Hà Nội thí điểm đổi 5.000 xe máy cũ lấy xe máy mới: Tiền hỗ trợ lấy từ đâu?

Theo thống kê, Hà Nội đang có hơn 2,5 triệu xe máy có tuổi đời trên 18 năm, nếu triển khai chương trình thí điểm đổi xe máy cũ lấy xe máy mới, mỗi xe sẽ được hỗ trợ từ 2 đến 4 triệu đồng. Dư luận đang quan tâm: tiền hỗ trợ lấy từ đâu?

ha-noi-thi-diem-doi-5-000-xe-may-cu-lay-xe-may-moi-tien-ho-tro-lay-tu-dau

Hà Nội hiện có hơn 6 triệu phương tiện nhưng chỉ nửa triệu ô tô là được kiểm soát khí thải, niên hạn

Giảm ô nhiễm, tai nạn giao thông

Nhằm từng bước giúp kiểm soát khí thải phương tiện xe máy, giảm ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông, Sở TN&MT Hà Nội vừa đề xuất thành phố Hà Nội chấp thuận chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố”.

Cụ thể, đơn vị thực hiện lập 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận là: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông để triển khai chương trình.

“Khi người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo kiểm về khí thải, nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được Hiệp hội Xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng/trường hợp”, đại diện đơn vị triển khai thông tin.

Đề xuất cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy, trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ, đăng ký trước năm 2000. Ngoài ra, chưa kể các phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.

“Khí thải từ các phương tiện này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân Thủ đô”, đề xuất cho biết.

Từ thực tế trên, để từng bước cải thiện chất lượng không khí, tránh ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông, Sở TN&MT Hà Nội đề xuất UBND thành phố chấp thuận cho triển khai thí điểm chương trình trong 3 tháng, bắt đầu từ tháng 9 - 12/2020.

Về nguồn kinh phí thực hiện, đại diện Sở TN&MT cho biết, Hiệp hội Xe máy Việt Nam chủ động kinh phí đầu tư các thiết bị đo khí thải và lắp đặt tại 8 địa điểm đo kiểm khí thải và 30 trạm đổi xe; số lượng xe máy tham gia chương trình sự kiến là 5.000 xe. Sở TN&MT chủ trì các hoạt động tuyên truyền.

Cho rằng, chủ phương tiện sử dụng xe máy cũ nát, xả thải ô nhiễm ra môi trường phải được tuyên truyền, thậm chí cơ quan có trách nhiệm cần phải ngăn chặn, do vậy các chuyên gia, tổ chức xã hội nêu ý kiến: nếu lấy ngân sách ra để hỗ trợ là không hợp lý.

“Thành phố cần làm rõ nguồn kinh phí thực hiện chương trình, đặc biệt là khoản hỗ trợ từ 2 - 4 triệu/xe máy thay mới là lấy từ đâu”, ông Nguyễn Sinh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị.

Ngày 15/9 báo cáo phương án cụ thể

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Yên Viên, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, ông ủng hộ chương trình và cho rằng thành phố Hà Nội hiện nay có hơn 6 triệu phương tiện nhưng mới chỉ có nửa triệu xe ô tô được kiểm soát khí thải, niên hạn sử dụng, còn xe máy gần như “thả nổi”.

Theo ông Tùng, xe máy đang chiếm trên 80% lưu lượng trên đường, nếu không kiểm soát được khí khải, niên hạn sử dụng thì việc giảm ô nhiễm môi trường cho đến kiểm soát xe cá nhân rất khó thực hiện.

Tuy nhiên, với việc đo khí thải các xe máy, ông Tùng lưu ý để đảm bảo công bằng và tránh bức xúc xã hội, cơ quan thực hiện cần có tiêu chí rõ ràng và đưa ra căn cứ pháp lý khi kết luận xe này đạt, xe kia không đạt.

Về nội dung đánh giá tiêu chuẩn khí thải, ông Thái cho biết, đơn vị thực hiện sẽ dựa vào một số tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện xe cơ giới hiện nay và tiêu chuẩn kỹ thuật của các nhà sản xuất xe máy để đưa ra các mức tính toán cho phù hợp.

“Nhiệm vụ quan trọng nhất của chương trình là giúp các cơ quan chức năng của thành phố đánh giá về thực trạng xả khí thải của xe máy trên đường hiện nay; tiếp đến là thông báo cho chủ xe được biết để có phương án sử dụng phương tiện (tiếp tục giữ hay đổi xe mới) cho phù hợp. Chương trình hoàn toàn không có chuyện áp đặt chủ xe phải bỏ xe cũ, hay chuyển sang xe mới”, ông Thái thông tin.

Trước đề xuất của Sở TN&MT, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa có ý kiến về nội dung này. Theo đó, ông Nguyễn Thế Hùng giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, Tài chính, TT&TT, VH&TT, các quận có liên quan trao đổi, cho ý kiến và thống nhất đề xuất về chương trình trên, báo cáo nội dung với UBND thành phố trước ngày 15/9/2020.

Chiều 7/9, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở TN&MT Hà Nội) - đơn vị soạn thảo chương trình cho biết, toàn bộ chi phí thực hiện trong đó có lập 8 trạm đo khí thải trên địa bàn 6 quận và hỗ trợ chủ phương tiện xe cũ từ 2 đến 4 triệu đều do Hiệp hội Xe máy Việt Nam chịu trách nhiệm.

Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội chỉ là đơn vị đưa ra đề xuất, tuyên truyền, sau đó phối hợp với các sở ngành có liên quan hỗ trợ Hiệp hội Xe máy Việt Nam triển khai thực hiện.

Trọng Đảng

Theo Tiền Phong

-----

Xem thêm:

Bảo dưỡng xe máy cũ như thế nào để đạt chuẩn khí thải theo quy định

Do tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng nên để giảm thiểu tình trạng này Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh kiểm tra khí thải mô tô, xe máy.

Kiểm tra thí điểm khí thải mô tô, xe máy

Báo Pháp luật TP. HCM đưa tin, theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT), hiện nay tình hình ô nhiễm môi trường không khí trên cả nước nói chung và TP. HCM nói riêng có diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng. Trong đó hoạt động của các loại xe cơ giới nói chung và mô tô, xe máy nói riêng là một trong những nguồn phát thải trực tiếp, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Trước mức độ nguy hiểm trên, để giảm thiểu nguồn thải từ xe cơ giới, Sở GTVT và các đơn vị liên quan đã thí điểm kiểm tra khí thải mô tô, xe máy ở một số quận trên địa bàn TP.

Cụ thể, chương trình này được thực hiện tại phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1) và phường 10 (quận Phú Nhuận). Chương trình thí điểm cũng sẽ đánh giá tác động kinh tế - xã hội của việc kiểm soát khí thải xe máy tới người dân, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức có liên quan.

bao-duong-xe-may-cu-nhu-the-nao-de-dat-chuan-khi-thai-theo-quy-dinh

 Xe máy cũ phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về khí thải. Ảnh minh họa

Theo đó, các loại xe máy đã sử dụng trên 5 năm thuộc các hãng xe Honda, Yamaha, SYM, Piaggio, Suzuki sẽ được Sở GTVT thông báo tới người dân để tham gia, thời gian thực hiện từ nay tới tháng 9/2020.

Quy định việc kiểm định khí thải cho xe máy 2-3 năm/lần để đảm bảo chất lượng

Theo chuyên gia ô tô, xe máy Nguyễn Minh Đồng:

“Việc kiểm soát khí thải phải nên kiểm soát từ phía nhà sản xuất trước. Cụ thể, họ phải sản xuất ống pô xe máy làm sao để có hệ thống xúc tác kiểm soát khí thải. Tránh trường hợp người dân mua, thuê ống pô lắp vào trước khi đi kiểm định, sau đó lại tháo ra và tiếp tục sử dụng ống pô cũ”.

Ông Đồng dẫn chứng trên thực tế nhiều chủ ô tô, xe tải thuê, mượn ống pô để đi kiểm định. Bộ phận đăng kiểm chỉ kiểm tra khí thải ra từ ống pô đã đủ tiêu chuẩn hay chưa chứ không thể mổ xẻ bên trong bộ phận này.

Ông Đồng chia sẻ thêm, khi sử dụng ống pô có hệ thống xúc tác, xe máy sẽ không bị ảnh hưởng khi ngập nước, cũng không bị nghẹt do bụi khói vì các loại này sẽ tự cháy.

Ngoài ra, các kim loại quý ở bên trong được tái tạo, dẫn đến chi phí cao cho người tiêu dùng, dù chiếc xe đã không còn chạy được thì ống pô vẫn có thể tái sử dụng.

Một chiếc ống pô có hệ thống xúc tác này chỉ khoảng 200.000 đồng mà người dùng có thể sử dụng được đến 4-5 năm. Đối với các loại xe quá cũ cũng có thể gắn xúc tác vào sẽ giảm được 30%-40% khí thải, điều chỉnh được chế độ không khí và xăng.

Tuy nhiên, chuyên gia ô tô, xe máy Nguyễn Minh Đồng cho rằng:

“Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới nên sử dụng trong 2-3 năm tới, vì hiện nay Việt Nam chưa sản xuất được ống pô có hệ thống xúc tác.

Nhà nước cũng nên quy định việc kiểm định khí thải cho xe máy 2-3 năm/lần để đảm bảo chất lượng. Còn về xe máy mới, tất cả loại xe máy sản xuất từ năm 2021 phải có hệ thống xử lý khí thải để đảm bảo môi trường”.

Theo ông Trần Văn Chủ, Giám đốc chi nhánh thuộc Trung tâm Đăng kiểm 5003V, nếu xe không đạt chuẩn khí thải thì việc tiêu hủy hay quy định thời hạn còn liên quan đến vấn đề xe cổ. 

Còn việc muốn khống chế lượng khí thải thải ra môi trường thì đương nhiên cần phải kiểm định. Những xe trên 5-10 năm cần kiểm định khí thải là điều đáng làm. Ở nước ngoài cũng không có quy định về niên hạn xe máy, vì vậy Việt Nam cũng theo đó để áp dụng.

Vẫn theo ông Chủ, đối với các loại xe cũ, nát thì cần thay thế, sửa chữa động cơ, máy móc chứ không thể bảo dưỡng như các loại hình xe hiện đại ngày nay.

Những loại xe từ những năm 1950 thì hiện nay người dùng cũng chỉ sử dụng nhằm mục đích trưng bày chứ không mấy ai dùng để chạy. Ngày nay khoa học kỹ thuật đã phát triển, các xe máy mới đa số dùng công nghệ phun xăng điện tử thì độ khí thải cũng hạn chế được nhiều.

Nhận định về việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô, xe máy, trước đó Bộ Công Thương cho rằng, việc làm này đã thể hiện quan điểm về việc nâng cao chất lượng môi trường không khí của Chính phủ.

Mặc dù điều kiện cụ thể của Việt Nam còn rất nhiều khó khăn khi thực hiện do một số lượng lớn ô tô, xe máy cũ có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nước khác nhau đang được sử dụng.

Tuy nhiên tiêu chuẩn về khí thải và an toàn đối với xe ô tô tại Việt Nam do Bộ GTVT xây dựng dựa trên cơ sở tiêu chuẩn an toàn của các nước có nền công nghiệp ô tô phát triển, phù hợp với điều kiện của Việt Nam (Do Cục Đăng kiểm-Bộ GTVT chịu trách nhiệm đăng kiểm), tiêu chuẩn này được Bộ GTVT cập nhật thường xuyên.

Ngoài ra, khi các hãng ô tô cung cấp sản phẩm tại thị trường Việt Nam thì sản phẩm phải phù hợp đặc điểm của thị trường Việt Nam (về điều kiện khí hậu, hạ tầng giao thông, các yêu cầu về bảo vệ môi trường và của người tiêu dùng,...) và phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan của Việt Nam.

Do đó, để được lưu hành tại Việt Nam, ô tô phải được Cục Đăng kiểm kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn an toàn theo quy định của Việt Nam.

Chăm sóc xe máy thế nào để đảm bảo khí thải theo quy định

Vì vậy, theo các chuyên gia xe máy, trên thực tế nhiều xe máy đã sử dụng với tuổi thọ 5-10 năm vẫn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về khí thải nếu người dân biết cách chăm sóc và bảo dưỡng xe đúng quy định.

Thông tin cụ thể về vấn đề bảo dưỡng xe máy thế nào mới đảm bảo được tiêu chuẩn về khí thải, kỹ sư ô tô, xe máy Lê Văn Tạch chia sẻ: “Người dân nên chú trọng các hệ thống bugi, lọc gió, hệ thống bơm xăng của xe. Nếu lọc gió bị bẩn sẽ ảnh hưởng đến quá trình lọc bụi, khí bị tắc để càng lâu càng làm cho các bộ phận trên xe bị ảnh hưởng”.

Kỹ sư Tạch phân tích thêm, hệ thống bơm xăng bẩn cũng khiến cho xe ăn xăng nhiều hơn. Bugi bẩn sẽ làm cho động cơ hoạt động không bình thường. Động cơ kém và yếu cũng cần sức hoạt động nhiều hơn thì kéo theo khí thải nhiều hơn.

Xe máy phải đạt chuẩn Euro 3 mới được bán

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định mô tô, xe máy nằm trong nhóm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, dự thảo bổ sung quy định kiểm tra định kỳ khí thải đối với mô tô, xe máy tham gia giao thông nhằm tăng hiệu quả bảo vệ môi trường.

Việc tổ chức kiểm định, kiểm tra định kỳ khí thải mô tô, xe máy do cơ quan đăng kiểm thực hiện. Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về trình tự, thủ tục, nội dung kiểm định, kiểm tra định kỳ về khí thải mô tô, xe máy.

Từ năm 2007, xe máy sản xuất mới phải đạt mức tương ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 2 mới được bán ra thị trường. Còn từ năm 2017, xe máy phải đạt tiêu chuẩn tương ứng mức Euro 3 mới được bán ra thị trường.

Theo VietQ