Chuyên gia hướng dẫn cách kích thích con tự học hiệu quả

Nhiều bậc cha mẹ đau đầu không chỉ vì phải ở nhà chăm sóc con mà còn khổ sở trong việc học tập của con trong thời gian có dịch bệnh. Chuyên gia tâm lý gợi ý những cách dưới đây để giúp cha mẹ tạo động lực cho con học tập, tự học hiệu quả.
chuyen-gia-huong-dan-cach-kich-thich-con-tu-hoc-hieu-qua

Việc tạo lập thói quen và sở thích tự học sẽ ươm mầm những ý tưởng sáng tạo của trẻ. Ảnh: TL

Trẻ cần có kỹ năng để học và tự học hiệu quả

Việc trẻ ở nhà quá lâu trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp gây nhiều áp lực cho cha mẹ từ chuyện trông nom, ăn uống, hoạt động sinh hoạt đến việc học tập của con.

Thay vì để trẻ cả ngày chỉ cắm mắt vào điện thoại, tivi, không ít cha mẹ giao bài tập cho con làm thường xuyên. Cùng với đó, hình thức học trực tuyến được áp dụng ở nhiều bậc học. Không có thầy cô, cha mẹ trực tiếp hướng dẫn nên nhiều trẻ chểnh mảng. Bài tập tự làm cũng nhiều, nhưng các con không có hứng thú như khi đến lớp được hướng dẫn trực tiếp một cách bài bản.

Làm sao để con hứng thú hơn trong việc học những ngày tạm nghỉ dịch trong khi không phải lúc nào cũng giám sát được, là điều băn khoăn của rất nhiều cha mẹ?. Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề này, chuyên gia tâm lý, TS. Vũ Việt Anh (Tổng giám đốc Học viện Thành công) cho rằng, kỹ năng học và tự học là "kỹ năng vua" - bệ phóng thành công cho tương lai. Kỹ năng này là kỹ năng xếp đầu bảng trong các kỹ năng cần thiết trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để học và tự học hiệu quả, các con cần được trang bị cho mình một số kỹ năng như sau:

Kỹ năng học hỏi có tổ chức: Lên lịch trình, thời gian biểu học tập khoa học. Bạn có thể tham khảo cách xác lập thời gian biểu của bạn bè và những người xung quanh.

Xác lập mục tiêu, lập kế hoạch về lộ trình học tập, từ đó ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ quan trọng theo thứ tự giảm dần.

Nguồn thông tin học tập: Tham khảo thông tin và kiểm định chất lượng các nguồn thông tin theo cấp độ phức tạp.

Phong cách đọc: Giúp bạn đọc hiểu các loại tài liệu khác nhau; Kỹ năng và chiến lược đọc hiệu quả giúp bạn phát triển thói quen đọc.

Kỹ năng ôn tập: Giúp bạn ôn lại các bài học cũ giúp khắc sâu kiến thức.

Kỹ năng viết: Kết hợp với kỹ năng ôn tập thì ghi chép cũng là một phương pháp giúp kiến thức được khắc sâu và làm tiền đề cho những nghiên cứu, học tập sau này.

TS. Vũ Việt Anh cũng nhấn mạnh, việc tạo lập thói quen và sở thích tự học sẽ ươm mầm những ý tưởng sáng tạo, không ngừng học hỏi các kinh nghiệm để dần hoàn thiện nhân cách và năng lực. Bởi vậy, cha mẹ có thể hỗ trợ quá trình học tập của con cái bằng hoạt động tư vấn một lộ trình học tập hiệu quả nhằm phát triển toàn diện các kỹ năng và định hướng cho sự nghiệp tương lai.

Cha mẹ hãy chọn cho con một cách thức học tập hiệu quả, chỉ có kiên trì, theo đuổi mục tiêu đến cùng, kỷ luật với bản thân. Việc các con tự học ở nhà những ngày dịch này sẽ thú vị hơn nếu phụ huynh hướng dẫn con cách thức học, cung cấp các kĩ năng học.

Kích thích học kết nối với thực tế

Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương cũng đã có những phân tích thú vị về vấn đề này. Muốn con tự học, có tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm, cha mẹ cần chú ý rút ngắn thời gian học của con. Điều này có vẻ ngược nhưng ngồi nhiều trên bàn mà không học được mấy chỉ làm trẻ uể oải, chán chường. Việc rút ngắn thời gian con ngồi bàn học sẽ khiến việc học trở nên dễ chịu hơn hẳn. Từ đó đẩy cao được sự tập trung học tập của con. Để làm được, trước khi ăn cơm độ 20 phút, cha mẹ yêu cầu con học. Việc thấy thức ăn thơm lừng, bát đũa chuẩn bị dọn ra lanh canh sẽ là cách thúc đẩy con học nhanh để còn vào mâm. Bố mẹ sẽ không cần phải nhắc nhở nhiều.

Với các môn học muốn tạo hứng thú cho con cần nhớ, học kiểu lý thuyết và làm bài tập thì trẻ dễ chán nhưng kết nối với thực tế sẽ giúp trẻ thích thú hơn. Trẻ ghét môn nào, cha mẹ cung cấp tài liệu tham khảo cho con môn đó. Chẳng hạn, nếu con học đang học Hóa học, hãy thử cho con tìm hiểu thành phần và tính chất hóa học của mấy món ăn hàng ngày, con sẽ thích thú. Nếu con học Toán hãy dùng đồ đạc trong nhà đố con, con sẽ hào hứng học hơn là các con số chán ngắt. Hay con học đọc hãy cho con truyện để đọc, nghe và gật gù tán thường…

Ngoài ra, thay vì dạy kiểu quát tháo, mắng mỏ, cha mẹ hãy ngược lại làm "học trò" của con, yêu cầu con dạy cho mình những bài con vừa học. Cha mẹ hãy trở thành "trò ngoan (thỉnh thoảng hư)" cho con dạy dỗ.

Cha mẹ cũng có thể khuyến khích con đọc, bàn luận với mình về các tin tức. Con sẽ nghiêm túc và trưởng thành hơn khi được cha mẹ hỏi ý kiến. Đôi khi cho trẻ làm "quản gia" quyết định mọi việc từ hôm nay ăn gì, ai làm việc gì,... Từ đó trẻ sẽ tự giác làm mọi việc của mình đồng thời nhắc nhở mọi người.

Các chuyên gia tâm lý cũng nhấn mạnh rằng, muốn con có hứng thú trong việc học hay bất cứ việc gì thì điều cần chú ý trong những ngày nghỉ dài là sắp xếp thời gian cho con trong ngày phải chặt chẽ, khoa học. Và cha mẹ giúp con cương quyết thực hiện nghiêm thời gian biểu. Nếu con ngủ đến 12 giờ trưa, đêm thức đến 5 giờ sáng sẽ chẳng có hào hứng với bất cứ điều gì khi cơ thể lúc nào cũng uể oải. Cơ thể yếu ớt dễ nhiễm bệnh hơn. Cùng với đó, cha mẹ thu xếp cho con khoảng thời gian để con được chạy nhảy ngoài không gian thoáng mát, giúp trẻ thoải mái thay vì cả ngày quanh quẩn trong bốn bức tường.

Theo GiaDinh