Cẩn trọng với thuốc đông y chữa ho có thể chế biến bằng dược liệu bẩn

Để chữa ho cho con nhiều người thường sử dụng thuốc đông y, tuy nhiên đã có nhiều vụ trẻ bị ngộ độc do thuốc đông y chế biến từ dược liệu bẩn.

Trao đổi trên báo Người đưa tinPGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Kháng sinh chỉ có tác dụng với ho do vi khuẩn, còn ho do virus dùng kháng sinh không có tác dụng. Nghiên cứu từ Trung Quốc và Hà Lan còn cho thấy, nếu ho không cần dùng kháng sinh mà uống kháng sinh thì lâu khỏi hơn”.

Cẩn trọng với thuốc đông y chữa ho có thể chế biến bằng dược liệu bẩn

Nhiều cha mẹ chữa ho cho con bằng thuốc đông y. Ảnh minh họa

Thống kê từ các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương, qua tiến hành xét nghiệm phân cho kết quả: 30% số trẻ phát hiện có vi khuẩn kháng kháng sinh, có nghĩa là loại kháng sinh trị bệnh đó đã bị vi khuẩn “vô hiệu hóa”. Điều này cho thấy một tình trạng đáng báo động về việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh cho trẻ nhỏ.

Nhiều phụ huynh ý thức được hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị ho cho trẻ nhỏ nên đã chuyển hướng sang dùng thuốc đông y hay tự làm siro ho từ quất, mật ong, hoa hồng hấp đường phèn...

Theo báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, trong trường hợp bị ho, cảm cúm thì việc sử dụng các bài thuốc dân gian là rất đáng khuyến khích, đồng thời hạn chế được tác dụng phụ do kháng sinh gây ra. Việc kê đơn cho bệnh nhi bị ho bằng các loại siro thảo dược cũng được khuyến khích từ lâu, bởi nhiều loại sản phẩm siro ho đông dược rất hiệu quả, giúp giảm ho, long đờm khi dùng một mình, hay kết hợp với tân dược.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng chia sẻ, trong những năm làm nghề, ông đã cấp cứu khá nhiều ca trẻ bị ngộ độc cấp do sử dụng thuốc đông y chế biến từ dược liệu bẩn. Các sản phẩm làm từ dược liệu kém chất lượng có các yếu tố gây hại từ phân bón, dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, chất bảo quản, tỉ lệ nhiễm nấm mốc cao… và càng cho trẻ uống siro lâu thì chất độc hại tích tụ trong cơ thể càng gây ra các vấn đề về sức khỏe - dù có thể đã chữa được một loại bệnh nào đó” - ông phân tích.

Cũng theo báo Người đưa tin, hiện nay, thị trường thuốc Đông dược đang vàng thau lẫn lộn. Việt Nam đang có 85% dược liệu là nhập từ nước khác mà đa phần từ Trung Quốc. Những doanh nghiệp bỏ tiền vào lĩnh vực này cũng băn khoăn khi không rõ chất lượng thực sự của dược liệu nhập ngoại.

Theo nghiên cứu của viện Dược liệu, 90% thuốc Bắc trên thị trường được nhập khẩu từ Trung Quốc không có nhãn mác. Sau khi kiểm tra, chỉ riêng các cơ sở khám chữa bệnh Đông y của Nhà nước cho thấy, có đến 60% thuốc không bảo đảm chất lượng, trong đó 20% bị trộn lẫn rác, dược liệu giả. Thậm chí, trong thuốc có cả cát và xi măng.

Không chỉ dược liệu giả mới gây hại, nhiều loại dược liệu thật cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu nó không được kiểm soát tốt ngay từ giống, quá trình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến…

Theo PGS. TS Trần Văn Ơn, Trưởng bộ môn Thực vật, đại học Dược Hà Nội, dược liệu có các yếu tố gây hại từ việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu độc hại hoặc kim loại nặng… thì khi sử dụng lâu ngày, tích tụ trong người gây sẽ ra các vấn đề về sức khỏe dù có thể chữa được một loại bệnh nào đó. Như vậy là “lợi bất cập hại”.

Cũng theo TS. Ơn, thời gian gần đây xuất hiện thông tin về một số loại dược liệu nhập khẩu bị chiết bớt dược chất, thậm chí chỉ còn bã. Đây là vấn đề lớn và nhức nhối nhất khi chúng ta không kiểm soát được nguồn gốc vì giá lại quá rẻ. Khoảng chục năm trở lại đây, theo kinh nghiệm của thầy thuốc là phải tăng liều lên khoảng 3 lần thì mới có tác dụng như ngày xưa.

Trên thị trường hiện có nhiều loại siro ho được làm từ những nguồn nguyên liệu với nguồn gốc khác nhau. Khi lựa chọn, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc chiết xuất sản phẩm… Phụ huynh có thể kiểm tra ngay những thông tin tiêu chuẩn chất lượng của thuốc được in trên bao bì theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế và WHO.

Theo VietQ