm công việc mang tính chất linh hoạt, không trọn thời gian trong các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ như nhà hàng, siêu thị, quán ăn...

Người Hà Nội được đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử... online

Ngày 22/6, UBND Hà Nội ban hành Công văn 1945 về việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công thiết yếu lĩnh vực hộ tịch thực hiện đăng ký trực tuyến theo hướng dẫn tái cấu trúc của Bộ Tư pháp.

Theo đó, thành phố sẽ tổ chức triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công thiết yếu lĩnh vực hộ tịch bao gồm các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công thành phố từ 1/7.

Sở Tư pháp Hà Nội có nhiệm vụ ban hành quy trình tiếp nhận, giải quyết các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn trực tuyến trên địa bàn; đồng thời, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện ngay việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ điện tử; không để xảy ra tình trạng chậm, muộn hoặc yêu cầu các thông tin không cần thiết, không đúng quy định.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội được giao nhiệm vụ bảo đảm điều kiện vận hành cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin "một cửa điện tử" của thành phố trong quá trình thực hiện các dịch vụ công trực tuyến theo đúng quy định.

Điểm thi đại học càng cao được cộng điểm ưu tiên càng ít

hang-loat-chinh-sach-thiet-thuc-lien-quan-den-tien-luong-giao-duc-co-hieu-luc-tu-thang-7

Ảnh minh hoạ

Quy chế tuyển sinh đại học mới ban hành kèm Thông tư 08/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức có hiệu lực từ ngày 22/7/2022. Thông tư này có nhiều thay đổi đáng chú ý về chế độ cộng điểm ưu tiên cho thí sinh.

Cụ thể, từ năm 2023, thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ được được xác định điểm ưu tiên theo công thức:

Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên. Như vậy, nếu tính điểm ưu tiên theo quy chế thi mới, thi sinh có tổng điểm càng cao thì càng được cộng ít điểm ưu tiên hơn. Ngoài việc giảm điểm ưu tiên cho các thí sinh có tổng điểm thi trên 22,5 điểm, quy chế thi mới còn giới hạn thời gian hưởng chế độ cộng điểm ưu tiên khu vực từ năm 2023.

Theo đó, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và thêm 1 năm kế tiếp. Thí sinh thi lại sau 2 năm tốt nghiệp THPT không còn được cộng điểm ưu tiên khu vực khi xét tuyển đại học nữa.

Cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp 

Hiện tại cho đến trước ngày 1/7/2022, Bộ Công an sẽ tạm dừng việc cấp hộ chiếu phổ thông theo mẫu cũ, trừ các trường hợp cấp bách như đi chữa bệnh, công tác, đã mua vé máy bay…

Trên mỗi trang của hộ chiếu mới sẽ là hình ảnh tiêu biểu phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng của Việt Nam như: Vịnh Hạ Long, Kinh đô Huế, Đền Hùng, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn…

Đặc biệt, việc lựa chọn gắn thêm chip điện tử vào hộ chiếu mới còn giúp đáp ứng nhu cầu số hóa, đồng thời giảm thiểu nguy cơ bị làm giả hộ chiếu.

Dừng hỗ trợ mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Tại Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021, Chính phủ đã cho phép người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022).

Đến ngày 1/7/2022, chính sách hỗ trợ này sẽ kết thúc, doanh nghiệp phải tiến hành đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo mức cũ.

Cụ thể, theo Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP, mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 1.7.2022 được xác định như sau:

Doanh nghiệp đủ điều kiện được đóng với mức thấp: Đóng 0,3%.

Doanh nghiệp còn lại: Đóng 0,5%.

Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho công chức kế toán, thuế, hải quan

Từ 18/7/2022 tới đây, Thông tư 29/2022 của Bộ Tài chính về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương ngạch công chức ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ sẽ chính thức có hiệu lực.

Theo đó, Thông tư mới đã không còn yêu cầu các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong phần tiêu chuẩn trình độ đào tạo của các ngạch công chức chuyên ngành thuế, kế toán, hải quan mà thay vào đó, nếu vị trí việc làm yêu cầu thì các ngạch công chức này để phải sử dụng thành thạo.

Hóa đơn điện tử thay hóa đơn giấy

Trước ngày 1/7/2022: Chỉ bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử đối với các cơ sở kinh doanh được cơ quan thuế thông báo chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử mà đã đáp ứng được điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin (theo Điều 60 Nghị định 123/2020/NĐ-CP).

Đồng thời khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng hóa đơn điện tử (Khoản 1 Điều 11 Thông tư 78/2021/TT-BTC).

Từ 1/7/2022: Bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, trừ một số trường hợp như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hệ thống phần mềm kế toán...

Như vậy, trừ một số trường hợp đặc biệt nêu trên, thì từ ngày 1/7/2022, các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh sẽ không được sử dụng hóa đơn giấy mà bắt buộc phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.

Theo GiaDinh