Đưa khoảng 400 người bị lôi kéo sang Campuchia trái phép về nước

Gần đây rộ lên thông tin về tình trạng người Việt bị lôi kéo sang Campuchia làm việc bất hợp pháp.

Ngày 26-6, trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động về tình trạng người Việt gần đây bị lôi kéo sang làm việc bất hợp pháp, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia phối hợp với cơ quan chức năng sở tại, cộng đồng người Việt Nam tại địa bàn tìm hiểu, xác minh thông tin và tích cực triển khai các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.

dua-khoang-400-nguoi-bi-loi-keo-sang-campuchia-trai-phep-ve-nuoc

Một số lao động Việt Nam được giải cứu sau khi bị lừa bán sang Campuchia (Nguồn: antt.vn)

Kết quả, từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp với các cơ quan chức năng hai nước, xác minh, hỗ trợ và đưa về nước an toàn khoảng 400 công dân Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn chủ trương đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, góp phần tạo việc làm, tạo thu nhập, nâng cao tay nghề và trình độ ngoại ngữ cho người lao động, đồng thời kiên quyết đấu tranh với các hành vi lừa đảo, di cư trái phép, đưa người di cư trái phép. Các Bộ, ngành và địa phương của Việt Nam đã thường xuyên triển khai các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng công dân Việt Nam bị lừa đảo, môi giới lao động đi nước ngoài bất hợp pháp, đặc biệt tại các khu vực giáp biên, vùng sâu vùng xa.

Bộ Ngoại giao cũng luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại, các công ty quản lý và sử dụng lao động, giữ liên lạc với cộng đồng người Việt Nam ở sở tại nhằm tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài, đồng thời sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam.

Trước đó, báo chí trong nước phản ánh tình trạng một số đối tượng dụ dỗ người Việt qua mạng xã hội nhằm lôi kéo nạn nhân sang lao động tại Campuchia với mức lương lên tới cả ngàn USD/tháng.

Các đối tượng lừa đảo thường thông qua mạng xã hội (chủ yếu là Facebook, Zalo) đăng thông báo tuyển dụng lao động với mức lương cao, chủ yếu hướng đến thanh niên trẻ, không có việc làm ổn định.

Khi các nạn nhân sập bẫy, các đối tượng sẽ hướng dẫn, tổ chức xuất cảnh trái phép sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch. Sau đó, các đối tượng này sẽ đạo diễn, đưa nạn nhân đến làm việc tại các công ty do người nước ngoài làm chủ.

Tại đây, các đối tượng người nước ngoài sẽ yêu cầu nạn nhân lập các tài khoản mạng xã hội để giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên; nhân viên bán hàng cho các website mua sắm trực tuyến; nhân viên các sàn đầu tư tài chính; nhân viên cơ quan Nhà nước… nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Các nạn nhân sẽ bị các công ty bắt buộc ký hợp đồng làm việc, thực hiện các chỉ tiêu về số tiền lừa đảo được trong tháng. Nếu người nào không hoàn thành chỉ tiêu sẽ bị phạt tiền, đánh đập, không cho ăn uống hoặc bán nạn nhân cho các công ty khác.

Từ lời khai của các nạn nhân đã được trở về cho thấy, sau khi bị lừa xuất cảnh sang Campuchia, nếu muốn trở về Việt Nam thì phải liên hệ với gia đình đóng số tiền chuộc từ 80 triệu đến hơn 100 triệu đồng/người.

Theo NLD