Cảnh sát giao thông có nên “lao ra” đường chặn, xử phạt xe?

 Đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội Facebook mới đây đã ghi lại hình ảnh 1 cảnh sát giao thông (CSGT) phải nằm trên nắp ca-pô của chiếc ôtô, sau khi ra chặn xử phạt chiếc ôtô này. Cách xử lý như vậy của CSGT liệu có là cách duy nhất?

Chiều hôm qua 19-11, mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh 1 Cảnh sát giao thông (CSGT) nằm bám trên nắp ca-pô của một chiếc ô tô 7 chỗ. Sau khi di chuyển được 1 đoạn, chiếc xe này đã tấp vào lề đường dừng lại và chiến sĩ CSGT xuống xe, rất may không bị thương.

canh-sat-giao-thong-co-nen-lao-ra-duong-chan-xu-phat-xe

Cần sớm thay đổi cách làm "lao ra đường” chặn xe

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra trường hợp hy hữu này, cách xử lý theo kiểu lao ra đường chặn, xử phạt xe của CSGT đã dẫn đến nhiều sự cố đáng tiếc trong thời gian qua. 

TAND TP Hà Nội từng tuyên án 10 năm tù đối với Phạm Huy Đoàn (SN 1985, ở Phổ Yên, Thái Nguyên) về tội "Giết người" với hành vi hất cảnh sát lên nắp ca-pô rồi phóng đi với tốc độ có lúc hơn 100 km/giờ.

Vấn đề đặt ra liệu cách xử lý theo kiểu lao ra đường chặn, xử phạt xe của CSGT liệu có phải là cách duy nhất? Có thể khẳng định cách làm này là không an toàn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của cả CSGT và đối tượng được cho là có hành vi vi phạm.

Nói thẳng cách làm này không thật sự tối ưu khi thi hành công vụ, thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp. Với quy trình tác nghiệp này, nếu lỡ xảy ra sự cố thì nguy cơ dẫn đến chết người là hoàn toàn có thể xảy ra.

Bộ Công an đã ban hành Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT.

 Theo đó, một số nội dung đã quy định rõ như CSGT được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an. CSGT được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, để phát hiện, ghi thu hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, tổ chức kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Như vậy nên chăng cần thay đổi cách làm lao ra đường chặn xe, thay vào đó là cần sớm nâng cao hàm lượng nghiệp vụ khi thực thi công vụ. Chẳng hạn với những hành vi vi phạm có tính chất manh động thì sử dụng biện pháp ghi hình và xử phạt nguội sau đó.

Hãy thực hiện các biện pháp nghiệp vụ chuyên nghiệp hơn để đạt kết quả tốt nhất, không thể cứ duy trì mãi cách làm theo kiểu "xả thân" vừa không chuyên nghiệp và không an toàn tính mạng.

Theo NLD