Cảnh báo dịch cúm A (H7N9) độc lực cao gây chết ở động vật

Trước diễn biến dịch cúm A (H7N9) tại Trung Quốc đang lan rộng, Cục Y tế dự phòng vừa phát đi cảnh báo người dân nên cảnh giác.

Theo Cục Y tế dự phòng, trường hợp mắc dịch cúm A(H7N9) được phát hiện đầu tiên ở người vào tháng 02/2013 tại Trung Quốc, kết quả theo dõi từ năm 2013 đến đầu năm 2017 đều chưa phát hiện các trường hợp vi rút cúm A(H7N9) gây bệnh và chết ở gia cầm (gia cầm nhiễm vi rút nhưng không có biểu hiện bệnh) cũng như các loài động vật khác, do đó được phân loại là chủng vi rút cúm A(H7N9) độc lực thấp.

Còn tính đến nay, tại Trung Quốc đã đã ghi nhận 1,622 trường hợp mắc cúm A(H7N9), trong đó có 619 trường hợp tử vong (tỷ lệ chết/mắc 38,2%). Số lượng mắc thường tăng cao vào những tháng mùa đông – xuân do điều kiện thời tiết thuận lợi và nhu cầu tiêu thụ gia cầm tăng cao.

Do đó, tính từ 10/01/2017 đến nay, các mẫu vi rút cúm A(H7N9) gây bệnh ở gia cầm đã được phát hiện và như vậy được phân loại là chủng vi rút cúm A(H7N9) độc lực cao.

Dịch cúm A (H7N9) tại Trung Quốc đang lan rộng. Ảnh: Tiền Phong

Dịch cúm A (H7N9) tại Trung Quốc đang lan rộng. Ảnh: Tiền Phong

Việc chuyển từ chủng độc lực thấp sang chủng độc lực cao của vi rút cúm A(H7N9) làm tăng nguy cơ lây lan vi rút cúm A(H7N9) lây truyền từ gia cầm sang người do việc đào thải vi rút cúm A(H7N9) từ gia cầm vào môi trường cao hơn từ hàng chục đến hàng trăm lần so với chủng vi rút độc lực thấp.

Gần đây nhất, ngày 19/10/2017, Giáo sư Yoshihiro Kawaoka, Bộ môn Vi rút, Khoa Sinh học phân tử và Miễn dịch, Viện Khoa học Y khoa của Trường Đại học Tokyo, Minato-ku, Tokyo, đã công bố kết quả của nhóm nghiên cứu về chủng vi rút cúm A(H7N9) có thể lây truyền và gây chết ở động vật.

Kết quả trên ghi nhận được dựa vào nghiên cứu về mẫu bệnh phẩm phân lập từ một bệnh nhân tử vong do cúm A(H7N9) vào đầu năm 2017.

Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy đã phát hiện đoạn gien có thể lây truyền và gây chết trên loài chồn (một loại động vật có thể chỉ điểm lây nhiễm sang người). Chủng vi rút cúm A(H7N9) độc lực cao có thể nhân lên hiệu quả ở trên chuột, chồn và một số loài linh trưởng.

Tất cả vi rút lây nhiễm trong số các con chồn thông qua các giọt nước bọt bắn tới các điểm biến thể nhạy cảm neuraminidase đã làm chết một số con vật bị nhiễm và có tiếp xúc gần. Hiện tượng này xảy ra cả ở con vật lây nhiễm đầu tiên và những con vật khác khỏe mạnh có tiếp xúc gần với con vật bị nhiễm bệnh.

Đây là trường hợp đầu tiên chủng vi rút cúm A độc lực cao lây truyền giữa các con chồn và làm chúng tử vong. Kết quả nghiên cứu này cho thấy chủng vi rút cúm A(H7N9) độc lực cao có thể tiềm ẩn nguy cơ gây đại dịch và cần được theo dõi một cách chặt chẽ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc, ngay từ năm 2013, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai giám sát chặt chẽ ở người và gia cầm để phát hiện sớm sự xâm nhập của chủng vi rút cúm A(H7N9) vào nước ta.

Đồng thời triển khai các biện pháp chủ động phòng chống cúm A(H7N9), sẵn sàng đáp ứng kịp thời khi phát hiện chủng vi rút cúm A(H7N9) tại Việt Nam. Đến nay, nước ta vẫn chưa phát hiện vi rút cúm A(H7N9) cả ở trên gia cầm cũng như ở người.

Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các chuyên gia của WHO, FAO theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh cúm A(H7N9) và triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm A(H7N9) ở người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như: Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm.

Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Người trở về nước từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Trước dods, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1/3 ra khuyến cáo về tình trạng gia tăng đáng ngại các trường hợp lây nhiễm cúm gia cầm H7N9 tại Trung Quốc.

WHO nói dù sự gia tăng này đáng quan ngại, nhưng vẫn chưa có chứng cứ cho thấy các đặc điểm dịch tễ học trong các ca lây nhiễm ở người đang biến đổi - chẳng hạn như tuổi tác và giới tính của những người bị lây nhiễm, quá trình bị phơi nhiễm và tỉ lệ tử vong.

WHO cho biết đang theo dõi những diễn biến này, và cho rằng không có lý do để khuyến cáo những thay đổi trong việc chữa trị bệnh nhân lúc này.

Wenqing Zhang, người đứng đầu chương trình cúm toàn cầu của WHO cho hay: “Thay đổi thường xuyên là đặc tính của các loại virút cúm - khiến cho bệnh cúm là mối đe dọa thường xuyên và quan trọng đối với sức khỏe công chúng”.

Tuy nhiên, ông Zhang lưu ý khoảng 7% những trường hợp H7N9 lây nhiễm sang người trong năm nay chứng tỏ có việc kháng thuốc, những loại thuốc được khuyên dùng để trị cúm như thuốc Tamiflu nổi tiếng của hãng Roch, hay oseltamivir.

Vẫn theo WHO, bùng phát các chủng virút cúm gà H5 trong gia cầm và chim hoang dã tại châu Âu, châu Phi, và châu Á cũng gây quan ngại dù nguy cơ ở người hiện còn thấp nhưng cảnh giác vẫn là điều cốt yếu.

Theo VietQ