Giải pháp căn cơ để kiểm soát an toàn thực phẩm

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phối hợp quản lý, chấn chỉnh tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và đã đạt được những kết quả nhất định. Để làm tốt hơn công tác này, mô hình “chuỗi thực phẩm an toàn” đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh.

Các siêu thị là một trong những kênh phân phối thực phẩm trong “chuỗi thực phẩm an toàn”. Trong ảnh: Người dân lựa mua thực phẩm tại Siêu thị Co.op Mart Bà Rịa.

Quản lý từ “gốc” đến “ngọn”

Trong các đợt kiểm tra, Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm luôn đánh giá cao công tác quản lý ATVSTP ở BR-VT và là một trong những địa phương dẫn đầu của cả nước về quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATVSTP.

Từ nhiều năm trước, tỉnh đã áp dụng những mô hình khá hiệu quả nhằm hạn chế các nguy cơ mất ATVSTP, trong đó có việc phân cấp quản lý, chia đầu mối cụ thể cho từng sở, ngành, chính quyền địa phương và sự tham gia của các đoàn thể với yêu cầu phối kết hợp chặt chẽ để không còn “khoảng trống” trong công tác quản lý ATVSTP. Đồng nghĩa với điều này, các khâu trong công tác ATVSTP được kiểm soát, sớm phát hiện “lỗi” để chấn chỉnh kịp thời.

Mới đây nhất, BR-VT triển khai mô hình “Chuỗi thực phẩm an toàn” nhằm xây dựng mối ràng buộc chặt chẽ trong quản lý để bảo đảm thực phẩm an toàn cho đến khi “lên tận bàn ăn”.

Với việc triển khai mô hình “Chuỗi thực phẩm an toàn”, thực phẩm được quản lý về mặt chất lượng từ khâu sản xuất đến buôn bán và tiêu dùng, hướng tới mục tiêu tất cả thực phẩm từ “trang trại cho đến bàn ăn” đều được kiểm soát về chất lượng ATVSTP theo tiêu chuẩn VietGap, VietGahp, Haccp...

Để thực hiện điều này, các sở, ngành phối hợp khảo sát, lựa chọn các nhóm thực phẩm sản xuất đến tiêu dùng đưa vào quản lý theo mô hình “Chuỗi thực phẩm an toàn”. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm từng bước tham gia chuỗi thực phẩm an toàn.

Đồng thời, xây dựng hệ thống các cửa hàng thực phẩm tại các siêu thị, chợ; tổ chức hội nghị giới thiệu sản phẩm nhằm giới thiệu sản phẩm của chuỗi với các cơ sở có nhu cầu, tạo thị trường tiêu thụ cho các cơ sở tham gia chuỗi. Theo đó, không chỉ các siêu thị, cửa hàng mà ngay cả các khu chợ cũng sẽ được đưa vào quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn.

Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương cho biết, hàng năm, Sở Công Thương đều chỉ đạo cho lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về quản lý ATVSTP tại các chợ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng gian, hàng giả, hàng hóa hết hạn sử dụng… vào các chợ để bán cho người tiêu dùng, đặt biệt là vào các dịp lễ, Tết Nguyên đán.

Qua việc kiểm tra, tuyên truyền giáo dục kiến thức ATVSTP, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng có nhận thức và trách nhiệm hơn trong việc đảm bảo ATVSTP, đầu tư thay đổi trang thiết bị phục vụ sản xuất phù hợp các điều kiện đảm bảo ATVSTP, sử dụng nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng.

Những chuyển biến đó là cơ sở để ngành Công Thương và các sở, ngành tiếp tục nâng cao, củng cố hơn nữa chất lượng ATVSTP ở các chợ khi đưa vào quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn. Hiện nay, Sở Công thương đã phối hợp với UBND TP.Bà Rịa xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm tại Chợ Bà Rịa và năm 2015 sẽ triển khai mô hình này tại chợ Vũng Tàu.

Bà Rịa Vũng Tàu đang từng bước triển khai đề án thức ăn đường phố, trong đó điểm nhấn là xây dựng các khu phố ẩm thực an toàn. Trong ảnh: Thức ăn đường phố buôn bán tấp nập tại khu vực góc đường Lý Thường Kiệt và Phạm Ngũ Lão (TP.Vũng Tàu).

Xây dựng khu phố ẩm thực an toàn

Cùng với mô hình quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn, BR-VT đang tập trung xây dựng mô hình khu phố ẩm thực an toàn để quản lý các loại hình thức ăn đường phố, trong đó có hàng rong. Mô hình này sẽ được triển khai tại TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa và huyện Long Điền. Theo đó, các loại hình thức ăn đường phố được quản lý tập trung theo nguyên tắc người bán hàng dịch vụ ăn uống được bố trí tập trung tại một địa điểm cố định.

Cá nhân đại diện quản lý tập trung, thuê, mượn mặt bằng bảo đảm cung cấp nước sạch, hệ thống xử lý chất thải, nước thải thông thoát, kín, bố trí các khu chế biến ăn uống hợp vệ sinh. Người bán hàng rong được tham gia các lớp tập huấn để cung cấp kiến thức về ATVSTP, được khám sức khỏe, xét nghiệm...

Bên cạnh đó, các cơ quan, ban ngành phối hợp xây dựng tài liệu, thiết kế in ấn các loại tờ rơi, poster hướng dẫn, tuyên truyền về ATVSTP; tổ chức các buổi truyền thông cộng đồng tuyên truyền trực tiếp kiến thức ATVSTP tới các cụm dân cư, tổ dân phố, hội viên các đoàn thể.

Bác sĩ Tiêu Văn Linh, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, Bộ Y tế đã chọn BR-VT là một trong những địa phương thực hiện mô hình quản lý thức ăn đường phố và đã được UBND tỉnh phê duyệt đề án để triển khai.

Điểm nhấn của đề án là xây dựng khu phố ẩm thực an toàn. Mục tiêu đặt ra là thực hiện tốt cam kết giữa chính quyền và chủ cơ sở để hiểu và làm đúng theo các tiêu chí ATVSTP của Bộ Y tế, phấn đấu ít nhất 80% cơ sở thức ăn đường phố đạt những tiêu chí này.

Các mặt hàng nông sản rau, củ, quả cũng được đưa vào quản lý chuỗi. Trong ảnh: Rau được bán ven đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Vũng Tàu).

Giải pháp lâu dài

Trong tuần qua, Sở KHCN đã tổ chức hội nghị nhằm xem xét, lựa chọn đề án nghiên cứu khoa học về lĩnh vực ATVSTP. Việc triển khai đề tài cấp tỉnh chuyên về ATTP sẽ góp thêm những giải pháp cho BR-VT siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Trên cơ sở nghiên cứu khảo sát thực trạng, nguyên nhân mất VSATTP của chuỗi cung cấp thực phẩm từ khâu sản xuất, bảo quản, phân phối lưu thông, chế biến đến tiêu thụ...; đề tài nghiên cứu khoa học về “ATVSTP Bà Rịa - Vũng Tàu - thực trạng và giải pháp” sẽ đề xuất các giải pháp cụ thể ứng với tình hình quản lý VSATTP và từng khâu trong chuỗi cung cấp thực phẩm bằng các văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành và các chương trình hỗ trợ, các đề án, đề tài liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Đề tài do ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm chủ nhiệm.

Kết quả của đề tài sẽ được chuyển đến UBND tỉnh, Sở Y tế, Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Sở KHCN...  làm cơ sở cho các nhà quản lý chuyên môn xây dựng chiến lược phòng chống ngộ độc thực phẩm, giải pháp can thiệp, kỹ năng điều hành chương trình mục tiêu quốc gia ATVSTP tại địa phương; giúp UBND tỉnh hoạch định chính sách phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm, nhằm nâng cao chất lượng sức khỏe người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua, mô hình khu ẩm thực an toàn đã được phát động triển khai tại huyện Long Điền và TP.Vũng Tàu. Theo đó, điểm đầu tiên được chọn xây dựng khu ẩm thực an toàn là khu vực Dinh Cô thuộc thị trấn Long Hải.

Đây là khu vực ven biển tập trung nhiều cơ sở dịch vụ thức ăn đường phố phục vụ du khách và người dân địa phương. Điểm còn lại được xây dựng trên địa bàn thị trấn Long Điền. Tại TP.Vũng Tàu, ngành y tế cũng đã chọn tuyến đường Thống Nhất thuộc khu phố 5, khu phố 6 (phường 8) xây dựng điểm phố ẩm thực an toàn.

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu