Bóc trần chiêu trò mạo danh truyền hình để quảng cáo thực phẩm chức năng

Trên các trang mạng xã hội Facebook, zalo tràn ngập các dòng quảng cáo giả thương hiệu VTV. Thậm chí, để thổi phồng công dụng “thần thánh” của các bài thuốc, những tổ chức này còn ngụy tạo, lồng ghép chương trình trao giải thưởng của đài truyền hình nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Thời gian gần đây, mạng xã hội và một số website liên tục xuất hiện các phóng sự video lợi dụng danh nghĩa chương trình truyền hình, truyền hình thực tế, thời sự chính thống nhằm tạo dựng lòng tin, tiếp cận người tiêu dùng với mục đích quảng cáo, chào bán sản phẩm, thu lời bất chính. Không rõ công dụng thực sự của các dòng sản phẩm này ra sao, nhưng nếu thiếu cảnh giác, người bệnh khó tránh khỏi "tiền mất, tật mang".

Điểm qua một vài cái tên đi đầu về hình thức giả mạo này như sản phẩm Ngọc Dương chữa bệnh sinh lý ở nam giới của "lương y" Trần Giang Nam, sản phẩm Bát Vị Thần Hoàn chữa dạ dày của "lương y" Văn Trọng Khuyến hay sản phẩm đặc trị chữa xương khớp Ông Bồng…

Không khó để thấy trên các trang mạng xã hội Facebook, website, zalo tràn ngập các dòng quảng cáo giả hiệu đài truyền hình. Thậm chí, để thổi phồng công dụng "thần thánh" của các bài thuốc, chiếm lòng tin từ người tiêu dùng, các đơn vị, tổ chức này sẵn sàng ngụy tạo, lồng ghép sai lệch phóng sự, chương trình trao giải thưởng của đài truyền hình lừa dối người tiêu dùng.

boc-tran-chieu-tro-mao-danh-truyen-hinh-de-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang

Trên trang Fanpage “Bác sĩ Trần Giang Nam – Chủ tịch hội Đông Y Ứng Hòa” quảng cáo video giới thiệu bài thuốc dài 5 phút nhằm đánh lừa người xem.

Để gia tăng tin tưởng, các địa chỉ trên cũng chia sẻ rầm rộ nội dung phỏng vấn người bệnh, người thân của người bệnh, các nhân vật nổi tiếng khiến cho người xem tin rằng sản phẩm này như thần dược, sử dụng ắt sẽ khỏi bệnh.

Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên, tại địa chỉ Facebook có tên "Bác Sỹ Trần Giang Nam", chỉ sau 5 ngày đăng tải phóng sự dài hơn 4 phút về nội dung một cơ sở đông y gia truyền nhiều đời có bài thuốc chữa dứt điểm bệnh yếu sinh lý ở nam giới, đã nhận được hàng nghìn lượt like, hàng trăm bình luận và chia sẻ, nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Video này được gắn mác chương trình thời sự 24h, thay đổi tên kênh truyền hình và được thực hiện bởi một ê-kip gồm đầy đủ thành phần. Rất nhiều người vì tin tưởng vào bài thuốc "thần kỳ" nên đã đặt hàng mà không hề biết rằng phóng sự này không phải do ê-kíp của đài truyền hình thực hiện và cũng chưa từng được phát trên bất kỳ kênh sóng nào của Đài Truyền hình Việt Nam.

boc-tran-chieu-tro-mao-danh-truyen-hinh-de-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang

Ảnh cắt từ 1 clip được dàn dựng như thật để bán thuốc của “lương y” Trần Giang Nam.

Không chỉ địa chỉ Facebook có tên "Bác Sỹ Trần Giang Nam" có dấu hiệu ngụy tạo, cắt ghép chương trình thời sự, các trang mạng xã hội vệ tinh cũng hoạt động rầm rộ bằng mánh khóe tương tự.

Cụ thể, tại địa chỉ Facebook có tên "Bác sĩ Trần Giang Nam – Chủ tịch hội Đông Y Ứng Hòa Hà Nội", đoạn video ghi hình hoạt động trao tặng giải thưởng tại chương trình Truyền thông thương hiệu tiêu biểu hội nhập châu Á – Thái Bình Dương có dấu hiệu lồng ghép âm thanh hòng ngụy tạo giải thưởng.

Trước vấn nạn tràn lan các phóng sự video lợi dụng danh nghĩa chương trình truyền hình, truyền hình thực tế, thời sự chính thống, Đài truyền hình Việt Nam đã nhiều lần đăng tải thông tin cảnh báo đến người tiêu dùng.

boc-tran-chieu-tro-mao-danh-truyen-hinh-de-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang

Ảnh trong đoạn video bị cắt ghép, lồng tiếng thô thiển không khớp với video gốc.

Theo vtv.vn, các clip giả mạo, vi phạm bản quyền của VTV đã và đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Nếu phát hiện những trang mạng xã hội đăng tải các clip giả mạo, khán giả hãy báo cáo ngay trang này có nội dung không phù hợp, vi phạm pháp luật để nhà cung cấp sẽ khóa trang ngay lập tức để cùng VTV thực hiện nghiêm túc luật bản quyền, sở hữu trí tuệ.

Cách đây không lâu, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng lên tiếng cảnh báo về tình trạng một số trang mạng và một số trung tâm tư vấn thường quảng cáo hoặc gọi điện trực tiếp đến khách hàng mạo danh là các nhà thuốc đông y gia truyền để tư vấn bán thực phẩm chức năng.

Cảnh báo này được phát đi sau khi Viện Dinh dưỡng Quốc gia phát hiện một số trang web sử dụng logo của viện và hình ảnh bác sĩ của viện để tư vấn và bán thực phẩm chức năng. 

Bác sĩ Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẳng định những trang web với hình ảnh và quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng đều không phải của trung tâm. Hơn nữa trung tâm cũng không có chủ trương quảng cáo bán hàng bằng nhắn tin hay điện thoại để lôi kéo, mời chào bệnh nhân.

boc-tran-chieu-tro-mao-danh-truyen-hinh-de-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang

Nhan nhản các clip được dựng như chương trình truyền hình chính thống nhằm mục đích bán hàng.

Theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, từ đầu năm 2019 đến nay, Cục đã thanh, kiểm tra và xử phạt hàng trăm doanh nghiệp thực phẩm chức năng vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh. Nhiều công ty kinh doanh thực phẩm chức năng luôn muốn "nổ" về công dụng để thu hút người mua. Thậm chí không ít cơ sở đã thuê những nhân vật có ảnh hưởng lớn tới công chúng đứng ra quảng cáo sản phẩm.

Có thể thấy, Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra nhiều giải pháp và hành động cụ thể để xử lý, ngăn chặn tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai quy định. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều cơ sở kinh doanh vẫn bất chấp các quy định của pháp luật đưa ra những quảng cáo lừa dối người tiêu dùng.

Theo GiaDinh