Biết ngắt bộ phận này trong hoa bưởi thì món ăn thơm ngon sang quý gấp bội phần

Rất nhiều người ca thán vì không làm làm sao món ăn với hoa bưởi thơm ngon, sang quý được như nhà hàng. Đó là vì họ đã dùng hoa bưởi sai cách, quên ngắt bỏ bộ phận này trong bông hoa khiến giảm mất rất nhiều tinh túy.

Cách chọn và sơ chế hoa bưởi

Trước tiên phải biết chọn hoa bưởi tươi tốt, có nguồn gốc hữu cơ, sạch, hái trong ngày. Ưu tiên chọn những bông hoa mới chớm nở, có màu trắng trong, cứng cáp, đài to, tươi tắn vì đang độ căng tròn nên lưu giữ hương thơm nhất.

Tránh chọn những bông hoa cánh uốn quá cong - bởi đó là những bông đã nở từ hôm trước, hương không lưu nhiều.

Cũng không chọn hoa ngày mưa vì cánh hoa bị giập, đầy nước nên mất mùi hương.

biet-ngat-bo-phan-nay-trong-hoa-buoi-thi-mon-an-thom-ngon-sang-quy-gap-boi-phan

Hoa bưởi làm được nhiều món ngon thanh mát, tinh tế. Ảnh minh họa.

Bí quyết để các món ăn từ hoa bưởi thơm ngon, thanh mát, sang quý nằm ở khâu sơ chế hoa bưởi. Nếu có được những bông hoa bưởi hái lúc sớm mai là quý nhất, bởi lúc đó hương thơm đượm nhất.

Còn mua hoa bưởi thì về sơ chế ngay. Chỉ lấy cánh hoa, còn ngắt bỏ hết lá, cuống, nhụy - bởi những phần này nhiều nước, nếu tiếc của cho vào thì sẽ làm vị món ăn bị đắng. Nếu ướp trà thì sẽ dễ bị thiu, để lâu sẽ mốc. Kể cả làm siro mà quên bỏ lá cuống nhụy đi thì siro cũng bị đắng, khó uống hơn.

Vậy đó, chỉ cần biết ngắt bộ phận nhụy hoa, cuống hoa và lá, chỉ lấy mỗi cánh hoa bưởi để chế biến thì món ăn sẽ thơm ngon, sang quý gấp bội phần

Sau đó rửa cánh hoa bưởi bằng nước sôi để nguội, có pha chút muối loãng. Rửa cánh hoa nhẹ nhàng để cánh hoa không bị giập nát, và lưu giữ được hương thơm. Rồi tráng lại bằng nước đun sôi để nguội lần nữa để giảm độ mặn, vớt ra rổ để ráo.

Cánh hoa bưởi được làm nhiều món ngon như ướp bột sắn dây, chưng tinh dầu hoa bưởi, nấu chè, tào phớ, làm bánh... và món quà đặc biệt giản dị đầy thương của người Hà Nội là mía ướp hoa bưởi.

Sau đây là cách làm một số món ăn thơm ngon thanh mát, sang quý từ hoa bưởi:

Cách làm siro tinh dầu hoa bưởi

Nguyên liệu chính là Hoa bưởi và đường.

Chuẩn bị lọ/hũ thủy tinh rửa sạch, tráng nước sôi rồi úp ngược cho khô.

Lần lượt cho 1 lớp hoa bưởi và 1 lớp đường xen nhau theo tỷ lệ 1:1 (có thể cho đường nhiều hơn), và trên cùng cần phủ một lớp đường. Đậy nắp kín và cất lọ/ hũ đường hoa bưởi vào chỗ sạch mát.

Sau 10-15 ngày thì tinh dầu hoa bưởi tiết ra, quyện sánh với đường thành siro hoa bưởi và có vị hơi đắng (là tinh dầu hoa bưởi), rất tốt để giải cảm, thanh nhiệt.

Lọc nước bỏ bã, lấy siro chắt vào chai/lo và cất vào ngăn mát tủ lạnh để dùng quanh năm cho chè, tào phớ, nước uống.

biet-ngat-bo-phan-nay-trong-hoa-buoi-thi-mon-an-thom-ngon-sang-quy-gap-boi-phan

Nước hoa bưởi được dùng làm món ăn, đồ uống quanh năm. Ảnh minh họa.

Hoa bưởi ướp mật ong

Nguyên liệu

- Mật ong rừng nguyên chất.

- Hoa bưởi (ít hơn mật - để lấy mùi hương và tinh dầu từ hoa bưởi).

Cách làm

Cho hoa bưởi vào lọ thủy tinh sạch, đổ mật ong vào ngâm 7-10 ngày là hoa se lại. Có thể vớt bỏ cánh hoa, hoặc để lại trong lọ, rồi bỏ vào ngăn mát tủ lạnh dùng dần. Mật ong ngâm hoa bưởi có công dụng trị viêm họng, tiêu đờm. Hoặc dùng pha nước ấm, pha trà đều rất tốt.

Mía ướp hoa bưởi

Đây là món ăn độc đáo, thanh mát đầy thương nhớ của người Hà Nội.

Cách 1 làm như sau:

- 1 cây mía tím bóng khỏe, nặng tay, không quá già, nhưng không quá non. Ngon ngọt mềm nhất là khúc mía ở đoạn giữa cây.

Róc vỏ mía, cắt khúc, cho vào hộp.

- 1 bó hoa bưởi khoảng 200g, sơ chế sạch, cho lẫn vào hộp mía để ướp hương.

Cách 2:

- Róc vỏ mía, tiện thành những khẩu nhỏ rồi chẻ tư vừa ăn, cho vào túi zip hoặc hộp.

- Rải một lớp mía rồi tới lớp hoa cánh hoa bưởi cho tới hết.

- Đậy nắp hộp, cho vào tủ lạnh ướp mát khoảng 1 giờ thì bỏ ra ăn. Hương hoa bưởi dịu dàng ngấm sâu quyện với vị ngọt thanh của mía tạo nên dư vị ngọt ngào, tinh tế, cảm giác thanh mát rất dễ chịu.

Mía chưng hoa bưởi

Nguyên liệu vẫn là mía và hoa bưởi.

Thêm nước sạch.

Mía cũng chẻ nhỏ 4 miếng vừa ăn, cho vào thố, cứ 1 một lớp mía xen 1 lớp cánh hoa bưởi cho đến hết.

Đổ nước sạch xâm xấp (các cụ xưa hay dùng nước mưa tự nhiên), đậy nắp kín, rồi bỏ thố vào nồi nước, chưng khoảng 30-35 phút thì tắt bếp và cứ để om trong nồi để mía và hương bưởi quyện vào nhau sâu hơn.

Mía chưng hoa bưởi ngọt thơm, là món ăn chơi hay nhâm nhi cùng trà mạn rất hợp vị, tao nhã, và tinh tế của người Hà Nội.

biet-ngat-bo-phan-nay-trong-hoa-buoi-thi-mon-an-thom-ngon-sang-quy-gap-boi-phan

Tết Hàn thực bánh trôi, bánh chay được làm với nước hoa bưởi rất thơm. Ảnh minh họa.

 

Hoa bưởi ướp sắn dây

Sắn dây là một trong những thức uống phổ biến của mùa hè sẽ rất thơm mát hơn nếu ướp qua với hoa bưởi.

Bột sắn dây sau khi phơi, hoặc sấy khô đạt đến 80% thì bắt đầu hái hoa bưởi.

Sắn dây sau khi phơi nắng già cho vào túi nilông.

Hoa bưởi sau khi rửa sạch, để ráo thì cho cùng vào túi sắn dây, buộc kín lại.

Hoa bưởi ướp sắn dây cũng phải tách cánh hoa ra khỏi đài và nhụy (để không bị đắng và làm hỏng màu trắng tinh của bột sắn).

Trộn đều cánh hoa bưởi với bột sắn dây, đem sấy hoặc phơi thêm đến khi đạt đủ độ khô. Hương thơm của hoa bưởi sẽ quyện vào từng viên sắn dây trắng tinh thơm rất lâu.

Không nên cho hoa bưởi tươi vào bột sắn khô, vì sẽ làm cho bột sắn bị ẩm mốc.

Tào phớ hoa bưởi

Bát tào phớ giản dị làm từ đậu nành trắng ngần, thêm thạch, trân châu nhân dừa thơm ngon, quyện cùng nước đường thơm lừng hương bưởi quả thực lay động lòng người.

Nước đường hương hoa bưởi có cách làm không quá phức tạp. Bạn chuẩn bị một lọ thủy tinh sạch, rải 1 lớp hoa bưởi tươi (đã rửa sạch) bên dưới rồi đến 1 lớp đường phủ kín. Cứ làm thế đến khi đầy lọ thì cất đi. Đợi đường tan ra mang cho thêm vào nước đường chan chung với tào phớ là ngon.

Bánh trôi hương bưởi

Ngày 3-3 âm lịch hằng năm còn diễn ra ngày Tết Hàn thực, người Việt thường làm bánh trôi bánh chay để ăn. Tết Hàn thực đúng mùa hoa bưởi, nên bánh trôi thơm nức hương hoa bưởi.

Các bước nặn bánh trôi chay như cổ truyền.

Chỉ khác là nước luộc được thả hoa bưởi vào nấu.

Thành phẩm vị ngọt thanh, thơm mát hoa bưởi rất ngon.

Chè hạt sen hoa bưởi

700g nhãn lồng hoặc nhãn xuồng (chọn loại có cơm dày)

60g hạt sen khô hoặc tươi

150g đường phèn, vài lá bưởi non và tươi, ít hoa bưởi vừa nở.

Nhãn bóc vỏ (dùng đầu nhọn dao nhỏ tách hạt cẩn thận không để rách to, bởi rách to là không cho hạt sen vào được.

Hạt sen rửa sạch, bỏ tim sen.

Lá và hoa bưởi rửa sạch.

Cho hạt sen, hoa và lá bưởi vào nồi nước đun sôi 30-40 phút tới khi hạt sen chín mềm mà không nát, bưởi cũng ra hương thơm mà không đắng.

Vớt bỏ lá và hoa bưởi.

Cho đường phèn nấu tan với ít nước trong một nồi khác rồi đổ vào nồi hạt sen. Đợi hạt sen thấm đường, vớt hạt sen ra thố. Để nồi nước đường qua một bên.

Nhồi hạt sen vào trong quả nhãn.

Đun sôi lại nồi nước đường rồi cho nhãn đã lồng hạt sen vào đun 2 phút thì nhấc ra, để nguội rồi cho vào tủ lạnh. Nên ăn mát và có thể cho thêm vài viên nước đá. Thành phẩm hạt sen mềm bùi, nhãn giòn không nát, nước chè ngọt dịu, thoảng hương bưởi thanh tao, tinh tế.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ hoa bưởi:

Khai tâm tỉnh tỳ:

Hoa bưởi và hoa sen mỗi thứ 10 gram chưng với trà uống có thể khai tâm tỉnh tỳ. Hoa bưởi 12 gram chưng với trà uống giúp tiêu khí trệ, trị ngáp vặt.

Tiêu đờm, thông đại tiện

Hoa bưởi 4 gram, hoa đậu 1 bát, nước gừng 1/2 thìa, đường phèn 1 thìa.

Hoa bưởi rửa sạch cho vào nồi đun khoảng 10 phút sau đó bỏ bã lấy nước. Cho tiếp nước gừng, đường, hoa đậu vào đun sôi kỹ rồi tắt bếp, múc ra ăn.

Chữa đau dạ dày

Hoa bưởi 5gr, đường phèn 1 thìa nhỏ cho vào nồi với 200ml nước.

Đun sôi 5 phút thì cho thêm đường vào rồi đun tiếp một lúc thì tắt bếp.

Lấy nước đó dùng như uống trà hàng ngày.

Theo GiaDinh