Điều tra 2 tiệm vàng có dấu hiệu giúp Nhật Cường tuồn 2.500 tỉ đồng ra nước ngoài

Hai tiệm vàng ở phố Hà Trung và phố Hàng Dầu (Hà Nội) bị nghi vấn là đường dây trung gian chuyển 2.500 tỉ đồng ra nước ngoài giúp sức cho việc buôn lậu của ông chủ Nhật Cường.

Chiều 10-5, TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm đối với 14 bị cáo trong vụ án "buôn lậu", "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường).

dieu-tra-2-tiem-vang-co-dau-hieu-giup-nhat-cuong-tuon-2-500-ti-dong-ra-nuoc-ngoai

Hội đồng xét xử  tại phiên toà

Theo bản án sơ thẩm, từ khoảng tháng 1-2014 đến tháng 5-2019, dưới chỉ đạo của Bùi Quang Huy, các bị cáo đã tổ chức, tham gia đường dây nhập lậu hơn 255.000 điện thoại và sản phẩm công nghệ khác từ 16 nhà cung cấp nước ngoài. Tổng số hàng lậu đã giao dịch có giá trị trên 2.900 tỉ đồng. Sau đó, hàng lậu được Công ty Nhật Cường bán lẻ với tổng số 254.364 sản phẩm, thu hơn 3.213 tỉ đồng và hưởng lợi bất chính 221 tỉ đồng.

Ngoài ra, Bùi Quang Huy còn chỉ đạo nhân viên lập 2 hệ thống sổ sách kế toán gồm hệ thống ERP nội bộ để theo dõi số liệu thực tế và hệ thống Misa ghi nhận báo cáo tài chính, sổ sách kế toán để khai báo với cơ quan quản lý Nhà nước.

Từ đó, Công ty Nhật Cường đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỉ đồng tiền thuế Giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đáng chú ý, bản án sơ thẩm cho rằng, có một số đối tượng khác là những nhà cung cấp, đường dây trung gian chuyển tiền ra nước ngoài đã giúp sức cho việc buôn lậu của Bùi Quang Huy, như tiệm vàng ở phố Hà Trung, phố Hàng Dầu (Hoàn Kiếm, TP Hà Nội)… Do vậy, HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ, xem xét nếu có căn cứ phải xử lý theo quy định.

Theo hồ sơ vụ án, thông qua lời khai của bị can Nguyễn Bảo Ngọc, giám đốc tài chính Nhật Cường, và phần mềm ERP (dữ liệu điện tử bí mật) của Nhật Cường, thể hiện Bùi Quang Huy cùng các đồng phạm đã thông qua 2 tiệm vàng để chuyển hàng ngàn tỉ đồng thanh toán cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và tiền công vận chuyển.

Cụ thể, 2 tiệm vàng nêu trên là Lộc Phát (số 65, phố Hà Trung, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội do Nguyễn Thị Thanh L. làm chủ); tiệm vàng Thuận Phát (số 9A, phố Hàng Dầu, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm do Bùi Thanh Ph. điều hành).

Theo đó, tiệm vàng Lộc Phát chuyển 1.729 tỉ đồng; chi tiền mặt là 1.121 tỉ đồng, số tiền còn lại chuyển khoản 21 tài khoản vào 12 cá nhân. Tiệm vàng Thuận Phát chuyển 795 tỉ đồng; chi tiền mặt là 487 tỉ đồng, số còn lại chuyển vào 14 tài khoản của 8 cá nhân.

Trong quá trình điều tra, 2 chủ cửa hàng nêu trên khai tài khoản có nhận tiền Công ty Nhật Cường. Tuy nhiên, Nguyễn Thị Thanh L. và Bùi Thanh Ph. chỉ khai nhận việc chuyển tiền cho Công ty Nhật Cường để chuyển tiền cho khách hàng trong nước (không nhớ rõ đơn vị, cá nhân nào), không thừa nhận việc chuyển tiền ra nước ngoài.

Về việc này, đến nay Cơ quan điều tra chưa thu thập được tài liệu phản ánh việc các đối tượng chuyển tiền ra nước ngoài. Bùi Quang Huy, là đối tượng trực tiếp liên hệ, thuê L., Ph. chuyển tiền ra nước ngoài, đang bỏ trốn, chưa truy bắt được. Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ tiếp tục điều tra và xử lý sau.

Mức án các bị cáo

Chiều 10-5, TAND Hà Nội tuyên phạt Trần Ngọc Ánh (Phó tổng giám đốc Nhật Cường) 13 năm tù, Đỗ Quốc Huy (Giám đốc Bán hàng) 9 năm; Bùi Quốc Việt (nhân viên, anh trai Bùi Quang Huy tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) 5 năm và 9 bị cáo khác bị tuyên từ 4 đến 7 năm tù cùng về tội buôn lậu.

Riêng Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính Nhật Cường) 10 năm về tội Buôn lậu và 4 năm về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp 14 năm. Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng Nhật Cường) bị phạt 3 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo NLD