Điện lực Bắc Ninh lên tiếng vụ gần 3.000 hộ dân phải sử dụng điện qua cai thầu



Không dưới 10 cuộc họp diễn ra, tài sản lưới điện được nâng lên, đặt xuống nhưng vẫn chưa có sự thống nhất giữa hội đồng định giá và đơn vị cai thầu.

Liên quan đến việc bức xúc của người dân phố Đa Hội (phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn) vì phải sử dụng điện qua cai thầu, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo đơn vị liên quan thành lập Hội đồng định giá tài sản lưới điện dân sinh để bàn giao về Công ty Điện lực Bắc Ninh.

Ông Đỗ Quốc Long - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Ninh thông tin, từ năm 2004, đơn vị đã tiếp nhận tất cả hệ thống điện lực trong tỉnh, duy nhất còn phường Châu Khê chưa bàn giao được để công ty quản lý vì nguồn vốn xây dựng hệ thống điện lưới do nhân dân đóng góp kết hợp với HTX Đa Hội cũ (nay là HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đa Hội).

dien-luc-bac-ninh-len-tieng-vu-gan-3-000-ho-dan-phai-su-dung-dien-qua-cai-thau

Ông Đỗ Quốc Long - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Ninh.

"Từ nhiều năm nay, đơn vị đã nắm được những vấn đề nhức nhối liên quan đến việc mua bán điện xảy ra tại phố Đa Hội như việc cắt điện, hóa đơn không rõ ràng. Ngoài ra, đơn vị kinh doanh điện tại địa phương cũng có nhiều sai phạm như hệ thống lưới điện không đảm bảo an toàn cho người dân, giá điện bán cho người dân cũng chưa đúng với giá Nhà nước quy định. Tuy nhiên do bên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đa Hội cũng là đơn vị kinh doanh điện nên việc kiểm tra, thanh tra xử lý sẽ do Sở Công Thương phụ trách", ông Long thông tin.

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Ninh cho rằng, việc giám sát đơn vị kinh doanh điện hiện tại đang do Sở Công Thương quản lý. Nếu HXT Đa Hội thu tiền điện của người dân mà không có hóa đơn thể hiện bản chất trốn thuế. Do vậy ngành điện cũng đề nghị cơ quan công an, các cơ quan liên ngành cần tăng cường kiểm tra thường xuyên, có chế tài xử lý nếu phát hiện sai phạm.

dien-luc-bac-ninh-len-tieng-vu-gan-3-000-ho-dan-phai-su-dung-dien-qua-cai-thau

Người dân khu phố Đa Hội chỉ nhận được giấy báo tiền điện chứ không được nhận hóa đơn GTGT theo quy định.

"Mặc dù có nhiều sai phạm trong việc quản lý điện, song cơ quan chức năng rất khó xử lý chủ cai thầu. Nếu tước giấy phép hoạt động kinh doanh của đơn vị này, người dân sẽ không có điện sử dụng, đời sống sinh hoạt đình trệ, gây mất an ninh trật tự. Đây là vấn đề nhức nhối và tỉnh Bắc Ninh cân nhắc rất kỹ lưỡng. Vì vậy, UBND tỉnh cùng các sở, ban ngành đang nỗ lực để giải quyết vấn đề này", ông Long trăn trở.

Cũng theo Phó Giám đốc Cty Điện Lực Bắc Ninh, từ năm 2016 đến nay UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở Tài chính, Sở Công Thương đã tổ chức không dưới 10 cuộc họp để định giá, đưa ra giá cao nhất có thể để có lợi cho doanh nghiệp nhưng bên HTX Đa Hội không đồng ý với mức giá đó nên đã không bàn giao.

dien-luc-bac-ninh-len-tieng-vu-gan-3-000-ho-dan-phai-su-dung-dien-qua-cai-thau

Hệ thống điện xuống cấp, cũ kỹ dù người dân nhiều lần phải đóng góp kinh phí thay thế.

Đại diện Cty Điện lực Bắc Ninh cho hay, đơn vị cai thầu đang lợi dụng việc độc quyền cung cấp điện tại Châu Khê. Khi đơn vị có sai phạm, hình thức xử phạt cao nhất là tước giấy phép. Tuy nhiên, cai thầu hiểu được cơ quan chức năng không dám tước giấy phép vì người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ đó, họ cố tình đẩy định giá tài sản hệ thống điện lên cao.

Về việc quản lý điện ở Đa Hội, ông Long cho biết: "Nếu trong năm nay không định giá được tài sản cho đơn vị cai thầu thì năm 2020 UBND tỉnh sẽ đầu tư mới toàn bộ hệ thống cột, đường dây và trạm biến thế để bán điện cho người dân.

Nếu trong thời gian tới đơn vị cai thầu không bàn giao thì tỉnh sẽ đầu tư mới toàn bộ. Việc đầu tư mới sẽ tiết kiệm kinh phí, an toàn hơn cho người dân và các công nhân điện. Còn nếu bên cai thầu đồng ý bàn giao thì công ty sẽ đánh giá, chỗ nào cần thay mới thì thay, chỗ nào cải tạo thì vẫn cải tạo để dùng sao cho tiết kiệm ngân sách của nhà nước nhất có thể".

Theo GiaDinh