Có những biểu hiện sau đây, nghĩ ngay đến cúm gia cầm

Các triệu chứng của cúm gia cầm tiến triển rất nhanh thành thể bệnh nặng như viêm phổi, suy hô hấp, suy thận hoặc suy cả đa phủ tạng. Nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong là rất cao.

Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến nay, dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm vẫn diễn ra rải rác ở các địa phương và có xu hướng tăng so với năm ngoái.

Hiện cả nước còn 14 ổ dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm tại 10 xã của 6 tỉnh: Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Nghệ An chưa qua 21 ngày, chưa kể ổ dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm ở Quảng Ngãi.

Trong khi đó, dịch cúm A/H7N9 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta. Trước tình hình trên, việc chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm lây sang người là rất cần thiết, nhất là việc nhận biết, phát hiện sớm để điều trị bệnh kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về việc nhận diện các triệu chứng của cúm gia cầm, ThS.BS Nguyễn Trung Cấp – Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, thời điểm hiện tại, một địa phương trên cả nước đã xuất hiện dịch cúm gia cầm (A/H5N1 và A/H5N6).

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm dễ mắc các bệnh cúm theo mùa, bệnh đường hô hấp do thay đổi thời tiết. Do đó, cần phân biệt giữa cảm cúm do thời tiết và cúm gia cầm.

Có những biểu hiện sau đây, nghĩ ngay đến cúm gia cầm

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần chủ động phòng chống cúm gia cầm để tránh bùng phát dịch và lây lan trong cộng đồng. Ảnh minh họa

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, về cơ bản, các triệu chứng của cúm gia cầm gần giống với cúm thông thường (ho, sốt, sổ mũi, hắt hơi, đau đầu, người mệt mỏi, chảy nước mắt, da khô nóng…).

Tuy nhiên, điểm khác của cúm gia cầm là các dấu hiệu suy hô hấp rõ rệt hơn (thở khò khè, thở nhanh, môi tím tái…) và tiến triển rất nhanh thành thể bệnh nặng như viêm phổi, suy hô hấp, suy thận hoặc suy cả đa phủ tạng. Nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong là rất cao.

Do đó, BS Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, khi có các dấu hiệu nghi nhiễm cúm gia cầm, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra và có hướng điều trị phù hợp.

Hiện nay, Tamiflu là loại thuốc chống virus có hiệu quả cao trong điều trị cúm A. Tuy nhiên, nó chỉ phát huy hiệu quả nếu được dùng sớm trong vài ngày đầu sau khi nhiễm cúm gia cầm. Hơn nữa, việc dùng thuốc này cũng phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Để đề phòng cúm gia cầm lây lan sang người và bùng phát trong cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần tuân thủ các biện pháp sau:

- Thường xuyên vệ sinh môi trường như tẩy uế chuồng trại nuôi gia cầm mắc dịch, phun thuốc cloramin B xung quanh khu vực nhà ở, thậm chí trong từng gia đình.

- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Rửa mặt, mũi, chân tay ít nhất 2-3 lần/ngày. Sử dụng các loại thuốc sát khuẩn đường hô hấp trên để nhỏ mũi và súc họng hàng ngày.

- Ăn uống đảm bảo vệ sinh: không ăn tiết canh hoặc thịt các loại gia cầm ốm, bệnh hoặc nghi mắc bệnh.

- Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh: Khi tiếp xúc với nguồn bệnh, phải trang bị bảo hộ, gồm mặt nạ, áo choàng, găng tay, mũ... sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo ngăn ngừa virus xâm nhập.

- Gia đình trong vùng dịch hoặc có người thân nhiễm cúm gia cầm cũng cần vệ sinh nhà cửa. Đồ dùng bệnh nhân phải được ngâm dung dịch tẩy trùng 20 phút, sau đó giặt sạch và phơi khô.

- Đến bệnh viện ngay để khám và điều trị khi có các biểu hiện nghi bị bệnh như: sốt cao, đau đầu, đau cơ, đau họng, chảy nước mắt, nước mũi, ho...

Triệu chứng của vật nuôi mắc cúm gia cầm

Khi bị bệnh, gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng, chim…) thường có biểu hiện ăn ít hoặc ngừng ăn; mắt lờ đờ, chảy nước mắt, lông xù lên và đứng túm tụm thành một chỗ; những phần da không có lông bị tím tái, chân bị xuất huyết. Bên cạnh đó, gia cầm còn bị đi ngoài phân lỏng hoặc thậm chí bị co giật.

Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến vài ngày. Virus cúm gia cầm dễ dàng phát tán ra môi trường qua chất thải của gia cầm bệnh; dụng cụ chăn nuôi, thức ăn nước uống chứa mầm bệnh hoặc truyền từ nơi này đến nơi khác trong quá trình vận chuyển gia cầm bệnh hoặc mang mầm bệnh.

Theo giadinh