Cúng ông Công, ông Táo: Thay thả cá chép sống bằng đốt cá chép giấy có tốt?

Cứ đến ngày Tết ông Công, ông Táo, người dân thường chuẩn bị 3 con cá chép sống thả trong chậu nước cúng cùng các đồ lễ khác. Tuy nhiên, nhiều người hiện nay cho rằng nên dùng cá chép giấy để thay thế việc thả cá chép sống thì sẽ tốt hơn. Điều này có tốt hơn?​

Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, chuyên gia phong thủy Linh Quang (Tư vấn đào tạo phong thủy thực hành) cho biết, thần Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc. Nhưng được Việt hóa thành sự tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.

Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.

Với mong muốn Thần Bếp sẽ "phù hộ" cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hàng năm Tết đến vào ngày 23 tháng Chạp, người ta thường làm lễ tiễn đưa Táo Quân chầu trời một cách long trọng.

Về phong tục cúng cá chép vào ngày 23 tháng Chạp. Theo truyền thuyết kể lại rằng: "Hàng năm, Táo quân được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện – Ác của loài người.

Sau đó, cứ vào ngày 23 hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người".

Bởi thế, cứ đến ngày Tết ông Công, ông Táo là người Việt lại làm lễ cúng cá chép. Người dân thường chuẩn bị một đôi hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem thả ở sông, ao, hồ, nghĩa là "phóng sinh" để đưa ông Táo về trời.

Trong tâm thức người Việt, "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng" còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.

Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, đồng thời còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam. Đây cũng chính là nguyên gốc của tập tục phóng sinh cá chép.

Thực tế cho thấy nhiều năm qua, khi mà người dân ngày càng có điều kiện sống tốt hơn, gọi là phú quý sinh lễ nghĩa, họ thường đua nhau việc mua cá chép sống về thắp hương rồi phóng sinh thả cá chép vào dịp 23 tháng chạp.

Tuy nhiên, sự việc này diễn ra không ít lộn xộn, ảnh hưởng đến phong tục cổ truyền thiêng liêng. Bản thân cá chép phục vụ nhu cầu thả dịp này phần lớn là cá chép đỏ được nuôi, trong môi trường khác, khi được thả, chúng khó lòng tồn tại được.

cung-ong-cong-ong-tao-thay-tha-ca-chep-song-bang-dot-ca-chep-giay-co-tot

Cá chép là lễ vật thường được chuẩn bị khi cúng ông Công, ông Táo. Ảnh TL

Nhiều người cho rằng, có thể thay thế bằng cá chép giấy, còn nếu thả cá chép sống thì nên mua cá tự nhiên. Trường hợp mua cá trước thời gian cúng lâu, khi mua về nên thả vào một bát nước sạch, thả thêm một cọng rêu vào một chiếc chậu nhỏ.

Khi cúng, chậu cá chép được để cạnh mâm cỗ cúng. Cá để dâng lên Táo quân không nhất thiết phải to, miễn sao cá khỏe mạnh, không bị trầy xước, mất vảy là được.

Sau nhiều lần thấy sông ao hồ bẩn ô nhiễm bởi rác thải từ việc phóng sinh cá chép sau dịp lễ 23 tháng chạp, nhiều người đã quan niệm rằng nên dùng cá chép giấy để thay thế thì sẽ tốt hơn. Việc làm này đỡ ảnh hưởng đến môi trường sống.

cung-ong-cong-ong-tao-thay-tha-ca-chep-song-bang-dot-ca-chep-giay-co-tot

Chuyên gia phong thủy Linh Quang cho rằng, thực tế việc đốt cá chép giấy hay thả cá chép sống thì không thể nói lên được cái nào tốt hơn, cái nào ưu điểm hơn

Về điều này, chuyên gia phong thủy Linh Quang cho rằng, thực tế việc đốt cá chép giấy hay thả cá chép sống thì không thể nói lên được cái nào tốt hơn, cái nào ưu điểm hơn?

Vấn đề đặt ra ở đây là cái tâm tín ngưỡng của mỗi người, sự giác ngộ của từng cá nhân khi hiểu được bản chất của sự việc đến đâu, thấy điều gì là phù hợp và có chuẩn mực thì sẽ hành động theo khuôn khổ đó.

Bỏ hay không bỏ tục thả cá chép không quan trọng bằng "ý thức", "thái độ", "hành vi" của người thực hiện. Cái đã được gọi là "nét văn hóa" cần được duy trì và có sự quản lý một cách chặt chẽ để từ đó có thể làm "thức tỉnh" tâm trí của người dân thông qua việc tuyên truyền hàng ngày.

Khi đi phóng sinh cá chép cần chọn những ao, hồ nước sạch, không gian rộng và không quá ô nhiễm. Khi thả, không đứng trên cao đổ xuống hay vứt cả túi cá xuống, làm như vậy cá có thể bị chết, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Cách tốt nhất để phóng sinh cá là chọn chỗ mép nước gần, nhẹ nhàng nghiêng bát hoặc túi để cá tự quẫy, bơi vào dòng nước. Hình ảnh phóng sinh đẹp là đặt cá trong lòng bàn tay, thả nhẹ nhàng xuống nước.

Tránh việc đổ, ném, quăng cá mạnh tay từ xô, chậu, túi nylon xuống thẳng sông hồ. Hành động này không những xấu xí, thiếu văn minh mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt, tuyệt đối không thả cá cùng cả túi nilon...

Theo GiaDinh