Cử tri "bang chiến địa" giải thích lý do ủng hộ ông Trump tái đắc cử

Trả lời phóng viên Dân trí, một cử tri trung lập tại Wisconsin - "bang chiến địa" cạnh tranh khốc liệt giữa ông Trump và Biden - đã giải thích lý do ông ủng hộ Tổng thống Donald Trump tái đắc cử.

cu-tri-bang-chien-dia-giai-thich-ly-do-ung-ho-ong-trump-tai-dac-cu

Ông Randy xếp hàng để bỏ phiếu sớm tại bang Wisconsin (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ông Randy, người đã về hưu sau nhiều năm công tác trong ngành bưu chính Mỹ, đã chia sẻ các suy nghĩ về cuộc bầu cử tổng thống 2020. Ông sống tại bang Wisconsin - một trong những "bang chiến địa" trong cuộc bầu cử - nơi hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden cạnh tranh khốc liệt để giành sự ủng hộ của cử tri.

Ông bỏ phiếu cho ứng viên nào trong cuộc bầu cử tổng thống 2020?

Tôi bỏ phiếu cho ông Trump vì ông ấy có nhiều kinh nghiệm về kinh tế, có các kỹ năng đàm phán cũng như thấu hiểu cử tri - những yếu tố mà các chính trị gia chuyên nghiệp không có.

Ông có thể giải thích lý do vì sao ông ủng hộ Tổng thống Trump?

Tôi ủng hộ ông Trump vì ông ấy không đại diện cho các thế lực chính trị lâu đời tại Washington. Ông ấy là người ngoài cuộc, một doanh nhân nhưng quan tâm đến ý kiến của người dân.

Ông Trump đã làm thất vọng các lực lượng lâu năm ở Washington như các chính trị gia, các nhà vận động hành lang và các quan chức, vốn thích giữ nguyên hiện trạng và từ lâu lãng quên các mong muốn của người dân tại các bang quê nhà của họ.

Về các vấn đề đối nội, ông Trump đã đi sâu vào trật tự xã hội, không giống các chính quyền trước. Điểm nổi bật nhất là ông ấy đã phối hợp với các cộng đồng da màu để điều chỉnh những chuyện không công bằng, như vụ việc của Alice Marie Johnson, người lĩnh án tù vì tội danh phi bạo lực liên quan tới ma túy, hay giúp đỡ Thượng nghị sĩ Tim Scott thiết lập các khu vực cơ hội kinh tế cho các doanh nghiệp nhỏ.

Về đối ngoại, ông Trump đã có những bước đi đáng kể nhằm mở rộng quan hệ làm việc tích cực với quốc gia đối địch như Triều Tiên.

Thậm chí ngay gần đây, chính quyền Sudan đã kết nối với chính quyền Trump và tham gia một liên minh ngày càng mở rộng của các nước Hồi giáo trong một thỏa thuận hòa bình với Israel.

Theo ông, những vấn đề chính mà cử tri quan tâm trong cuộc bầu cử lần này là gì?

Có nhiều vấn đề, nhưng theo một cuộc nghiên cứu gần đây của hãng Rasmussen, 84% công chúng Mỹ xem kinh tế là vấn đề số 1. Mọi người đều có mong muốn chung là trở lại công việc, điều này đòi hỏi chính phủ các bang và địa phương nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp dụng để ngăn chặn Covid-19.

Tiếp đó, 63% người dân xem y tế là vấn đề quan trọng thứ 2. Phần lớn cử tri muốn luật chăm sóc sức khỏe quốc gia (Obamacare) mà chính quyền Obama thực thi bị bãi bỏ. 62% công chúng Mỹ muốn các vấn đề đạo đức và tham nhũng chính phủ được giải quyết.

Các vấn đề khác không kém phần quan trọng như đại dịch Covid-19 đang lan tràn, giải quyết các hệ quả về kinh tế, chính trị, xã hội của đại dịch này. Ngoài ra, công chúng cũng muốn chấm dứt cảnh bạo lực tại các thành phố, vốn do các nhóm bạo động gây ra và gây thiệt hại lớn về tài sản.

Ông nhận thấy chính quyền Trump và chính quyền Obama khác nhau như thế nào?

Sự khác biệt chính giữa ông Obama và ông Trump là ở cách nhìn của họ về vai trò của nước Mỹ trên thế giới, được chuyển thành tầm nhìn của họ về nước Mỹ.

Quan điểm cá nhân của tôi là, dựa trên các bài viết của các học giả chính trị và lịch sử, chính quyền Obama không xem nước Mỹ có vị thế độc nhất trên thế giới để thể hiện vai trò lãnh đạo trong cộng đồng quốc tế. Cách nhìn này cũng được phản ánh khi ông Obama cũng là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ và điều đó gây ra một số vấn đề khó khăn ở Trung Đông.

Trong khi đó, ông Trump lại có cách tiếp cận khác. Cách thức của ông được miêu tả là truyền thống và phản ánh nhiều hơn triết lý quản trị của những người sáng lập đất nước, vốn dựa trên các tài liệu của các học giả Hy Lạp cổ đại.

Thay vì quyền lực tập trung chủ yếu vào bộ máy lãnh đạo, những người sáng lập đất nước tin vào một chính phủ liên bang quyền lực giới hạn, với các vai trò cụ thể cho chính quyền địa phương và các bang, và đảm bảo quyền tối đa cho các cá nhân.

Đây là điều khiến ông Trump khác biệt với giới quan chức tại Washington và sự ủng hộ đối với Tổng thống trên cả nước được thể hiện rõ qua nhiều cuộc tuần hành trên khắp nước Mỹ.

Ứng cử viên Joe Biden đang dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò tại nhiều bang chiến trường. Ông có nghĩ rằng kịch bản năm 2016 có thể lặp lại?

Có, và có thể là cao hơn nữa trong năm nay. Trước tiên cần lưu ý là có sự khác biệt giữa các cuộc thăm dò. Các cuộc thăm dò cũng có thể bị sử dụng để gây ảnh hưởng tới công chúng, thay vì phản ánh thực tế mọi người đang nghĩ gì hay tuân thủ chặt chẽ các cách thức và quy trình để tìm hiểu các ý kiến thực chất.

Tôi đã thấy nhiều cuộc thăm dò nói rằng bà Hillary Clinton có thể thắng cử tổng thống năm 2016. Tuy nhiên, vào đầu năm đó, tôi đã nghe một cuộc phỏng vấn từ một nhóm nghiên cứu vốn phát hiện ra sự bất mãn nghiêm trọng của cử tri đối với Washington nói chung.

Và cũng có một nhóm những người ủng hộ ông Trump cố tình không muốn bộc lộ suy nghĩ thật với các nhân viên thăm dò vì lo ngại bị các đồng nghiệp, hàng xóm tẩy chay, hoặc thậm chí tồi tệ hơn thế.  

Ông đánh giá như thế nào về cách ứng phó của chính quyền Tổng thống Trump với đại dịch Covid-19?

Gạt sang một bên vấn đề chính trị, đại dịch Covid-19 là một hiện tượng mới, không phải vì đó là một căn bệnh lây nhiễm trên diện rộng, mà là về cách chúng ta đối phó với nó như thế nào với các xã hội hiện đại trên phạm vi toàn cầu.

Có rất ít thông tin rõ ràng về vi rút cũng như cách đối phó với nó. Hãy lưu ý tới cách Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ nhiều lần thay đổi các khái niệm và khuyến nghị các biện pháp. Ngoài ra, cũng có vô số các vấn đề y tế, xã hội và kinh tế nổi lên trong quá trình đối phó với đại dịch.

Chúng ta nên tuân thủ các biện pháp chặt chẽ của chính phủ như New Zealand - nước có các biện pháp rất nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn vi rút, hay chọn cách vẫn mở cửa như Thụy Điển?

Có ý kiến cho rằng nước Mỹ dưới thời chính quyền Trump trở nên chia rẽ hơn bao giờ hết? Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?

Sự chia rẽ tại Mỹ thực tế đã âm ỉ trong vài năm trước khi ông Trump lên nắm quyền. Sự chia rẽ này ăn sâu hơn chính trị, xâm nhập vào cả văn hóa và quan điểm của mọi người về vai trò và lịch sử của nước Mỹ.

Quan điểm cá nhân của tôi là có các thành phần khác nhau - cả cá nhân và tổ chức - muốn lợi dụng sự chia rẽ để giành quyền lực, như người ta vẫn nói “chia để trị”.

Chính trị sẽ không giải quyết được sự chia rẽ này. Chúng ta cần một sự thức tỉnh tinh thần để thay đổi mọi người và cách chúng ta đối xử với nhau.

Tôi đã xem các tin tức tồi tệ trên truyền thông như các vụ tấn công nhằm vào cảnh sát hay vụ việc một người da màu lớn tuổi ở Milwaukee, Wisconsin bị sát hại vì ủng hộ ông Trump. Nếu chúng ta không thay đổi thì tôi e rằng sự chia rẽ đó sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Dân trí