Cứu hộ Rào Trăng 3: Mảnh giấy "Mọi người có sao không?"

 Toàn bộ lực lượng đang đẩy nhanh tiến độ, chạy đua với thời gian để cố gắng tìm kiếm, cứu nạn trong thời gian ngắn nhất là một ngày.

Chạy đua thời gian

Sáng 15/10, Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, đại diện Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết đơn vị đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng và Quân khu 4, huy động tối đa lực lượng vào khu vực nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và tiểu khu 67 (Trạm kiểm lâm Sông Bồ, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) để tìm kiếm, cứu nạn trong ngày 14/10.

Các lực lượng chức năng đang chạy đua với thời gian, cố gắng tìm kiếm, cứu nạn trong thời gian ngắn nhất. Ảnh: Dantri

Theo đại tá Dũng, có gần 1.000 người được huy động ứng cứu cho khu vực thủy điện Rào Trăng 3 và trạm kiểm lâm 67. Về phương tiện, Bộ Quốc phòng đã điều động 3 trực thăng và 209 ôtô vào hiện trường để ứng cứu. Tuy nhiên, đến lúc 10h ngày 14/10 vẫn chưa tìm thấy được người nào.

Sau đó, lực lượng ứng cứu tiếp tục san gạt nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và đưa được 25 người ra ngoài, trong đó có 5 người bị thương và 1 thi thể.

Lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã cố gắng tiếp cận cả 3 hướng là đường bộ, đường thủy và đường hàng không, san gạt đất và thả hàng cứu trợ xuống khu vực.

Đại tá Dũng cho biết thêm trong hôm nay, toàn bộ lực lượng đang đẩy nhanh tiến độ, chạy đua với thời gian để cố gắng tìm kiếm, cứu nạn trong thời gian ngắn nhất là một ngày.

Cùng thời điểm này, ông Phan Thiện Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nói đang nghiên cứu dùng thêm thiết bị phân tích hình ảnh và thiết bị tầm nhiệt để hỗ trợ tìm kiếm, mong chờ một phép màu sẽ xảy ra.

Theo ông Thiện, khối lượng đất đá sạt lở trên ở cả trạm kiểm lâm 67 và thủy điện Rào Trăng 3 là quá lớn nên khả năng tìm kiếm rất khó khăn.

Trong khi mũi tiến khác bằng đường thủy đang gặp nhiều khó khăn, ông Thiện hi vọng sẽ sớm thông đường đến Rào Trăng 3 để đưa lực lượng, máy móc vào hiện trường.

"Mũi tiến theo đường thủy đang gặp khó khăn do đi đường thủy nhưng phải vác thuyền qua đập thủy điện Rào Trăng 4, tiếp tục đi bộ qua đường rừng mới tiếp cận được hiện trường. Hướng tiếp cận này cũng không thể vận chuyển máy móc, thiết bị cứu nạn cần thiết", ông Thiện thông tin.

Vì thế, theo ông Thiện phải thông được đường bộ mới đẩy nhanh được tiến độ tìm kiếm người mất tích.

Trong khi đó, mũi tiếp cận bằng đường hàng không đang lên kế hoạch bay chuyến thứ hai vào hiện trường, tiếp tế và tìm kiếm nạn nhân ở Rào Trăng 3.

Tuy nhiên, từ 7h30, tại sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), trời đổ mưa to. Do vậy, lực lượng cứu hộ chưa thể triển khai kế hoạch theo cầu hàng không.

Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, cho biết quyết định táo bạo nhất hôm qua là bay chọc thẳng vào khe núi, xoay tại chỗ 180 độ. Sau đó, trực thăng từ từ giảm độ cao còn 30m rồi treo ở đó.

"Trực thăng treo như vậy là cả một vấn đề, đòi hỏi phi công phải có bản lĩnh, trình độ. Nếu không có bản lĩnh và tính toán thì khi ép độ nghiêng, máy bay có thể bị quán tính va đập hoặc gió không liên tục có thể làm máy bay rơi mấy chục mét là chuyện bình thường", vị thiếu tướng chia sẻ.

Thế nhưng, nhóm cứu hộ cũng chỉ tận dụng chớp nhoáng vài chục phút hiếm hoi, sau đó thời tiết chuyển biến xấu. Đặc biệt, mây xuất hiện phủ lưng chừng núi, không nhìn được ngọn, gây khó khăn cho việc bay.

"Chúng tôi đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ để tiếp cận cứu hộ, cứu nạn... Tôi cũng như anh em chỉ nghĩ làm sao tiếp cận và phát hiện được mọi người để cho máy bay hạ xuống thả thang, thả cầu để cứu họ lên", vị thiếu tướng nói.

"Mọi người có sao không"?

Chuyến tiếp tế thứ hai được lên kế hoạch bay vào trưa ngày 14/10, tuy nhiên do thời tiết xấu nên phải hoãn lại.

Ngồi tại sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), anh Công Nam (đại diện chủ đầu tư thủy điện A Lin B2) lấy ra một tờ giấy trắng, một cây viết lông rồi nắn nót viết lên đó.

"Mọi người có bị sao không? Chúng tôi đang tìm mọi người. Hãy liên lạc với chúng tôi", dòng chữ được anh Nam cẩn thận viết ra. Sau đó, người đàn ông này bỏ tờ giấy vào trong một cái bình nhựa, đè thêm cục đá lên trên rồi vặn nắp lại.

Anh dự tính sẽ thả chiếc hộp này xuống phía dưới khi cùng trực thăng bay chuyến thứ 2 vào khu vực thủy điện Rào Trăng 3, tiếp cận ứng cứu những người gặp nạn.

"Việc thả tờ giấy này với hy vọng những người mất liên lạc sẽ nhặt được, tìm cách đưa lên những vị trí thuận lợi để lực lượng chức năng nhìn thấy trong quá trình tìm kiếm", anh Nam mong mỏi.

May mắn đến khoảng 16h ngày 14/10, lực lượng cứu hộ đã khôi phục kết nối liên lạc với Thủy điện A Lin B2. Toàn bộ 14 công nhân của thủy điện này đều an toàn. Họ còn lương thực sử dụng trong 1-2 ngày.

Ông Lê Văn Hoan, 62 tuổi, ở xã Hộ Độ, H.Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, kể con trai ông là anh Lê Văn Sáng có 2 người con, 11 tuổi và 4 tuổi. Vợ anh Sáng làm nông, sau khi nghe hung tin đã ngã bệnh. Hai đứa con thì ngơ ngác đợi bố về.

“Nó mới vào Huế chưa được 1 tuần. Trời mưa lũ lớn, tôi điện thoại bố con nói chuyện hỏi tình hình, rồi tôi khuyên cháu nó về kẻo mưa lũ. Nó vâng dạ xong biểu con mang cái máy lên công trường cho công ty rồi sẽ về. Thế mà nó không về, đến giờ cũng chẳng có thông tin liên lạc chi...”, ông Hoan bùi ngùi.

An An (tổng hợp)

Theo Đất Việt