Giả mạo chữ ký người đã chết để ngăn chặn mua bán nhà, chuyện thật như đùa tại TANDQ4

“Người đã chết nhưng chưa phải đã hết”, câu nói đó lại ứng nghiệm khi vừa qua tại Quận 4, TPHCM xuất hiện vụ việc kiện tụng liên quan đến giao dịch nhà đất trị giá đến 50 tỷ đồng nhưng chữ ký người bán (đã chết) sau khi giám định lại là… giả!!!

“Giả mạo” chữ ký người đã chết để tranh chấp tài sản?

Ngày 3/11/2020, Tòa án nhân dân Quận 4 TPHCM (TANDQ4) sẽ đưa ra xét xử công khai một vụ án kiện tụng kỳ lạ khi nguyên đơn khởi kiện bị đơn là người đã chết bằng 1 tờ giấy Thỏa thuận mà sau khi giám định chữ ký thì đó “không phải do cùng một người ký ra” so với các chữ ký mẫu của người đã chết ký tại ngân hàng.

Cụ thể sự vụ như sau. Ngày 16/1/2020, thẩm phán Nguyễn Thị Mỹ Duyên - TANDQ4 ban hành quyết định số 01/2020/QĐ-BPKCTT về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” là nhà đất 33 Lê Thạch trị giá 18,5 tỷ đồng.

Theo vị thẩm phán Mỹ Duyên thì nhà đất 33 Lê Thạch là một trong 04 bất động sản đang bị tranh chấp bởi Hợp đồng mua bán tài sản mà Ông Phạm Anh Vũ (đã mất) là bị đơn, người thừa kế liên quan là Ông Phạm Bá Tước. Nguyên đơn là Ông Đặng Ngọc Phê và Bà Khổng Thị Minh đã khởi kiện yêu cầu Ông Tước tiếp tục thực hiện “Thỏa thuận về việc mua bán chuyển nhượng” 04 bất động sản (trong đó có nhà đất 33 Lê Thạch) trị giá 50 tỷ đồng ký ngày 10/6/2019 mà con trai Ông Tước là Ông Phạm Anh Vũ đã ký kết với Nguyên đơn khi còn sống.

Nhận thấy bản thỏa thuận do Ông Phê và Bà Minh cung cấp có dấu hiệu giả mạo nên Ông Tước đã đề nghị giám định chữ ký và kết luận giám định của Phân viện khoa học hình sự tại TP.HCM ngày 10/07/2020 cho thấy chữ ký tại Thỏa thuận mua bán của Ông Phạm Anh Vũ với 7 mẫu tài liệu mẫu so sánh là “không phải do cùng một người ký ra”.

Ảnh minh họa: Giả mạo chữ ký và những quyết định chậm chạm của Tòa án.

Ảnh minh họa: Giả mạo chữ ký và những quyết định chậm chạm của Tòa án.

Ai chịu thiệt hại?

Được biết, ngày 30/11/2019, bà Ngô Thị Anh Đào đã ký kết Hợp đồng hứa mua bán bất động sản 33 Lê Thạch, phường 12, quận 4, TP.HCM (tạm gọi 33 Lê Thạch) và đặt cọc số tiền 200 triệu đồng với Ông Phạm Bá Tước là người được thừa kế tài sản hợp pháp từ con trai Phạm Anh Vũ đã mất.

Đến 26/12, Bà Đào nộp toàn bộ số tiền 18,5 tỷ đồng vào tài khoản của Ông Phạm Bá Tước tại Ngân hàng Vietinbank và tiến hành giải chấp, trả tài sản là Giấy chứng nhận QSDĐ, QSHNO và TSKGLVĐ cho Ông Tước. Cùng ngày các bên tiến hành ký kết Hợp đồng Mua bán Công Chứng, giữa bên bán là Ông Tước và bên mua là Bà Đào với giá chuyển nhượng là 18,5 tỷ đồng và bàn giao nhà đất cho Bà Đào.

Ngày 31/12/2019, Bà Đào nộp hồ sơ đăng ký cập nhật sổ sang tên Bà Đào tại Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh quận 4. Theo biên nhận ngày hẹn trả kết quả là ngày 17/01/2020 nhưng sau đó Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Quận 4 thông báo trả hồ sơ vì Quyết định của thẩm phán Mỹ Duyên TANDQ4.

Đến nay, vụ việc đã hơn 9 tháng kể từ ngày Bà Mỹ Duyên ký quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp, và đã qua gần 4 tháng kể từ ngày có kết luận giám định chữ ký. Vụ việc kéo dài gây nhiều thiệt hại cho bà Đào, ông Phạm Công Hiệp (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) và gia đình.

Theo ông Hiệp cho biết, thiệt hại từ quyết định trên đến nay đã hơn 5,5 tỷ đồng bao gồm tiền lãi do phải vay mượn để đầu tư mua tài sản trên, chi phí sửa chữa nhà và đền bù tiền cọc cho bên thứ ba dự kiến mua lại tài sản 33 Lê Thạch.

Trách nhiệm và tiếng nói nào cho công lý?

Trong nỗ lực kêu oan, ông Hiệp trăn trở: “Người mua nhà đã cho dù đã rất cẩn trọng kiểm tra tình trạng pháp lý về quy hoạch, tranh chấp, công chứng vẫn không tránh khỏi rủi ro đó là không thể sang tên do dính liếu đến vụ kiện từ “trên trời rơi xuống”?! Dựa vào một bản thỏa thuận hứa mua bán giả mạo chữ ký người đã mất vẫn có khả năng ngăn chặn giao dịch mua bán hợp pháp?”.

Lật lại vụ án cho thấy Thỏa thuận mua bán tài sản ngày 10/6/2019 là chứng cứ duy nhất khi TANDQ4 ra thông báo tiếp nhận thụ lý vụ án. TANDQ4 đã không kiểm tra, giám định chứng cứ này nhưng khi bị đơn giám định và được cơ quan chức năng xác nhận chữ ký giả, bà Đào gửi đơn kiến nghị thì vị thẩm phán vẫn chưa gỡ bỏ quyết định ngăn chặn “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp”.

Theo Điều 93 Bộ luật tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định về chứng cứ trong vụ việc dân sự như sau: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự, cơ quan tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình tự cho Tòa án trong quá trình tố tụng và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.

Ngoài ra, Điều 6 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân; khoản 2 Điều 13 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 12 Bộ luật tố tụng hình sự, thì “Thẩm phán chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Tư liệu Vụ án