Đề xuất gói hỗ trợ lần 2: 18.600 tỉ cho người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì COVID-19

Bộ Lao động - thương binh và xã hội vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.

de-xuat-goi-ho-tro-lan-2-18-600-ti-cho-nguoi-lao-dong-doanh-nghiep-bi-anh-huong-vi-covid-19

Người lao động tự do ở Q.Hà Đông (Hà Nội) bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhận tiền hỗ trợ - Ảnh: Đ.BÌNH

Kinh phí của gói hỗ trợ lần 2 này lên tới 18.600 tỉ đồng, nhằm hỗ trợ về chính sách tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh và người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm.

Theo đề xuất, đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất - kinh doanh), người lao động tại khu vực nông thôn.

Mức vay dự kiến đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh là 2 tỉ đồng, với người lao động là 100 triệu đồng. Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới.

Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ ngày 1-9-2020 đến 1-9-2021. Lãi suất vay 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo). Kinh phí ước tính là 15.000 tỉ đồng.

Bộ Lao động - thương binh và xã hội cũng đề xuất chính sách hỗ trợ lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn, sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn (tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi). 

Đối tượng thụ hưởng là người lao động đang phải thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm, hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động.

Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng và 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 9 đến tháng 12-2020.

Kinh phí ước tính khoảng 3.600 tỉ đồng.

Đã có gần 16 triệu người được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng

Về gói hỗ trợ thứ nhất (gói 62.000 tỉ đồng), tại công văn gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết, tính đến hết tháng 7-2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách gần 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là trên 17.500 tỉ đồng.

Cụ thể, Kho bạc Nhà nước trung ương đã thực hiện giải ngân gần 12.000 tỉ đồng để thực hiện hỗ trợ cho gần 12 triệu người và gần 13.000 hộ kinh doanh, gồm:

trên 11,5 triệu người là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí là trên 11,5 tỉ đồng; đối tượng là người lao động đã được hỗ trợ trên 402.000 người với kinh phí là trên 403 tỉ đồng.

Theo Bộ Lao động, về căn bản các địa phương đã hoàn tất việc chi trả hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

Đối với việc hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh, nhìn chung các chính sách hỗ trợ đã bao phủ tới các đối tượng thụ hưởng (chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách tạm hoãn đóng BHXH, chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc...).

Đối với những vướng mắc và đề xuất kiến nghị của các địa phương, ngày 31-7-2020, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 15 về hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với chính sách hỗ trợ cho lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, điều chỉnh các điều kiện đối với chính sách cho vay để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Đức Bình

Theo Tuổi trẻ

----

Xem thêm:

Người chết, kẻ đi tù vẫn có tên nhận tiền hỗ trợ COVID-19 ở Gia Lai

Hơn 1.200 người thuộc diện đã chết, đi tù hay hộ nghèo, cận nghèo trùng tên nhau vẫn nghiễm nhiên ‘lọt’ vào danh sách nhận tiền hỗ trợ COVID-19 ở huyện Chư Păh.

Theo số liệu thống kê, tổng hợp của các xã, thị trấn tại huyện Chư Păh thì có tới 22.913 trường hợp thuộc diện được nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của COVID-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP, với tổng kinh phí trên 19 tỷ đồng.

Tính đến ngày 19/6/2020, tổng số trường hợp đã được nhận kinh phí hỗ trợ là 21.648 người (đạt 94,4%), tương ứng với số tiền chi trả là trên 18 tỷ đồng.

Tuy nhiên trong tổng số hơn 22 nghìn trường hợp nói trên nằm trong danh sách hỗ trợ thì có đến 1.265 người chưa được trả hoặc không chi trả với lý do không đúng đối tượng phải chi trả.

nguoi-chet-ke-di-tu-van-co-ten-nhan-tien-ho-tro-covid-19-o-gia-lai

Trụ sở UBND huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai).

Cụ thể trong 1.265 trường hợp gồm: 69 người chết; 68 người đi làm xa, chuyển đi nơi khác không liên lạc được, đi tù; 95 người không có CMND, sổ hộ khẩu, không có giấy chứng nhận hộ nghèo; 236 người là hộ nghèo, hộ cận nghèo trùng tên, trùng với đối tượng người có công, bảo trợ xã hội; 294 người là nhân khẩu đã tách khỏi hộ; 503 người có tên trong danh sách nhưng không có tên trong sổ hộ khẩu, sai họ tên.

Trước sự việc những trường hợp không đủ điều kiện vẫn được lập danh sách hỗ trợ tiền COVID-19, ông Rơ Châm Ghí - Trưởng Phòng Lao động Thương Binh và Xã hội huyện Chư Păh cho biết, trong quá trình triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP cũng như Quyết định 15 thì đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện theo đúng quy trình văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.

“Quá trình đi rà soát đối tượng được hưởng hỗ trợ, chúng tôi đã lấy danh sách các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo vào cuối tháng 12 năm 2019 nghèo đa chiều theo Quyết định 59 của Chính phủ.

Trên cơ sở danh sách đó thì chúng tôi đã tiến hành chi trả. Thẩm quyền được cấp giấy chứng nhận hộ nghèo là do thôn làng lập lên và xã chứng nhận. Trên phòng chúng tôi chỉ tổng hợp lại”, ông Ghí nói.

Lý giải về việc những người đã chết vẫn được địa phương lập danh sách lên, ông Ghí cho biết: “Danh sách là lấy từ tháng 12/2019 nên đầu năm 2020, họ đã chết, hoặc đi khỏi địa phương nên số liệu trên có chút sai lệch”.

Còn về việc lập danh sách đối với những người không có CMND, sổ hộ khẩu, không có giấy chứng nhận hộ nghèo thì vị này cho rằng là lỗi của chính quyền địa phương.

 “Khi rà soát xong, cuối năm tỉnh phê duyệt danh sách hộ nghèo để cấp Giấy chứng nhận hộ nghèo nhưng có xã có hay không bản thân Trưởng phòng cũng không nắm được. Nhiều lúc chúng tôi xuống kiểm tra thì họ vẫn không có sổ hộ nghèo”, ông Ghí cho biết.

Trước những sai phạm trong quá trình lập danh sách, ông Rơ Châm Ghí cho biết, sau khi phát hiện được sự việc trên thì UBND huyện đã họp Ban điều phối, xã, thị trấn, Phòng TBXH kiểm tra rà soát lại đối tượng nào đúng thì cho hưởng đối tượng nào sai sẽ thu hồi.

“Đồng thời, huyện sẽ kiểm điểm các xã và rút kinh nghiệm. Sai là do khách quan, dưới cơ sở không nắm được, họ chỉ tổng hợp, lập theo danh sách chứ không rà soát, khi phát hiện sai thì mới bắt đầu rà soát và cứ theo danh sách chi trả”, vị này nói thêm.

Hiền Mai

Theo VTC

----

Xem thêm:

+ĐBQH bức xúc trước một bộ phận nhỏ cán bộ nghĩ ra đủ cách, mánh khỏe chiếm đoạt tiền hỗ trợ gói 62.000 tỷ

+Đau lòng: Bố đẻ 90 tuổi ở Hải Dương bị con trai cướp tiền hỗ trợ dịch COVID - 19

+Nghệ An: Sau khi nhận tiền hỗ trợ COVID–19, hơn 60 hộ ở một xóm bỗng dưng “thoát nghèo”

-----