Chen lấn, giẫm đạp nhau mua quần áo giảm giá ngày giáp Tết



Hàng loạt cửa hàng thời trang tại TP.HCM tranh nhau giảm giá khủng để xả hàng trong đợt cuối cùng trước Tết khiến nhiều tuyến đường kẹt xe nghiêm trọng vì người dân chen nhau mua sắm.

 Những “thiên đường thời trang” như Nguyễn Trãi (quận 1), Lê Văn Sỹ, Trần Quang Diệu (quận 3) những ngày này trở nên đông đúc và kẹt cứng xe qua lại từ tan sở trở về đêm. San sát những tấm bảng quảng cáo lớn xả hàng, giảm giá sốc cuối năm thu hút người mua sắm.

Có khoảng 2/3 cửa hàng thời trang trên các đoạn đường này đang xả hàng giảm giá với mức giảm từ 50% trở lên, thậm chí có nơi còn giảm giá đến 80%. Hàng giảm giá còn đổ đống trước cửa hàng, lấn thẳng ra đường để thu hút khách. 

Chen lấn, giẫm đạp nhau mua quần áo giảm giá ngày giáp Tết

Nhiều người tranh nhau mua hàng giảm giá tối 24 tháng Chạp. Ảnh: Dạ Lan.

Chị Huyền Lê, chủ shop có tên M.H trên đường Lê Văn Sỹ, cho biết đây là đợt mua sắm lớn nhất vì tâm lý mua đồ Tết. Nhiều người ngoài mua cho chính mình còn mua biếu tặng, làm quà cho người thân ở quê nên cửa hàng chị huy động hết hàng hóa, nhân lực phục vụ đợt mua sắm này.

Để hút khách, cũng là đẩy hàng, kể cả hàng tồn, cửa hàng nào tung chiêu khuyến mãi, giảm giá sốc. Chị Huyền Lê cho rằng, ngoài việc tận dụng kéo khách trong đợt mua sắm mạnh trước Tết, phần khác là để hút khách cho năm sau.

“Thành thông lệ luôn rồi, năm nào cũng sale lớn mùa này để hút khách. Mỗi ngày có hàng trăm lượt khách ghé shop xem, mua hàng, chưa kể lượng lớn đơn hàng online. Thường thì các sản phẩm mình giảm từ 50% trở lên. Nếu mẫu cũ thường kèm thêm chương trình mua 1 tặng 1”, chị Lê khẳng định.

Tại cửa hàng này, các loại váy, áo phần lớn đều có giá 300.000-500.000 đồng/sản phẩm, sau khi giảm thì mức giá dao động 100.000-300.000 đồng/sản phẩm. Phần lớn khách khi rời cửa hàng đều tay xách nách mang 2-3 túi quần áo.

Chị Tâm (quận 3) tỏ ra khá mệt mỏi sau một buổi chen lấn mua sắm. “Mình mua được 3 cái áo cùng 2 váy khá ưng ý. Giá chỉ bằng 1/3 so với giá gốc. Nhưng để mua được những món đồ tốt với giá mềm thì bàn chân ê buốt và người mỏi nhừ vì chen chúc”, chị Tâm nói.

Nhận xét chung của khách mua hàng giảm giá là phải chấp nhận chen lấn, dẫm đạp lên nhau, thậm chí là giành giật hàng. Những ngày này, cứ thấy cửa hàng nào vừa đặt bảng giảm giá tức thì rất nhiều xe máy tấp lại và ồ ạt vào mua hàng.

"Riêng những cửa hàng uy tín nếu áp dụng giảm giá thì tình trạng chen lấn rất kinh khủng hơn, thậm chí tắc cả đoạn đường vì quá đông khách", chị Hạnh, một khách mua hàng trên đường Trần Quang Diệu nói thêm.

Thực tế, vì là hàng "xả" nên mẫu mã không đẹp, lỗi mốt, hết size, thậm chí có những sản phẩm lỗi, rách, bung chỉ. Khách mua ban đêm, lại chen lấn giành giật nên nếu không tinh ý thì sẽ không nhận ra, trong khi các điểm xả hàng đều có chung quy định "hàng sale không được đổi trả". 

Chen lấn, giẫm đạp nhau mua quần áo giảm giá ngày giáp Tết
Đường Lê Văn Sỹ luôn trong cảnh ùn tắt vì khách chen nhau mua sắm. Ảnh: Dạ Lan

Theo quan sát thì hầu hết sản phẩm giảm giá gần như được mang đặt trên lề đường cùng với các loại bảng giảm giá bắt mắt. Thậm chí nhiều cửa hàng còn yêu cầu nhân viên cầm sản phẩm đứng ngay trên lề đường rao bán.

Khá nhiều người đi đường tấp ngay lên lề để xem hàng, nhiều người còn ngồi trên xe nổ máy đừng dưới lề đường để trả giá khiến rất nhiều đoạn đường kẹt cứng vì xe tấp vào đông đúc và lộn xộn. Nhiều cửa hàng không có nhân viên sắp xếp xe khiến tình trạng bán hàng trở nên bát nháo.

Chị Diệp Hà (quận 6), đang mua quần áo giảm giá tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi (quận 1), cho rằng mua hàng sale phải rất lẹ tay, nếu không người khác sẽ "giành" mất.

Chị thường chờ dịp giảm giá mạnh nhất vào cuối năm để mua quần áo cho gia đình. Mấy ngày nay chị cũng đã mua được khá nhiều nhưng thấy giá rẻ vẫn muốn mua thêm. 

“Để đảm bảo hàng chất lượng nên chọn mua sale của các cửa hàng quen, có thương hiệu, có niêm yết giá cả rõ ràng. Bởi không hiếm nơi nâng giá sản phẩm cao lên gấp nhiều lần rồi áp dụng hình thức khuyến mãi giảm giá sốc. Tốt nhất đừng thấy giảm giá 50-70% mà ham, nhất là với các cửa hàng bán sản phẩm không rõ chất lượng và xuất xứ ”, chị Hà nói thêm.

Theo nhân viên một cửa hàng thời trang ở đường Cách Mạng Tháng Tám (Tân Bình), thời điểm bán hàng giảm giá cũng là thời điểm dễ diễn ra tình trạng mất cắp vặt hoặc móc túi người mua hàng.

Nhân viên này cho rằng vì bán hàng tràn ra lề đường nên người bán rất khó quản lý chung tài sản của khách, chỉ lo giữ hàng hóa. Có nhiều khách cứ chạy xộc vào mua mà không để ý các đồ cá nhân nên thường xuyên bị mất cắp. Nếu xảy ra tình trạng mất đồ, móc túi điện thoại, tiền thì khách cũng phải tự chịu trách nhiệm, không còn cách nào khách.

Theo PNO