Cháu loét giác mạc khi bà vắt chanh vào mắt chữa ghèn

Thấy bé trai 15 ngày tuổi chảy ghèn trắng, người bà đã dùng chanh nhỏ vào mắt làm loét giác mạc.

Bé trai 15 ngày tuổi được gia đình đưa tới thăm khám ở khoa mắt bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) trong tình trạng mắt nhiều chất tiết vàng nhầy, loét giác mạc rộng.

Theo người nhà, khi thấy bé chảy ghèn trắng ở mắt, thay vì đưa đi khám, người bà đã dùng chanh nhỏ vào mắt cháu để chữa.

chau-loet-giac-mac-khi-ba-vat-chanh-vao-mat-chua-ghen
Nặn chanh vào mắt chữa trị là sai lầm

Cách chữa dân gian này dẫn tới giác mạc bé trai bị loét nghiêm trọng như trên.

Bác sĩ Nguyễn Lê Huy Anh cho biết, nhỏ chanh vào mắt là một hành động vô cùng nguy hiểm. Trong chanh chứa acid citric, trong khi giác mạc là một cấu trúc vô cùng nhạy cảm.

Nhỏ chanh vào mắt cũng tương tự như chúng ta nhỏ acid lên da, nhẹ thì kích ứng, nặng thì có thể gây bỏng giác mạc. Chưa kể khi mắt đang bị viêm nhiễm thì nhỏ chanh vào càng làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Những mẹo chữa mắt sai lầm thường gặp

- Nhỏ sữa mẹ vào mắt:

Sữa mẹ có rất nhiều kháng thể, là nguồn dinh dưỡng quý giá của trẻ. Tuy nhiên, sữa mẹ chỉ có tác dụng khi được hấp thu qua đường tiêu hóa.

Một số bà mẹ hay dùng sữa mẹ vào một vài mục đích khác, trong đó có chữa bệnh đau mắt cho trẻ. Điều này hoàn toàn sai lầm.

Thực tế khi nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh, và nếu trẻ đang có tình trạng viêm nhiễm ở mắt thì điều này càng làm cho bệnh tiến triển nặng hơn.

chau-loet-giac-mac-khi-ba-vat-chanh-vao-mat-chua-ghen
Nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ sơ sinh có thể khiến trẻ bị mù

- Đắp thịt nhái vào mắt:

Ở một số vùng quê, đắp nhái lên mắt là một mẹo dân gian thường được người dân chỉ nhau khi đau mắt. Đó cũng là lý do mà đến nay, tình trạng nhiễm kí sinh trùng, mà cụ thể là sán mắt vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi.

Nguyên nhân do nhái là loài có nhiều ấu trùng sán ký sinh. Khi đắp nhái lên mắt hoặc ăn thịt nhái chưa nấu chín có thể bị nhiễm sán. Sán vào cơ thể sẽ chui lên mắt hoặc sống ở màng cơ thể.

Đặc biệt, ấu trùng sán nhái rất thích giác mạc và khi ký sinh sẽ gây ảnh hưởng cho mắt. Còn khi chúng sống ở màng cơ thể, xung quanh sán nhái sẽ tạo thành các tổ chức xơ như u.

- Lăn trứng gà:

Điều này không hẳn là sai hoàn toàn. Khi bạn cảm thấy ngứa mắt, có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này. Một nguyên nhân phổ biến đó là viêm bờ mi.

Nếu bạn chườm nóng (lăn trứng là một hình thức), điều này sẽ giúp ích cho việc điều trị.

Tuy nhiên, nếu nguyên nhân gây ngứa là viêm kết mạc dị ứng thì càng lăn, mạch máu càng cương tụ, càng nhiều hóa chất gây ngứa được phóng thích ra thì tình trạng của bạn sẽ càng nặng thêm.

Chưa kể mi mắt là vùng da mỏng nhất cơ thể, và việc lăn một quả trứng quá nóng có thể gây bỏng, nhất là đối với trẻ em.

- Dụi mắt:

Dụi mắt là phản ứng thường gặp để cố gắng đẩy dị vật ra. Tuy nhiên, hành động này sẽ gây ra nhiều tổn thương cho mắt.

Nếu dị vật cứng như cát, mảnh sỏi, mảnh thủy tinh, dụi mắt khiến các dị vật này càng chà xát mạnh lên bề mặt, gây xước giác mạc và tạo đường cho vi khuẩn, nấm xâm nhập.

Nếu dị vật là côn trùng, hành động này khiến chúng tăng tiết nhiều độc tố. Dịch tiết của kiến ba khoang có thể làm bỏng giác mạc, mù lòa.

Văn Đức

Theo Việt Nam Net