Chân dung "ông trùm" đường dây đánh bạc ngàn tỉ

Liên quan đến đường dây đánh bạc ngàn tỉ đồng, cơ quan công an đã khởi tố hơn 70 đối tượng, bắt giữ 38 bị can, trong đó có một số cán bộ công an.

chan-dung-ong-trum-duong-day-danh-bac-ngan-ti

Ông Phan Sào Nam - cựu Chủ tịch HĐQT VTC Online

Liên quan đến việc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an), để điều tra về tội "Tổ chức đánh bạc", trước đó, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam Phan Sào Nam, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP VTC Truyền thông trực tuyến (VTC Online) và Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển An ninh Công nghệ cao.

Lộ diện

Theo cơ quan điều tra, ông Nam và ông Dương được xác định là 2 đối tượng điều hành, cầm đầu đường dây đánh bạc qua mạng internet có quy mô hàng ngàn tỉ đồng. Bước đầu, Công an tỉnh Phú Thọ đã thu trên 1.000 tỉ đồng, số ngoại tệ đánh bạc chuyển ra nước ngoài ước chừng 3,6 triệu USD.

Trước khi vướng vào vòng lao lý, Phan Sào Nam được biết đến là một doanh nhân trẻ thành đạt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Sinh năm 1979, từng du học ở Hàn Quốc và nói thông thạo 2 ngoại ngữ (tiếng Hàn và tiếng Anh), Phan Sào Nam sau khi trở về nước làm việc một vài năm, đã đầu quân cho Công ty VTC Công nghệ và Nội dung số (VTC Intecom). Sau đó, Nam lần lượt giữ các chức vụ giám đốc VTC Online (2008-2009), phó chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc VTC Online (2009-2011) và chủ tịch HĐQT VTC Online.

Thời điểm làm chủ tịch HĐQT, Phan Sào Nam là người có công lớn nhất trong việc kêu gọi số tiền đầu tư 10 triệu USD từ Quỹ DWS Vietnam, thông qua Công ty Quản lý quỹ Duxton (trụ sở tại Singapore).

Phan Sào Nam từng kỳ vọng đưa VTC Online phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực phát hành game online. Phát biểu trước báo giới năm 2013, Phan Sào Nam từng tự hào khi VTC Online đã đưa game Việt có mặt tại một số nước trên thế giới.

Phan Sào Nam từng chủ trương tái cấu trúc lại VTC Online, khẳng định dù xét dưới bất kỳ quy mô hay góc độ nào thì VTC vẫn ở Top 3 công ty công nghệ mạnh nhất Việt Nam.

Tham gia điều hành đường dây đánh bạc với Nam là Nguyễn Văn Dương. Công ty TNHH Đầu tư Phát triển An ninh Công nghệ cao (CNC, trụ sở tại Hà Nội) do Dương đứng đầu được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ 20 tỉ đồng.

Cái bắt tay của 2 doanh nhân

Công ty TNHH Đầu tư Phát triển An ninh Công nghệ cao do Nguyễn Văn Dương làm giám đốc được thành lập với chức năng, nhiệm vụ chính là phục vụ các hoạt động nghiệp vụ phòng chống các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, cung cấp dịch vụ truyền dữ liệu, xử lý dữ liệu, an ninh bảo mật, rà soát hệ thống tìm ra những lỗ hổng và nguy cơ mất an toàn.

Lợi dụng lĩnh vực hoạt động, vị giám đốc 43 tuổi này đã bắt tay với Phan Sào Nam để điều hành đường dây đánh bạc ngàn tỉ đồng qua mạng internet, thu lợi bất chính.

Quá trình điều tra bước đầu, cơ quan công an xác định Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương thành lập chung một công ty với danh nghĩa nhập khẩu thiết bị công nghệ nhưng thực chất tổ chức đánh bạc trá hình qua mạng thông qua hình thức game bài.

Theo tìm hiểu, người chơi mua thẻ cào điện thoại và thẻ Vcard do CNC phát hành nạp vào game rồi mua tiền ảo để đánh bạc thông qua dịch vụ chấp nhận thẻ từ cổng thanh toán của nhiều công ty.

Doanh thu từ hình thức này do công ty của Nguyễn Văn Dương kiểm soát. Ngoài ra, người chơi có thể nạp tiền vào tài khoản ATM thông qua cổng thanh toán trực tuyến để mua tiền ảo và thẻ game.

Đường dây đánh bạc này với sự tham gia của hàng ngàn người trong và ngoài nước. Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa và một số cán bộ công an đã phát hiện đường dây đánh bạc ngàn tỉ này nhưng không ngăn chặn, xử lý mà còn tiếp tay và có dấu hiệu "bảo kê" cho đường dây này hoạt động.

Cơ quan công an đã khởi tố hơn 70 đối tượng, bắt giữ 38 bị can về các hành vi tổ chức đánh bạc, đánh bạc, rửa tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ông Hóa, nhiều cán bộ công an khác liên quan đến đường dây đánh bạc ngàn tỉ này cũng đã bị đình chỉ công tác, chức vụ để làm rõ các sai phạm.

Phá án từ đơn trình báo của dân

Cuối tháng 5-2017, Công an tỉnh Phú Thọ nhận được đơn trình báo của bà Võ Minh Phương (ở phường Nông Trang, TP Việt Trì) về việc ngày 16-5-2017, bà bị một đối tượng sử dụng tài khoản Facebook để lừa đảo, chiếm đoạt 110 thẻ cào điện thoại trị giá 55 triệu đồng.

Ngày 26-7-2017, Công an tỉnh Phú Thọ đã xác định đối tượng Lê Văn Huy (SN 1997, ở tỉnh Quảng Trị) là người lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà Phương và tiến hành bắt giữ.

Tại cơ quan công an, Huy khai sau khi chiếm đoạt thẻ cào điện thoại của bà Phương đã đổi thành tiền ảo của đại lý Lê Anh D. (ở TP Đà Nẵng) để đánh bài trực tuyến qua hình thức game bài Rikvip.

Mở rộng chuyên án, Công an tỉnh Phú Thọ khám xét, bắt giữ các đối tượng cầm đầu tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet tại Công ty TNHH Dịch vụ Phát triển đầu tư Nam Việt và Công ty CNC. Trong đó, cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp Nguyễn Văn Dương.

Bước đầu, cơ quan công an làm rõ số tiền các đối tượng thu lợi bất chính từ hành vi đánh bạc là 2.777 tỉ đồng; tạm giữ, kê kiên, phong tỏa tài khoản ngân hàng 381 tỉ đồng tiền mặt và sổ tiết kiệm, 20 căn hộ trị giá gần 190 tỉ đồng và 13 ô tô các loại.

Phá dỡ biệt thự xây trái phép của gia đình ông Nguyễn Thanh Hóa

Chiều 12-3, đại diện thanh tra xây dựng phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết cơ quan này đang phá dỡ hạng mục xây dựng trái phép trong căn biệt thự do bà Nguyễn B.H (vợ ông Nguyễn Thanh Hóa) đứng tên tại khu liền kề C37.

anh-box-5

Biệt thự trái phép của gia đình ông Nguyễn Thanh Hóa Ảnh:Minh Chiến

Theo đó, căn biệt thự xây vượt 3 bức tường ở tầng 5, rộng hàng chục mét vuông. Phường Trung Văn đã lập biên bản vi phạm về trật tự xây dựng, chủ đầu tư biệt thự đã có bản cam kết tự phá dỡ nhưng không chấp hành. Việc phá dỡ dự kiến sẽ hoàn thành sau 2-3 ngày.

M.Chiến

Minh Chiến - Nguyễn Hưởng

Theo Người lao động

--------------------

Xem thêm:

Chiêu thức kiếm ngàn tỉ từ sới bạc online

Thông qua game bài trực tuyến, đường dây đánh bạc do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam điều hành đã thu hút hàng triệu tài khoản đăng ký.

Đến ngày 13-3, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố 74 bị can để phục vụ điều tra vụ án sử dụng mạng internet chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền.

Trong đó, ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50 - Bộ Công an), bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Tổ chức đánh bạc".

Đăng ký dễ dàng

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định đường dây đánh bạc hàng ngàn tỉ đồng qua mạng này liên quan 2 game bài online mang tên RikVip và Tip.club. RikVip là một hệ thống trò chơi đa nền tảng, phát hành năm 2014.

Người chơi có thể dễ dàng tải từ Apple Store của Apple, Google Play của Google. RikVip không khác gì một "sòng bài online" với đầy đủ các hình thức như: tiến lên, xập xám, ba cây, xì tố, sâm lốc...

chieu-thuc-kiem-ngan-ti-tu-soi-bac-online

Hình ảnh một game bài đổi thưởng trên ứng dụng điện thoại di dộng

Người tham gia dễ dàng đăng ký tài khoản và được hệ thống tặng 200.000 xu (một đơn vị tiền ảo trong game - PV) để đánh bài. RikVip chấp nhận nạp tiền thật để đổi xu bằng thẻ cào của các nhà mạng.

Truy cập vào game, người chơi sẽ chủ động kết nối với các tài khoản khác để vào "sới". Mỗi ván đặt cược, hệ thống game "cắt phế" số xu tương ứng mà các tài khoản chơi.

Khi người chơi thắng trong các ván bài, tích lũy được nhiều xu thì có thể đổi trực tiếp số tiền ảo này thành thẻ cào điện thoại hoặc đổi qua các đại lý.

Tỉ lệ đổi là 100 ăn 80, phần còn lại bị nhà cung cấp game "cắt phế". Quá trình chơi, các game bài thường xuyên tung ra các chiêu thức tặng thưởng xu khi nộp tiền vào tài khoản để kích cầu. Game bài này đã thu hút hàng ngàn người chơi và đem lại những khoản lợi nhuận cực lớn cho đơn vị phát hành game.

Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong các trò chơi trực tuyến không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi ngược thành tiền, thẻ thanh toán, phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử.

"Đối với việc đánh bài qua mạng đổi thưởng như trên, cụ thể là quy đổi ra thẻ cào điện thoại, là vi phạm pháp luật. Dù là trò chơi điện tử trên mạng nhưng người chơi phải nộp tiền vào để chơi" - luật sư Ứng nói.

Lập công ty làm lá chắn

Trong đường dây đánh bạc này, Phan Sào Nam - cựu Chủ tịch HĐQT VTC Online - là nhà cung cấp game, bắt tay với Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC), để thiết lập đường dây đánh bạc qua mạng.

Dương thành lập công ty vào năm 2011, sau đó sử dụng công ty này làm lá chắn để điều hành đường dây thay vì hoạt động kinh doanh như quảng cáo.

Thời gian đầu, Dương thuê trụ sở là một tòa văn phòng 5 tầng nằm trên phố Hồ Giám (quận Đống Đa, Hà Nội), dù khá ít nhân viên. Sau đó, công ty của Dương chuyển trụ sở về tầng 6, tòa ICON 4 Tower (quận Cầu Giấy). Thời điểm đó được cho là khoảng thời gian hoạt động rầm rộ nhất của đường dây đánh bạc này.

Ngày 13-3, phóng viên có mặt tại trụ sở công ty này ở tòa nhà ICON 4 nhưng văn phòng đã đóng cửa, dán niêm phong.

Đến thời điểm bị phát hiện, đường dây đánh bạc này đã thu lợi ước hơn 2.777 tỉ đồng. Qua điều tra, công an đã tạm giữ, kê biên 20 căn hộ và 13 ô tô; phong tỏa tài khoản ngân hàng với hơn 380 tỉ đồng và nhiều sổ tiết kiệm.

"Ông trùm" cờ bạc từng đầu tư vào BOT

Ông Nguyễn Văn Dương là cổ đông sáng lập và từng là người đại diện pháp luật của Công ty CP Đầu tư UDIC. Công ty này là một trong những nhà đầu tư tham gia dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng vốn đầu tư gần 12.190 tỉ đồng. Sau đó, do vướng mắc về huy động nguồn vốn, đơn vị này buộc phải bỏ dự án BOT.

Bài và ảnh: Minh Chiến

Theo Người lao động