Cảnh báo nguy cơ từ 'cơn sốt' bún ốc Liễu Châu, lẩu tự sôi gắn mắc hàng nội địa Trung Quốc

Thời gian gần đây, các sản phẩm như bún ốc Liễu Châu và lẩu tự sôi thu hút sự chú ý của đông đảo người tiêu dùng. Mặc dù được quảng cáo là hàng nội địa Trung Quốc...

Bún ốc Liễu Châu gây "sốt", chất lượng liệu có đảm bảo?

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động kinh doanh đồ ăn online trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Chính vì lẽ đó mà nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có cơ hội len lỏi vào thị trường nội địa. 

Đáng chú ý, thời gian gần đây, sản phẩm bún ốc Liễu Châu đang trở thành xu hướng trên các trang mạng, thậm chí là sàn thương mại điện tử với mức giá từ 30.000 đồng. Với thiết kế bao bì bắt mắt, màu sắc hấp dẫn, hương vị mới lạ cùng những lời giới thiệu, chào mời "có cánh", sản phẩm này đã nhanh chóng thu hút đông đảo người tiêu dùng đặt mua.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số các địa chỉ phân phối sản phẩm bún ốc Liễu Châu, cửa hàng có địa chỉ trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội là cửa hàng khá "ăn khách". Tại đây, sản phẩm bún ốc Liễu Châu được chủ hàng giới thiệu là "món ăn không thể thiếu nếu đã đặt chân đến Trung Quốc". Mặc dù khẳng định chất lượng và thương hiệu của sản phẩm, tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu và xác minh thông tin, phóng viên nhận thấy tại địa chỉ bán hàng này có nhiều điểm "mập mờ" về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm bún ốc Liễu Châu.

canh-bao-nguy-co-tu-con-sot-bun-oc-lieu-chau-lau-tu-soi-gan-mac-hang-noi-dia-trung-quoc

 Sản phẩm bún ốc Liễu Châu được đăng bán trên trang Instagram của cửa hàng Taiwanfood tại Trần Hữu Tước, Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Diệu Hương

Cụ thể, tại đây, khách mua hàng được giới thiệu về 2 sản phẩm bún ốc Liễu Châu. Bún ốc Liễu Châu loại bình dân có giá 45.000 đồng, còn loại cao cấp có giá 65.000 đồng, khi khách mua số lượng lớn sẽ được giảm giá. Trong đó, sản phẩm bún ốc Liễu Châu loại bình dân đang bán chạy tại cửa hàng này. Nguyên nhân là bởi hương vị của sản phẩm bình dân không thua kém quá nhiều so với loại cao cấp. Trong khi đó, mức giá sản phẩm lại rẻ hơn nhiều.

Theo tiết lộ của người bán (trong video quảng bá về sản phẩm), không chỉ bún Liễu Châu, các mặt hàng do cửa hàng này cung cấp đều có nguồn gốc từ Trung Quốc với nhiều chủng loại, chất lượng và giá cả khác nhau. Để lôi kéo khách hàng, nhân viên bán hàng khẳng định các sản phẩm tại cửa hàng đều đảm bảo chất lượng, được nhập từ công ty.

Tuy nhiên khi được hỏi về giấy tờ chứng minh sản phẩm có nguồn gốc, nhập từ công ty như đã quảng cáo thì người bán hàng lại không cung cấp được. Người tiêu dùng cũng không thể biết được sản phẩm được nhập từ công ty nào, có phải của Trung Quốc hay không?

Không chỉ cơ sở nói trên, tại một cơ sở kinh doanh online khác (ghi địa chỉ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đang rao bán công khai sản phẩm bún ốc Liễu Châu. Theo chia sẻ của người bán, do dịch bệnh Covid-19, nhiều hàng quán đóng cửa nên những sản phẩm ăn liền rất đắt khách. Mức giá của 3 loại sản phẩm bún ốc Liễu Châu tại cơ sở này dao động từ 30.000 đến 36.000 đồng. Người bán cũng không ngần ngại chia sẻ về việc để có mức giá rẻ, các tay buôn thường nhập hàng tại cửa khẩu Lào Cai. Không những vậy, còn phải lợi dụng những kẽ hở trong quy định về hàng hoá trên các sàn thương mại điện tử để tuồn những mặt hàng nhập lậu ra thị trường. 

Theo quy định pháp luật, đối với các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu cần phải được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm. Các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm nhập khẩu phải có giấy phép hoạt động, giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. 

Thế nhưng, trên thực tế, những sản phẩm bún ốc Liễu Châu đang được bày bán tràn lan trên thị trường hay cơ sở kinh doanh lại không có bất kỳ giấy tờ nào để chứng minh nguồn gốc hàng hoá. Chủ kinh doanh online trên còn chia sẻ, để đánh tráo tem mác cũng không phải là điều khó khăn. Ở nhiều nơi, người bán còn tự dán tem vào bao bì sản phẩm. Khách hàng muốn nhập hàng về để bán thì muốn đặt loại tem mác nào cũng có.  

Được biết, sản phẩm bún ốc Liễu Châu được rao bán trên các 'chợ mạng' đều có bao bì bắt mắt, trang trí hấp dẫn nhưng trên bao bì lại không có bất cứ thông tin nào bằng tiếng Việt, chỉ có những ký tự Trung Quốc. Bên trong sản phẩm có 01 gói bún khô và nhiều loại phụ gia khác nhau nhưng lại không có thông tin về thành phần hay hướng dẫn sử dụng. Sau khi chế biến hoà cùng với các phụ gia, bát bún có màu vàng sẫm và váng mỡ màu đỏ nổi lên trên. Cùng với đó, mùi hương nồng và lạ của phụ gia cũng có thể dễ dàng nhận thấy. 

Trước đó, theo cảnh báo từ các chuyên gia, đối với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ thường tiềm ẩn nguy cơ gây hại từ các loại chất như chất tạo màu, chất tạo hương vị có trong sản phẩm. Theo TS Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, những loại bún không rõ nguồn gốc thường là sản phẩm được sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số sản phẩm còn sử dụng chất bảo quản để có thời hạn sử dụng lâu dài. 

Những chất độc hại có thể không gây ra ngộ độc cấp tính cho người dùng nhưng có thể gây ra những triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn. Đáng nói, những chất độc hại được sử dụng trong các sản phẩm này sẽ âm thầm ngấm vào cơ thể con người theo thời gian. 

Cẩn trọng 'tiền mất tật mang' với sản phẩm gắn mác "nội địa Trung Quốc"

Trên thị trường Việt Nam hiện nay, những sản phẩm được gán mác "nội địa Trung Quốc" đã không còn xa lạ. Những năm trở lại đây, kinh doanh online đồ ăn nội địa Trung Quốc nổi lên như một xu hướng. Các mặt hàng hầu hết được nhập lậu qua cửa khẩu vào tiêu thụ tại thị trường trong nước. 

Trong khi mặt hàng bún ốc Liễu Châu chưa hết sốt thì các món ăn tự sôi cũng đang được nhiều người tiêu dùng tìm mua. Đặc điểm chung của các món ăn này là được đóng sẵn trong các bao bì in chữ Trung Quốc, không phải nấu mà vẫn có thể tự chín. 

Chỉ cần tìm kiếm trên mạng xã hội hoặc kênh bán hàng, dễ dàng tìm thấy hàng trăm bài đăng quảng cáo. Dù giá của một suất lẩu tự sôi không hề rẻ (dao động từ 120.000 đồng đến hơn 200.000 đồng) nhưng vẫn có hàng trăm người đặt mua hàng.

canh-bao-nguy-co-tu-con-sot-bun-oc-lieu-chau-lau-tu-soi-gan-mac-hang-noi-dia-trung-quoc

 Lẩu tự sôi từng làm mưa làm gió tại thị trường trong nước. Ảnh minh hoạ

Lẩu tự sôi là những sản phẩm được giới thiệu là hàng công ty, có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng trên nhãn sản phẩm lại không ghi tiếng Việt nên rất khó nhận biết chất lượng. Thêm vào đó, nguyên liệu trong hộp lẩu đều là thực phẩm chế biến sẵn nên việc sử dụng thường xuyên cũng không tốt cho sức khoẻ. 

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, phương pháp gia nhiệt bằng gói tạo nhiệt không phải là cách làm mới khi từng được áp dụng trong quân đội để làm nóng thực phẩm. Gói tạo nhiệt này chứa bột magie được trộn với muối và bột sắt. Khi thêm nước, phản ứng hóa học sẽ diễn ra trong vài giây và đun sôi lượng nước này. Tuy nhiên, việc làm nóng này cần đảm bảo nguyên tắc các gói hóa chất được đóng gói kỹ càng để không có khả năng thôi nhiễm trong quá trình sử dụng cũng như dụng cụ có khả năng chịu đựng nhiệt độ cao.

Trên thực tế, các sản phẩm nêu trên khi nhập về Việt Nam, trên bao bì không ghi bằng tiếng Việt nên rất khó xác định nguồn gốc sản phẩm. Việc kiểm định chất lượng sản phẩm, đặc biệt là mức độ an toàn của những gói hoá chất cũng gặp nhiều khó khăn bởi nhiều sản phẩm được nhập lậu, không qua chính ngạch. Thêm vào đó, phần chứa thực phẩm đều là nhựa nên rất có thể sẽ bị thôi nhiễm hóa chất trong quá trình làm chín thức ăn.

Liên quan tới vấn đề này, TS Phan Thế Đồng, Trường Đại học Hoa Sen cũng lưu ý những rủi ro từ hóa chất sẽ thôi nhiễm vào thực phẩm. Ông cho biết, hóa chất tiếp xúc với nước sinh ra nhiệt, khiến nước bốc hơi. Tuy hơi nước sinh ra ngưng tụ trên nắp hộp hoặc vào thực phẩm thì không vấn đề nhưng các chất còn lại trong nước sẽ độc. Ví dụ như sắt là kim loại nặng nếu không tan hay bốc hơi hết sẽ gây độc nếu ăn phải. Do đó cần tránh tiếp xúc trực tiếp giữa hóa chất, nước đun hoá chất với thức ăn.

Cũng theo vị chuyên gia này, những gói sản phẩm như lẩu tự sôi hay cơm tự sôi phải được đựng trong hộp nhựa tốt, không chứa chất phụ gia, nếu không sẽ gây hại cho sức khỏe khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh, người tiêu dùng không nên lạm dụng các sản phẩm này, bởi đây đều là thực phẩm chế biến sẵn và có nhiều nguy cơ.

Có thể thấy, thị trường thực phẩm ngày càng phong phú và đa dạng. Lợi dụng tình trạng khó truy xuất nguồn gốc hàng hoá không ít tiểu thương đã trà trộn những sản phẩm không đảm bảo chất lượng vào thị trường nhằm kinh doanh kiếm lời, bỏ mặc sức khoẻ người tiêu dùng. Bởi vậy, để đảm bảo sức khoẻ của người thân và gia đình, người tiêu dùng cần lưu ý, chỉ sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Theo VietQ