Chốt gần 1.000 đơn trong 15 phút nhờ bán trái lạ Đà Lạt

Bước ngoặt thay đổi cuộc đời Tường Thảo khi bỏ việc ở phòng kiểm định hóa chất về quê, đó là 15 phút chốt được gần 1.000 đơn hàng ớt ngọt sweet palermo độc lạ, không phải ai cũng biết.

Sáng sớm, Nguyễn Thị Tường Thảo đội nón, mang ủng ra mảnh vườn trồng loại ớt trái cây sweet palermo (loại ớt sừng ngọt, xuất xứ Hà Lan được trồng phổ biến ở Đà Lạt gần 2 năm nay).

"Đây là loại ớt trái cây, rất giòn, ngọt, không cay, có hàm lượng vitamin C cao, rất đáng trải nghiệm nha cả nhà", Thảo nói rồi cắt ngay 1 trái to bằng cánh tay ăn thử.

Đoạn video giới thiệu loại ớt độc lạ chia sẻ lên mạng xã hội đạt hơn 4 triệu lượt xem. Nhiều người lần đầu biết đến loại ớt này nhắn tin hỏi cô để mua hàng khiến Thảo không kịp trở tay.

chot-gan-1-000-don-trong-15-phut-nho-ban-trai-la-da-lat

Tường Thảo giới thiệu ớt sweet palermo (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Kỹ sư hóa thích bán rau

Tường Thảo, 28 tuổi từng tốt nghiệp ngành kỹ sư hóa học, có 5 năm kinh nghiệm làm việc trong một công ty kiểm định hóa chất với mức lương cao. Tuy nhiên, làm việc ngày 8 tiếng với những ống nghiệm vô tri không làm cô gái trẻ thấy vui. Quê nhà ở thủ phủ trồng rau củ quả Đà Lạt, từ thời sinh viên, Thảo đã quen bán thêm nông sản trang Facebook cá nhân.

Công việc công ty cũng khá độc hại, nhiều lần Thảo nghĩ đến chuyện tìm một công việc khác. Hai năm trước, cô đăng ký học thêm văn bằng 2 ngành kinh tế, song cũng chưa biết sẽ làm gì với tấm bằng đó.

Một tối, Thảo lên mạng và tình cờ xem được một video giới thiệu nông sản của một chị Yến Vân ở xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt. Trong clip, chị này "mắng" nhân viên mình vì đóng rau ẩu rồi lập tức quay lại màn hình điện thoại giới thiệu như bình thường cho khách hàng.

Cảm mến bà chủ chân chất, thẳng tính với vườn nông sản rộng lớn, Thảo quyết định táo bạo: "Biết vườn không có nhu cầu tuyển người nhưng mình vẫn gọi xin chị chủ chân đóng gói rau. Khoảnh khắc đó, mình chỉ muốn bỏ hết để về quê, được làm gì đó với rau củ, chưa biết tương lai thế nào".

Nhớ lại lúc Thảo về đến hợp tác xã, bà chủ Yến Vân khá bối rối không biết nên sắp xếp công việc gì phù hợp, bởi cô có 2 bằng đại học. Tuy nhiên, với nguyện vọng của Thảo chị vẫn cho cô đóng rau, trả lương 5 triệu đồng/tháng.

Những ngày đầu, Thảo đã nhận thấy tuy quy mô hợp tác xã rất lớn, với hàng chục nhân viên, mỗi năm trồng cả trăm loại rau củ quả khác nhau nhưng quy trình làm việc còn truyền thống, lạc hậu.

Bà chủ vẫn ghi đơn hàng, tính tiền bằng tay. Hợp tác xã có website, có fanpage nhưng không chăm sóc, chỉ cập nhật vài tấm hình rất cũ. Mỗi lần sắp thu hoạch nông sản, chị Vân lại ra vườn quay video rồi gửi trong một nhóm khách sỉ trên mạng xã hội. Nhiều lần sợ ế, bà chủ lại nói khéo, "ép" bạn hàng mua thêm ủng hộ.

Một lần tình cờ nghe bà chủ vườn trao đổi với các nhân viên rằng muốn tạo một cộng đồng sử dụng rau sạch ăn uống "healthy" - ít nhất là trong khu vực Đà Lạt song chưa biết bắt đầu từ đâu. Nghe loáng thoáng, Thảo xung phong: "Để em làm cho".

Vậy là cô gái bắt đầu chăm sóc lại fanpage, trang web. Đặc biệt, tận dụng trang mạng xã hội chuyên về các video ngắn Tiktok, Thảo tự quay và đăng tải các video giới thiệu nông sản lên kênh "Món lạ vườn nhà" vừa lập ra.

"Mục tiêu của mình là bán được hàng sau 6 tháng đến 1 năm phát triển kênh online", Thảo nói. Nhưng không ngờ, những video mộc mạc cảnh ra vườn lại trở nên thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Thảo bất ngờ, không nghĩ sức lan tỏa của mạng xã hội nhanh đến thế.

Clip "triệu view" nhờ trái lạ

Chưa đầy 2 tháng, cô gái đã có video trên 4 triệu lượt xem. Lần đầu tiên mở tính năng livetream bán hàng, chỉ sau 15 phút, Thảo chốt được gần 1.000 đơn hàng. Đưa doanh thu bán ớt và nông sản khác tháng đó lên đến gần 1 tỷ đồng.

"Trong vườn chỉ còn 2 tấn ớt. Mỗi đơn mọi người đặt từ 2 -3kg. Mình sợ không đủ bán nên đành phải tắt live để chốt đơn", Thảo chia sẻ.

Chưa hết, video giới thiệu bí sợi mì với hơn 5 triệu lượt xem như "trở thành 1 hiện tượng mạng". Có ngày cô nhận được cả nghìn tin nhắn hỏi mua loại bí này.

"Thảo góp công rất lớn trong việc mở rộng khách hàng lẻ cho hợp tác xã. Nhờ Thảo mà tôi không còn lo lắng sẽ không bán được hàng mỗi vụ thu hoạch nông sản nữa. Mong ước nhiều người được dùng nông sản tươi ngon, độc lạ của tôi đã thành hiện thực", chị Yến Vân, chủ hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt chia sẻ.

Sau hơn 4 tháng phát triển hình thức bán hàng qua video trên mạng xã hội doanh thu Thảo mang về khoảng 1 tỷ/ tháng.

Sắp tới, các món độc lạ, còn mới trên thị trường dần hết. Thảo sẽ thực hiện các video chuyên sâu về cách thức trồng trọt.

"Nhiều người vẫn thường hay nghe rằng rau được trồng theo một quy trình sạch. Tuy nhiên, sạch như thế nào thì không ai biết", cô gái giải thích.

Dù ủng hộ con gái bỏ việc công ty vì sợ độc hại nhưng khi thấy Thảo làm ngày làm đêm, bà Minh, 57 tuổi mẹ cô phải thốt lên: "Con làm gì nhiều quá vậy?". Nhiều người bạn của Thảo thấy cô trên mạng xã hội cũng nghĩ bạn mình dồn tâm sức làm cho gia đình mình. Chị Vân chia sẻ, tất cả những việc Thảo làm từ đầu đã không đòi hỏi thù lao.

Sau khi phát triển kênh bán hàng hiệu quả, cô gái bật mí đã được bà chủ trả một mức lương cao, nhiều hơn so với khi cô còn làm ở công ty kiểm định hóa chất.

"Khi chưa tạo ra giá trị, mình chưa dám đòi hỏi về lương. Chỉ cần đặt tâm huyết vào thì sẽ có kết quả. Để có được thành quả, mình khẳng định hoàn toàn nhờ vào mạng xã hội. Tiktok đã thay đổi cuộc đời mình", Thảo tâm niệm.

Theo GiaDinh