Đề xuất tăng lương giáo viên và miễn học phí đến cấp THCS không được ủng hộ

Tăng lương cho giáo viên và miễn học phí cho học sinh đến THCS là đề xuất của Bộ GD&ĐT đã không nhận được ý kiến đồng tình ủng hộ của Bộ Nội vụ và vụ và Bộ Tài chính

Dẫn thông tin Zing đăng tải, vào tháng 11/2017, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, trong đó có hai vấn đề nổi bật là đề nghị xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp và miễn giảm học phí tới cấp THCS.

Hai nội dung này ngay sau đó đã thu hút sự quan tâm, kỳ vọng lớn của đội ngũ giáo viên, cũng như xã hội. Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, trong bản báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục của Bộ GD&ĐT đến nay đã nhận được ý kiến của 22 bộ, ngành.

Trong đó có 7/22 cơ quan đồng ý với dự thảo luật; 15/22 đơn vị có ý kiến góp ý. Đáng chú ý, 2 nội dung đề xuất tăng lương giáo viên và miễn học phí học sinh THCS đã không nhận được sự đồng thuận của 2 bộ có liên quan trực tiếp đến vấn đề này là Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ. Lý do được đưa ra là ngân sách hiện nay còn hạn hẹp.

de-xuat-tang-luong-giao-vien-va-mien-hoc-phi-den-cap-thcs-khong-duoc-ung-ho

Tăng lương cho giáo viên và miễn học phí đến cấp THCS không được sự ủng hộ từ Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính. Ảnh minh họa

Theo Zing, xung quanh đề xuất “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, theo Bộ Nội vụ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và đã ban hành một số văn bản về chế độ phụ cấp đối với nhà giáo.

Đến nay, nhà giáo được xếp lương theo chức danh nghề nghiệp quy định tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước), được hưởng các chế độ phụ cấp lương đối với viên chức trên cùng địa bàn làm việc và được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức cao nhất đến 70% và phụ cấp thâm niên nghề. Đây là sự ưu đãi đặc biệt của Nhà nước đối với nhà giáo.

Văn bản góp ý của Bộ Nội vụ viện dẫn các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và cho rằng: Trong thời gian qua, nhiều bộ, ngành khi xây dựng luật chuyên ngành đã đưa quy định về tiền lương (cả phụ cấp) làm phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề.

Chính vì vậy, Bộ Nội vụ đề nghị không quy định tiền lương của nhà giáo tại khoản 23 Điều 1 Dự án Luật. Vấn đề này cần phải được nghiên cứu, xây dựng ban hành đồng bộ khi cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị trong thời gian tới, bảo đảm tương quan chung, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước.

Về đề xuất “miễn học phí tới cấp THCS ở trường công lập”, theo báo Thanh niên, văn bản góp ý của Bộ Tài chính cho rằng, Nghị quyết số 29-NQ/TƯ đã nêu: “Đối với giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020”. Vì vậy, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc cân đối kinh phí để thực hiện chính sách này là không khả thi. Đề nghị Bộ GD&ĐT không đưa nội dung này vào dự thảo luật, đồng thời chỉ xem xét quy định học sinh (HS) THCS không phải đóng học phí từ sau năm 2020 khi bắt đầu triển khai giáo dục bắt buộc theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Bộ Nội vụ cũng cho rằng, đề xuất miễn học phí THCS chưa phù hợp với quy định tại các nghị quyết của Đảng và làm tăng chi ngân sách nhà nước trong khi ngân sách nhà nước khó khăn.

Vì vậy, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD&ĐT xây dựng Đề án về việc miễn học phí đối với cấp THCS cho phù hợp với quy định nêu trên của Đảng và Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25.10.2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư khóa 12 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đỗ Thu Thoan(T/h)

Theo VietQ