Đại dương đang biến dạng, con người sẽ gặp thảm họa gì?

Biến đổi khí hậu đang dần khiến cho nước đại dương đang biến dạng. Hiện tượng này nếu kéo dài đe dọa tới cuộc sống của con người.

Màu sắc đại dương đang thay đổi 

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, hiện nay đại dương đang xuất hiện nhiều hiện tượng lạ bất thường. Những vùng biển nhiệt đới trở nên xanh đậm hơn và sáng hơn trong khi vùng nước biển lạnh dần trở nên tối hơn.

Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu đang làm thay đổi quần thể tảo nhỏ, siêu nhỏ trôi qua cột nước được gọi là thực vật phù du. Giống như họ hàng chúng sống trên cạn, thực vật phù du có chứa chất diệp lục - sắc tố hấp thụ các bước sóng màu xanh trong ánh sáng mặt trời và phản chiếu ánh sáng màu xanh lá cây để tạo ra carbon cho quá trình quang hợp.

dai-duong-dang-bien-dang-con-nguoi-se-gap-tham-hoa-gi

Đại dương đang biến đổi bất thường sẽ gây ra nhiều thảm họa cho con người 

Cụ thể, vùng nước lạnh, đậm đặc chất dinh dưỡng với quần thể thực vật phù du dày đặc hơn sẽ có màu nước xanh lá cây đậm hơn. Trong khi đó vùng nước nhiệt đới ít thực vật phù du sẽ có màu nước xanh lam hoặc màu ngọc lam đậm hơn. Nhưng khi vùng nước ấm, cận nhiệt đới trở nên ấm hơn thì dự báo quần thể thực vật phù du sẽ giảm, màu nước thành xanh lam hơn.

Mặt khác, vùng nước lạnh màu xanh lá cây giàu tảo cũng sẽ ấm lên, thúc đẩy thực vật phù du phát triển đa dạng hơn cũng sẽ trở nên xanh lam hơn. Như vậy, cuộc sống thực vật ở những khu vực này cũng sẽ thay đổi.

Chỉ một số vùng nước đang xanh lá cây hơn sẽ trở nên xanh đậm hơn nữa. Nhiều vùng nước xanh lá cây hơn khác sẽ thành xanh lam hơn.

Cũng theo kết luận của các nhà khoa học, vào cuối thế kỷ 21 chắc chắn 50% đại dương sẽ thay đổi màu sắc rõ ràng hơn. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả khá nghiêm trọng. Các loại thực vật phù du khác nhau hấp thụ ánh sáng khác nhau và nếu biến đổi khí hậu chuyển quần thể thực vật phù du này sang quần thể khác, sẽ làm thay đổi các lưới thức ăn.

Các nhà khoa học đã đo màu sắc của đại dương từ cuối thập niên 90, để xác định mức độ chất diệp lục và thực vật phù du. Sự thay đổi đáng kể của chất diệp lục có thể do toàn cầu nóng lên, nhưng cũng có thể do sự biến đổi tự nhiên của chu kỳ tăng trưởng của chất diệp lục do điều kiện thời tiết tự nhiên như El Niño hoặc La Nina.

Để giải thích những sự kiện tự nhiên này, các nhà nghiên cứu đã vận hành mô hình toàn cầu trước đây được sử dụng dự đoán sự thay đổi của thực vật phù du để đối phó với nhiệt độ tăng lên và axit hóa đại dương, nay dùng để dự đoán thay đổi khí hậu ảnh hưởng đến thực vật phù du thế nào.

Các nhà khoa học dự báo nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 3 ° C vào năm 2100. Họ đã thấy ánh sáng trong dải sóng màu xanh lam và xanh lục cho phản ứng nhanh nhất, nhưng những thay đổi do khí hậu đối với chất diệp lục có thể bắt đầu ngay từ năm 2055.

Đại dương nóng lên nhanh chóng

Việc đại dương nóng lên cũng làm cho xuất hiện nhiều cơn bão và siêu bão trong tương lai. Năm 2018 được xem là năm đại dương có mức nhiệt nóng nhất trong lịch sử gần 70 năm.

Cụ thể, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý Khí quyển (IAP) tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc: Năm 2018, phần trên cùng của đại dương thế giới đã hấp thụ lượng nhiệt gấp 150 triệu quả bom nguyên tử "Little Boy" Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945. 

Theo The Washington Post, công bố trên cũng có thể gây những tác động chính sách quan trọng. Nếu nhiệt độ đại dương tăng nhanh hơn những tính toán trước đây, các quốc gia thậm chí có thể còn ít thời gian hơn để cắt giảm khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

Ngay cả trước khi nghiên cứu nói trên công bố, báo cáo từ IPCC trước đó cũng đã cảnh báo "thời gian hành động sắp hết" và kêu gọi những nỗ lực "nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có tiền lệ" để ngăn toàn cầu nóng thêm 1,5 độ C, thay vì 2 độ C như những kêu gọi trước đây.

Báo cáo cũng kêu gọi cắt giảm 20% khí thải vào năm 2030 và loại bỏ khí thải vào năm 2075 để thực hiện mục tiêu này. Nghiên cứu công bố hôm 31-10 cho thấy lượng khí thải cần phải thấp hơn 25% so với chỉ dẫn của IPCC, vì nhiệt độ đại dương gia tăng sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự nóng lên toàn cầu thêm vài thập kỷ ngay cả khi thế giới tiết giảm khí thải nhà kính ngay lập tức.

Chưa hết, nghiên cứu mới cũng nhấn mạnh những hậu quả tiềm tàng của sự chây ì hành động trên toàn cầu. Các đại dương nóng lên nhanh chóng đồng nghĩa với mực nước biển sẽ dâng cao hơn và tình trạng nguy cấp hơn đối với những khu vực vốn đã phải đối mặt với tác động của khí hậu nóng lên, như các rạn san hô ở vùng nhiệt đới, các dải băng Greenland và Nam cực.

An Dương (T/h)

Theo VietQ