Con thứ 2 vừa đầy tháng, người phụ nữ mới 24 tuổi vào viện gấp vì bệnh lý tĩnh mạch đe doạ tính mạng

Sau lần sinh thứ nhất, chị bị giãn tĩnh mạch mạng nhện với biểu hiện các tĩnh mạch như giun dưới da. Đón đứa con thứ 2 được một tháng, tình trạng nguy hiểm hơn nhiều, phải nhập viện gấp.

ThS.BS Lê Nhật Tiên, Phó Trưởng khoa Nội, Can thiệp tim mạch – Hô hấp thuộc Bệnh viện Việt Đức, cho biết suy giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh phổ biến trong cộng đồng. Tại Việt Nam, có khoảng 1/4 người trưởng thành mắc bệnh này, tuy nhiên, bệnh hay bị bỏ sót vì có nhiều triệu chứng dễ bị nhầm lẫn hoặc bệnh nhân chủ quan bỏ qua.

con-thu-2-vua-day-thang-nguoi-phu-nu-moi-24-tuoi-vao-vien-gap-vi-benh-ly-tinh-mach-de-doa-tinh-mang

ThS.BS Lê Nhật Tiên, Phó Trưởng khoa Nội, Can thiệp tim mạch – Hô hấp thuộc Bệnh viện Việt Đức

Ghi nhận tại Bệnh viện Việt Đức, trung bình một ngày có 20 bệnh nhân đến khám vì bệnh lý tĩnh mạch, tăng dần theo các năm và trẻ hoá dần. Đáng nói, nhiều người (khoảng 20-30%) "đi vòng" qua các chuyên khoa khác như nội thần kinh, thần kinh cột sống xong mới chuyển sang khám tĩnh mạch.

Bệnh viện từng điều trị cho nữ bệnh nhân chỉ mới 24 tuổi. Sau lần sinh thứ nhất, người phụ nữ này đã giãn tĩnh mạch mạng nhện với biểu hiện các tĩnh mạch như giun ở dưới da. Khi sinh nở lần thứ 2, tình trạng suy giãn nặng hơn. Chỉ sau khi sinh xong em bé một tháng, sản phụ bị huyết khối tĩnh mạch, nguy hiểm tính mạng.

Các bác sĩ cho hay, trong quá trình mang thai, phụ nữ có những hạn chế trong cơ chế chuyển máu từ chân về tim, sự hồi lưu tĩnh mạch kém hơn. Đặc biệt, trong lúc nằm nghỉ ngơi hay ngủ, bà bầu thì bị chèn ép tĩnh mạch đùi, khung chậu. Bên cạnh đó, các hormone ở nữ giới cũng làm tăng sự nhạy cảm với suy giãn tĩnh mạch.

Theo BS Tiên, bệnh hay gặp ở nữ giới hơn do đây là đối tượng hay đi giày cao gót, mặc đồ bó, làm công việc đứng nhiều và đặc biệt, phụ nữ phải trải qua quá trình sinh nở. Trong một chương trình khảo sát ở một số trường học do Bệnh viện phối hợp thực hiện cho thấy tỷ lệ giáo viên mắc bệnh lý giãn tĩnh mạch cao hơn so với tỷ lệ chung của cộng đồng, khoảng 20-30%.

BS Tiên cũng cho biết, suy giãn tĩnh mạch nông có thể nhìn thấy ngoài da, nhưng suy giãn tĩnh mạch sâu sẽ không nhìn thấy vì nó nằm sâu ở trong cơ đi cùng động mạch.

Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay nhầm lẫn với thần kinh cột sống thắt lưng, bệnh cơ xương vùng cẳng chân, đùi chân. BS Tiên cho hay nhiều người khi thấy tê chân, căng bắp chân, thỉnh thoảng bị chuột rút, nghĩ là "bình thường" nên bỏ qua. Trong khi đó, suy giãn tĩnh mạch càng phát hiện sớm càng dễ dàng cho điều trị.

"Bệnh nhân có triệu chứng phù chân, chuột rút, tê bì, thậm chí cảm giác căng mỏi bắp chân về cuối ngày và một số trường hợp ngâm chân nước lạnh hoặc gác chân cao thấy nhẹ hẳn đi thì cần đi gặp bác sĩ để bác sĩ cho khám, khi nghi ngờ làm siêu âm doppler mạch sẽ phát hiện dòng trào ngược hệ thống tĩnh mạch sâu. Với thời gian của dòng trào ngược trên 900 ms thì được tính suy giãn tĩnh mạch sâu", BS Tiên nói.

con-thu-2-vua-day-thang-nguoi-phu-nu-moi-24-tuoi-vao-vien-gap-vi-benh-ly-tinh-mach-de-doa-tinh-mang

Hình ảnh búi tĩnh mạch nổi rõ khi bệnh đã sang giai đoạn muộn

BS Tiên cho hay biến chứng muộn của bệnh lý này là giãn tĩnh mạch nhiều, ứ trệ ở chân thành búi tĩnh mạch cuộn âm hình thành huyết khối dẫn đến tình trạng thuyên tắc tĩnh mạch, máu không hồi lưu được trở về, làm toàn bộ chân sưng phù lên, đau đớn.

"Nguy hiểm nhất là huyết khối lan lên tĩnh mạch chủ, lan về tim, phổi dẫn đến tử vong" - BS Tiên nói và cho biết, y văn thế giới ghi nhận đã có trường hợp có người sau 6-8 giờ ngồi trên máy bay bị suy giãn tĩnh mạch mà đột tử.

Phụ nữ suy giãn tĩnh mạch nhẹ có thể sử dụng biện pháp dự phòng để không triệu chứng tiến triển tăng thêm. Nếu công việc yêu cầu phải đứng nhiều, ngồi nhiều, chị em thường xuyên có triệu chứng tê bì thì nên đeo tất áp lực dự phòng để mức áp lực nhẹ với chân, thường dưới 15mm thuỷ ngân tránh làm giãn tĩnh mạch ra.

Đối với các nữ giáo viên, nếu trong quá trình làm việc đứng nhiều có dấu hiệu phù chân cuối ngày hay tê bì, mỏi nặng chân nên tranh thủ ngồi và có những bài tập mũi bàn chân tăng cường vận cơ hồi lưu tĩnh mạch. Khi có triệu chứng giãn tĩnh mạch kèm theo triệu chứng cơ năng phù chân, mỏi chân, tê chân nên đi khám bác sĩ để được tư vấn đeo tất áp lực dự phòng.

Nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới, ngày 28/22 (thứ Bảy), Bệnh viện Việt Đức sẽ tổ chức Chương trình Khám và tư vấn miễn phí bệnh lý Suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Khi tham gia chương trình, ngoài được các chuyên gia tư vấn miễn phí, người bệnh sẽ được miễn phí siêu âm tĩnh mạch chi dưới.

Theo GiaDinh