Bỏ việc nhà nước, 40 năm dạy dỗ, hướng thiện cho trẻ em lang thang, bụi đời

Là giám đốc trung tâm nhưng các học viên đều gọi ông Trần Duyên Hải là "thầy" bởi ông không chỉ là là người chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ mà còn dạy các em biết lẽ sống, sự hướng thiện.

“Bước ngoặt” cuộc đời

Trung tâm Dạy nghề nhân đạo Linh Quang của thầy giáo Trần Duyên Hải nằm sâu trong nhỏ tại phường Văn Chương (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) từ nhiều năm nay là nơi cưu mang, giúp đỡ dạy nghề và hướng thiện cho những mảnh đời khuyết tật, không nơi nương tựa.

Đã bước qua tuổi 80 nhưng nhiệt huyết của thầy giáo Trần Duyên Hải vẫn vẹn nguyên như thời còn son trẻ. Công việc lặng thầm của ông trong mấy chục năm nay đã đem lại sự hồi sinh trong tâm hồn cũng như cuộc sống của hàng nghìn mảnh đời bất hạnh.

Sinh năm 1938 trong một gia đình nổi tiếng giàu có ở xã Ngọc Thanh (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) nên từ nhỏ cái ăn, cái mặc chưa bao giờ là nỗi lo của ông Hải. Tuy nhiên, một biến cố đã xảy ra khiến ông thay đổi suy nghĩ và là động lực để ông làm những việc không tên sau này.

bo-viec-nha-nuoc-40-nam-day-do-huong-thien-cho-tre-em-lang-thang-bui-doi

Trung tâm Dạy nghề nhân đạo Linh Quang của thầy giáo Trần Duyên Hải là nơi cưu mang, giúp đỡ của rất nhiều mảnh khó khăn, bất hạnh.

Vào năm 1945 trận đói lịch sử cướp đi sinh mạng của 2 triệu người, khi đó ông Trần Duyên Hải mới chỉ là một cậu bé 7 tuổi đã chứng kiến cảnh những người đói ăn vật vờ đầu đường xó chợ.

Theo lời ông Hải, khi đó, khu vực Thái Bình người chết đói rất nhiều nên rất đông người kéo sang khu vực chợ Gò quê ông ở Hưng Yên để kiếm ăn.

Dân làng khi đó thấy vậy nhà nào cũng đóng cổng, chèn cửa thật chặt để ngăn những người quá đói tràn vào làm liều. Lúc đó, bố mẹ tôi trước khi ra khỏi nhà đã khóa chặt cửa, nhìn thấy những người đi lại xiêu vẹo, sắp lả đi vì đói, tôi thương lắm nên đánh liều lấy cho họ nắm cơm, bát gạo qua cái lỗ nhỏ trên cổng. Vài lần không dằn nổi lòng, tôi đã lấy tiền của bố mẹ để cho một vài người" - ông Trần Duyên Hải kể lại.

Hồi đó bố mẹ buôn bán, nhà có điều kiện nên việc ông Hải lấy một ít cơm, gạo, tiền chia cho người khác cũng không ai biết.

Nhưng điều ông không ngờ là hơn chục năm sau nạn đói đó, có một gia đình ở dưới Thái Bình bồng bế nhau tìm đến nhà để tạ ơn vì nhờ mấy đồng bạc ông cho khi đó mà gia đình họ đã được cứu sống. Lúc này, bố mẹ ông mới ngã ngửa người ra vì con trai mình đã từng lấy tiền của gia đình đem giúp đỡ người khác.

Lớn lên, ông Hải được gia đình cho ra Hà Nội học hành đến nơi đến chốn. Khi học xong, ông được về làm giáo viên dạy nghề của Sở Thương nghiệp Hà Nội khi đó.

Vào đầu những năm 1970, khi đó đất nước vẫn trong thời kỳ chiến tranh ác liệt nên cuộc sống của người dân nhiều nơi rất khổ cực, thiếu thốn đủ bề.

Hàng ngày, khi đi làm qua khu vực hồ Hoàn Kiếm ông trông thấy nhiều em nhỏ vì nhà nghèo túng đã bỏ quê lên đây hành nghề ăn xin, bán hàng rong, thậm chí móc túi, cướp giật để mưu sinh. Nhìn những đứa trẻ gầy gò, ốm yếu, da xanh tái vì đói ăn ông thương lắm nên nghĩ phải làm gì đó để giúp đỡ những mảnh đời như vậy.

Nghĩ là làm, ông Hải mua gỗ và dựng một xưởng mộc ở khu vực bãi Phúc Xá (gần cầu Long Biên), gom những đứa trẻ lang thang lại rồi nhờ một người họ hàng làm thợ mộc ở quê lên dạy nghề cho các em.

Nhờ xưởng mộc của ông khi đó mà rất nhiều đứa trẻ "bụi đời" đã có mái ấm cho mình. Tuy nhiên, thấy ông cưu mang và tạo công ăn việc làm cho đám trẻ em lang thang bụi đời, ăn xin, ăn cắp,... nhiều người đã khuyên ông nên "tránh xa chúng nó ra cho lành".

Thầy Trần Duyên Hải trầm ngâm:

"Lúc đó, có người còn bảo tôi rỗi hơi, việc nhà không lo hết còn đi lo việc thiên hạ. Chưa hết, ít lâu sau tôi bị công an quận gọi lên chất vấn về việc tụ tập trẻ em bụi đời, hư hỏng để làm gì.

Thậm chí, còn có người nghi tôi là người cầm đầu băng đảng xã hội đen. Nhưng khi xét thấy lý lịch mình trong sạch, làm cơ quan nhà nước tôi chỉ bị cảnh cáo, nhắc nhở và buộc phải giải tán nhóm trẻ em bụi đời".

bo-viec-nha-nuoc-40-nam-day-do-huong-thien-cho-tre-em-lang-thang-bui-doi

Rất nhiều học viên được hỗ trợ học nghề, hướng nghiệp tại Trung tâm của thầy Trần Duyên Hải.

Không còn cách nào khác, ông Trần Duyên Hải đành phải chấp nhận "giải tán" lớp học nghề mộc, để tự các em tự bươn trải kiếm sống. Số trẻ em khuyết tật, bụi đời ngày càng tăng lên nhưng khi tiếp xúc với các em, ông Hải nhận thấy bản chất của chúng không xấu mà chủ yếu do hoàn cảnh xô đẩy theo kiểu "túng làm liều".

Nhớ về kỷ niệm của mình khi tiếp xúc với những đứa trẻ, ông kể có lần gặp một em tàn tật bạn bè đồng cảnh ngộ đặt cho biệt danh là Ngọc "sương gió".

Ngọc "sương gió" quê ở xã Minh Quang (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), mẹ mất sớm, bố bỏ vào Nam lại bị liệt cả hai chân nhưng vẫn phải bỏ nhà theo bạn bè đi bụi đời, dặt dẹo xin ăn ở khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Một hôm có du khách nước ngoài đi qua, Ngọc "sương gió" chìa mũ ra xin tiền nhưng không được. Đói quá, em đành xông đến ôm chặt chân họ như kiểu ăn vạ nhưng du khách nọ nhất định không cho mà liên tục hất và đá em ra vì chiếc quần của họ bị lấm bẩn hết.

Đi ngang qua, ông Hải dừng lại và gỡ tay Ngọc "sương gió" ra và hỏi vì sao lại làm như thế thì em chỉ khóc và cho biết từ hôm qua đến nay không xin được cái gì nên đói quá mới làm liều như vậy.

Cưu mang những mảnh đời bất hạnh

Sau lần gặp và chứng kiến thảm cảnh của Ngọc "sương gió", thầy Trần Duyên Hải càng trăn trở trước những mảnh đời nhỏ bé bất hạnh, ông cho rằng phải trang bị cho chúng cái cần câu cơm bởi nếu không chúng rất dễ làm liều. Hơn nữa, khi học được nghề cuộc sống của chúng sẽ khác đi rất nhiều bởi như các cụ xưa đã từng nói "ruộng đất bề bề không bằng có nghề trong tay".

Đầu năm 1983, ông Hải tự xin nghỉ hẳn công việc của nhà nước vốn khi đó nhiều người mơ mà không được chế độ lao động mất sức.

Sau khi tìm hiểu và khảo sát, nhận thấy nhu cầu mặt hàng may mặc ngày càng lớn, đặc biệt là các vùng nông thôn, ông vay mượn, gom góp tiền mua được vài chiếc máy may rồi tập hợp 3 em lang thang, khuyết tật trong đó có Ngọc "Sương gió" về thuê một căn phòng nhỏ làm chỗ dạy nghề và chỗ ăn ở.

bo-viec-nha-nuoc-40-nam-day-do-huong-thien-cho-tre-em-lang-thang-bui-doi

Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Tài Thu - Chủ tịch hội cứu trợ trẻ em Việt Nam đến thăm trung tâm vào năm 2000.

Tại căn phòng này, ông Hải trực tiếp dạy nghề may cho các em. Từ đấy, lớp học may của ông liên tục đón nhận thêm nhiều "học viên" là những em có hoàn cảnh khó khăn, lang thang, cơ nhỡ tới xin học nghề. Mỗi em sau khi học nghề xong lại được ông xin việc làm tại những xưởng may trên phố Khâm Thiên khi đó. Ngoài ra, ông cũng để các em nhận may gia công để lấy tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Lúc đầu, ông không kể bất cứ chuyện gì với vợ con về việc mình âm thầm giúp đỡ dạy nghề các em tàn tật, bụi đời. Vợ ông chỉ biết ông hay đi đêm về hôm, bận rộn tối ngày mà tiền không một xu dính túi nên giận lắm, thậm chí nhiều lần còn đòi ly hôn.

Do số lượng các em ngày càng đông, nơi ăn chỗ ở không còn đủ nữa, hết cách, ông đành "khai" thật với vợ về những việc mình làm và nhờ bà gom góp tiền, vay mượn người thân, họ hàng hỗ trợ để mua mảnh đất làm nơi dạy nghề và chỗ ở cho các em.

"Ban đầu vợ tôi giận lắm, một tuần liền không nói năng gì. Tôi phải thuyết phục, động viên mãi vợ tôi mới đồng ý giúp đỡ", ông Hải kể.

Mảnh đất mới mua được, ông Hải cho dựng tạm chỗ ở cho các em và làm nơi học nghề, sản xuất. Tuy nhiên, khi thấy tại đây tụ tập nhiều trẻ em lang thang, bụi đời ông lại tiếp tục "được" chính quyền mời lên chất vấn về việc tụ tập trẻ lang thang, bụi đời để làm gì và không ít lần bị lập biên bản và yêu cầu phải "giải tán đám đông".

Tuy nhiên, lúc đó nhìn cảnh 40 con người nếu giải tán sẽ đi đâu, về đâu, lấy gì để sống hay lại quay lại con đường cũ là lang thang, bụi đời, cướp giật khiến cho ông thêm động lực, quyết tâm giúp đỡ, bảo vệ các em đến cùng.

bo-viec-nha-nuoc-40-nam-day-do-huong-thien-cho-tre-em-lang-thang-bui-doi

Ngoài việc dạy nghề, hướng nghiệp cho các em, thầy Trần Duyên Hải còn là người gần gũi, động viên, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các em nhỏ lang thang, khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2000, Chủ tịch hội cứu trợ trẻ em Việt Nam khi đó là Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Tài Thu đến thăm đã rất xúc động và khóc vì nghĩa cử cao đẹp của ông. Ngay năm sau đó, Trung tâm dạy nghề nhân đào tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật Việt Nam đầu tiên tại địa chỉ số 25/48 ngõ Linh Quang (Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội) chính thức được thành lập.

Gần 40 năm làm việc thiện, đã ở tuổi mà người ta nghĩ đến niềm vui tuổi già, nghỉ ngơi quây quần bên gia đình, con cháu nhưng thầy giáo Trần Duyên Hải vẫn lặng thầm, tiếp tục cần mẫn với công việc chăm lo cho những phận đời bất hạnh.

Tại Trung tâm, những mảnh đời cơ nhỡ, những người nghèo khó hay lang thang sẽ được học nghề, tạo công ăn việc làm và hướng thiện cho hàng trăm người ngay trong trung tâm.

“Mái ấm” này cũng luôn rộng cửa đón nhận không chỉ trẻ em khuyết tật mà cả những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như người già không nơi nương tựa, phụ nữ bị bạo hành gia đình... Cứ mỗi khi nghe tin ở đâu có những phận đời cùng khổ, thầy Trần Duyên Hải lại cùng các cán bộ của Trung tâm Dạy nghề Nhân đạo và việc làm lại khăn gói lên đường tìm đến để sẻ chia, giúp đỡ.

Theo GiaDinhVietNam