Dùng bông ngoáy tai kiểu này là sai lầm hàng triệu người đang mắc

Thói quen dùng bông tưởng rằng rất có lợi cho việc vệ sinh tai. Tuy nhiên, các ca bệnh nhập viện gần đây chỉ vì chiếc bông tăm đó sẽ khiến bạn thay đổi ngay thói quen này.
 
dung-bong-ngoay-tai-kieu-nay-la-sai-lam-hang-trieu-nguoi-dang-mac

Bông tăm không đảm bảo, sử dụng ngoáy tai có thể đưa thêm vi khuẩn, nấm từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào da ống tai. Ảnh minh họa: T.L

Nhiễm trùng não vì bông tăm

Cách đây không lâu, một người đàn ông ở Conventry đã suýt thiệt mạng vì nhiễm trùng não do sử dụng bông ngoáy tai. Các bác sĩ cho biết, một phần của bông ngoáy đã sót lại trong tai người đàn ông 31 tuổi này 5 năm trước khi anh gặp họa.

Thực tế, đã từng có những sự việc tương tự xảy ra. Một người phụ nữ người Úc đã suýt chết vì nhiễm trùng não sau khi dùng tăm bông để làm sạch tai. Theo chia sẻ của cô, bên tai trái cô không thể nghe được gì. Khi cô ngoáy tai thường đau, thấy tai bị chảy dịch màu nâu, có mùi hôi, thậm chí có lần lẫn cả máu. Đi khám bác sĩ chỉ định cho cô uống thuốc kháng sinh nhưng không đỡ mới đến gặp bác sĩ tai mũi họng để chụp CT. Bác sĩ đã phát hiện ra bệnh nhiễm trùng sâu bên trong tai cô và nguyên nhân do một sợi bông mỏng rơi ra từ bông ngoái tai.

Các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân bị bông tai mắc kẹt trong tai gây nên các biến chứng viêm ống tai ngoài. Như trường hợp bé N.T.H (ở Hà Nội) phải vào bệnh viện cấp cứu vì viêm tai. Bé có thói quen sử dụng bông tăm để vệ sinh sau bơi. Do chất lượng bông tăm không tốt, một lần bé ngoáy tai đã bị rơi phần bông trong ống tai nhưng không nói cho bố mẹ.

Sau khoảng một tuần, bé thường hay kêu ngứa, tai sưng đỏ nên gia đình đưa đi kiểm tra thì phát hiện có dị vật ở trong tai. Bác sĩ đã gắp ra được một ít bông tai. Khi đó, trong ống tai của bé đã có ổ áp xe nhiều mủ gần xương chũm, chỉ chậm trễ có thể gây viêm màng não.

Theo BS Phạm Bích Đào (Đại học Y Hà Nội), nhiều người thường có thói quen ngoáy tai bằng bông tăm khi vệ sinh tai vì nghĩ chúng an toàn. Nhưng thói quen này nếu không cẩn thận lại có thể gây ảnh hưởng cho sức khỏe.

Khi dùng dụng cụ ngoáy tai như tăm bông kém chất lượng tác động lên thành ống tai sẽ làm mất đi lớp biểu bì bảo vệ tai, có thể gây tổn thương da ống tai. Vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào tổ chức liên kết nằm bên dưới lớp da gây viêm ống tai, đặc biệt người bệnh bơi ở những ao hồ bẩn.

Tai sẽ đau nhức, chảy mủ, ù tai, nghe kém thậm chí một số bệnh nhân đến khám khi ống tai ngoài bị viêm tấy lan tỏa ra nửa mặt, chảy máu lẫn nước mủ ra cửa tai. Cũng đã có những trường hợp gặp phải tình trạng thủng mạng nhĩ, viêm tai giữa…

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, chảy máu sau ngoáy tai hay gặp ở trẻ nhỏ khi cha mẹ dùng bông ngoáy tai vệ sinh cho trẻ. Thói quen này cần phải thay đổi bởi tăm bông khô, cứng hoặc chỉ cần động tác ngoáy mạnh mà trẻ nhỏ không ngồi im là rất dễ dẫn tới xước, chảy máu tai. Nếu nhẹ xước ống tai ngoài thì không ảnh hưởng lắm nhưng trường hợp động tác ngoáy sâu quá vào thẳng mạng nhĩ, dẫn tới thủng mạng nhĩ là chuyện không hiếm.

Hơn nữa, việc ngoáy tai có thể đẩy khối ráy tai nếu có vào sâu hơn trong ống tai ngoài gây khó khăn cho việc chăm sóc tai, thậm chí ấn sát vào màng nhĩ gây đau tai. Nếu loại bông tăm không đảm bảo còn đưa thêm vi khuẩn, nấm từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào da ống tai.

Sai lầm cần loại bỏ ngay

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, ở trẻ em lẫn người lớn tai đều có cơ chế tự động làm sạch. Trên thực tế không nhất thiết phải vệ sinh tai bằng tăm bông, thay vào đó chỉ cần lau chui bằng khăn mềm bên ngoài tai là đủ làm sạch tai trẻ. Ráy tai có thể tự thoát ra ngoài cùng với vi khuẩn và tế bào da chết. Mỗi khi tắm, nước làm ráy tai bong ra một chút giúp thoát ra ngoài dần dần.

Khi dùng bông ngoáy tai, chỉ được thao tác sâu nhất là ở vùng ống tai ngoài. Chú ý dùng dụng cụ ngoáy tai sạch sẽ, đảm bảo chất lượng và không tái sử dụng bông đã ngoáy tai này cho tai kia. Trường hợp cảm thấy có nhiều ráy tai, ráy tai nằm sâu bên trong không tự thoát ra ngoài được, có mủ, tiết dịch bất thường... cần đi khám chuyên khoa tai mũi họng.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi ngứa tai tức là ống tai ngoài đang bị tổn thương, càng ngoáy sẽ làm thương tổn lan rộng và nặng nề hơn. Khi tai bị khó chịu cần xử lý đúng cách. Trường hợp, nước vô tình vào trong ống tai khi tắm hoặc bơi gây cảm giác ù tai hãy nghiêng đầu về từng bên. Sau đó, day nhẹ vào nắp tai cho nước chảy ra. Bông tăm dùng loại sạch, đặt nhẹ vào ống tai để yên trong vòng 5 phút, nước sẽ bị bông khô tự động hút hết. Tránh tình trạng ngoáy sâu, lau chùi nhiều.

Nếu sau ngoáy tai thấy đau, chảy máu cần nhanh chóng kiểm tra tại các cơ sở tai mũi họng. Nếu viêm ống tai ngoài mức độ nhẹ.Các bác sĩ sẽ đặt thuốc, nhỏ thuốc tai tại chỗ. Trong trường hợp nặng sẽ phải dùng đến kháng sinh và làm thuốc tai tại chỗ…

Không chỉ lạm dụng bông tăm ngoáy tai, nhiều cha mẹ còn tự ý nhỏ nước muối sinh lý để làm sạch ráy tai cho trẻ. Các chuyên gia tai mũi họng khuyến cáo, cách làm này cần phải hết sức thận trọng vì rất dễ gây ù tai. Nước muối sinh lý chỉ nên được nhỏ bởi các bác sĩ chuyên khoa cho những người có nhiều ráy tai và nhỏ trước khi tiến hành lấy ráy tai để làm mềm ráy tai, giúp việc lấy ráy tai được dễ dàng mà không làm tổn thương ống tai. Mọi người không nên tự ý làm, nhất là đối với trẻ nhỏ vì ngay cả với các bác sĩ việc vệ sinh tai ở trẻ nhỏ còn khó thực hiện do ống tai của trẻ nhỏ, có nhiều lông…

Theo GiaDinh