Chủ động các hình thức học trực tuyến trong thời gian nghỉ học

Hiện tại, nhiều tỉnh, thành trên phạm vi cả nước tiếp tục kéo dài thời gian tạm nghỉ đối với học sinh mầm non, phổ thông để phòng chống dịch COVID-19. Theo Bộ GD&ĐT, trong thời gian này các địa phương sẽ đẩy mạnh học tập qua Internet, truyền hình; trường đại học có thể sử dụng kết quả đào tạo từ xa.

Nhiều địa phương cho học sinh nghỉ đến hết tháng 3

Ngày 13/3, nhiều địa phương trên phạm vi cả nước đã thông báo cho trẻ mầm non, học sinh THCS tiếp tục tạm nghỉ học đến hết tháng 3/2020. Cụ thể, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội sáng 13/3, dựa trên các đề xuất của Sở GD&ĐT, Sở Y tế, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã quyết định tất cả học sinh các cấp từ mầm non đến THCS, dạy nghề tạm nghỉ học đến hết 29/3. Riêng học sinh THPT nghỉ đến hết 22/3.

Tại TPHCM, UBND TPHCM trong ngày 13/3 cũng đã có quyết định về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn để phòng dịch COVID-19. Cụ thể, UBND cho phép học sinh, học viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn nghỉ học đến hết 5/4. Sau thời gian nghỉ học nêu trên, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế tham mưu phương án đi học trở lại cho học sinh, học viên của thành phố; đồng thời hướng dẫn các cơ sở đảm bảo tiến độ, hiệu quả thực hiện chương trình theo quy định. UBND TPHCM sẽ tiếp tục kiến nghị với Bộ GD&ĐT điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 và dời kỳ thi THPT cho phù hợp tình hình, diễn biến của dịch bệnh.

chu-dong-cac-hinh-thuc-hoc-truc-tuyen-trong-thoi-gian-nghi-hoc

Hiện tại, nhiều địa phương tiếp tục kéo dài thời gian tạm nghỉ đối với học sinh, sinh viên đến hết tháng 3/2020. Ảnh minh họa: Q.Anh

Còn tại Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản thông báo về việc cho học sinh, học viên, sinh viên tiếp tục nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 16/3 đến hết 29/3. Các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của tỉnh; phối hợp với phụ huynh học sinh và các cơ quan đơn vị, tổ chức liên quan quản lý tốt học sinh trong thời gian nghỉ học; tiếp tục triển khai các hoạt động dạy - học học sinh trên kênh sóng truyền hình và các kênh thông tin khác.

Tương tự, sau khi xem xét đề nghị của Sở GD&ĐT Hà Giang tại Tờ trình số 201/TTr-SGDĐT, ngày 13/3, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản giao Sở GD&ĐT Hà Giang chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS nghỉ học từ ngày 16/3 cho đến khi có chỉ đạo mới. Trong thời gian học sinh tạm nghỉ, các đơn vị, trường học tăng cường các công tác thông tin, hướng dẫn học sinh, phụ huynh chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tăng cường học tập qua Internet, truyền hình

Trong khi hàng loạt địa phương kéo dài thời gian tạm nghỉ học để phòng chống COVID-19, Bộ GD&ĐT cũng đã xem xét điều chỉnh khung năm học 2019 - 2020, kỳ thi THPT Quốc gia 2020, đặc biệt là trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học sẽ đẩy mạnh phương pháp dạy học trực tuyến. Ngày 13/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT trên phạm vi cả nước về việc tăng cường dạy học qua Internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống COVID-19. Theo đó, trước diễn biến phức tạp của COVID-19, trong thời gian học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên tạm thời nghỉ học, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT tiếp tục tăng cường các hình thức dạy học qua Internet, truyền hình.

Cụ thể, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường lựa chọn công cụ dạy học qua Internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng trường. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các điều kiện bảo đảm tổ chức dạy học qua internet có chất lượng. Tham mưu UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Sở GD&ĐT để tổ chức dạy học trên truyền hình phù hợp với điều kiện của địa phương. Trong đó, lưu ý lựa chọn đội ngũ giáo viên dạy học và khung giờ phát sóng trên truyền hình bảo đảm chất lượng, phù hợp với chương trình học của các đối tượng học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Chủ động liên hệ với các địa phương đã triển khai chương trình dạy học trên truyền hình để tham khảo, sử dụng hoặc tiếp sóng cho học sinh tại địa phương học tập; chia sẻ các chương trình dạy học trên truyền hình của địa phương mình với các địa phương khác. Xây dựng lịch phát sóng cụ thể trên truyền hình đối với từng môn học, lớp học và phổ biến tới toàn thể học sinh, giáo viên và gia đình học sinh; báo cáo lịch phát sóng về Bộ GD&ĐT (qua Cục Công nghệ thông tin để đưa lên Cổng thông tin của Bộ).

"Các Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học sinh thực hiện các buổi học qua Internet, trên truyền hình. Phối hợp với gia đình học sinh có biện pháp quản lý hoạt động học của học sinh qua Internet, trên truyền hình. Nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh. Các trường hướng dẫn giáo viên, học sinh tham khảo lịch phát sóng các bài học (do Bộ GD&ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng) trên kênh truyền hình giáo dục quốc gia (kênh VTV7 và một số kênh truyền hình Trung ương khác) và các kênh truyền hình khác được công bố trên Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, khi học sinh đi học trở lại sau thời gian tạm nghỉ để phòng chống dịch COVID-19, các địa phương chỉ đạo các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua Internet, trên truyền hình. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua Internet, trên truyền hình nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Công văn số 795 gửi các trường đại học, học viện, các trường cao đẳng, trung cấp sư phạm về việc triển khai công tác đào tạo từ xa trong thời gian phòng, chống COVID-19. Theo Bộ, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT yêu cầu trường tích cực thực hiện các phương án phòng chống dịch theo chỉ đạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng cơ sở đào tạo. Thời gian vừa qua, nhằm đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch và kế hoạch năm học, một số cơ sở đào tạo đã chủ động triển khai các phương thức đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến.

Theo GiaDinh