Bị đánh hội đồng, nạn nhân sẽ chấn thương tinh thần nặng nề thế nào?

Liên tiếp những vụ học sinh bị đánh hội đồng xuất hiện trên mạng xã hội. Mới nhất, một nữ sinh lớp 7 ở Nghệ An bị nhóm bạn bắt quỳ gối để đánh, tát, chửi.

Khi sự việc một nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị bạn cùng lớp lột đồ, đánh hội đồng đến mức phải nhập viện tâm thần chưa lắng xuống thì ngày 1/4, lại có thêm một nữ sinh lớp 7 ở Nghệ An cũng bị bạn đánh, chửi.

Chiều 1/4, trao đổi với PV Gia đình & Xã hội, ông Mai Ngọc Long - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu (Nghệ An), cho biết đơn vị này đã nắm được thông tin, sự việc xảy ra vào chiều ngày 31/3.

bi-danh-hoi-dong-nan-nhan-se-chan-thuong-tinh-than-nang-ne-the-nao

Nữ sinh Nghệ An bị bạn đánh hội đồng. Ảnh cắt từ clip

"Có 5 học sinh lớp 7, lớp 8 của Trường THCS Diễn Kim và 2 em học sinh Trường THCS Diễn Hùng rủ nhau ra bãi biển thuộc địa bàn xã Diễn Hùng để chơi.

Lúc này, một em học sinh lớp 7 của trường THCS Diễn Hùng xảy mâu thuẫn với nhóm bạn và bị 3 bạn trong nhóm bắt quỳ gối và tát vào mặt" - ông Long nói.

Bạo lực học đường từ đâu ra?

​PGS.TS tâm lý học Phạm Mạnh Hà cho rằng bạo lực bắt nguồn từ chính gia đình - là nơi giáo dục nhân cách cho trẻ và nhiều khi người lớn coi hành vi bạo lực của trẻ là "bình thường" nên thường bỏ qua.

Theo TS Hà, một đứa trẻ có tính cách bạo lực xuất phát từ giáo dục của gia đình như thế nào. Cùng đó là sự buông lỏng quản lý của nhà trường và sự coi nhẹ của người lớn với hành động xung đột của trẻ.

bi-danh-hoi-dong-nan-nhan-se-chan-thuong-tinh-than-nang-ne-the-nao
 

Theo PGS Hà, bạo lực giống như là hành vi có tính bản năng của con người. Từ khi con người sinh ra, bạo lực là cách thức để tồn tại được trong môi trường đầy rủi ro, khó khăn.

Nhưng trong xã hội ngày nay, dường như các em thấy không còn an toàn cho chính bản thân, nếu không có giáo dục tốt từ gia đình, định hướng tốt từ nhà trường, các em sẽ thấy bạo lực là cách tốt và nhanh nhất giải quyết các xung đột mâu thuẫn trong cuộc sống.

Phân tich kỹ hơn về chuyện chính người lớn đã làm gương cho trẻ hành vi bạo lực, vị chuyên gia tâm lý này cho rằng cha mẹ khi giao tiếp với con đã dùng quyền làm cha mẹ, quyền người lớn, bắt con làm, nghe theo mà không có chia sẻ, trao đổi, tôn trọng ý kiến con. Cùng đó, chính cha mẹ dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống.

"Trong gia đình, trẻ nhìn thấy cha mẹ dùng bạo lực giải quyết các mâu thuẫn có hiệu quả, nên các em (cả gái và trai) học theo" - TS Hà nêu quan điểm.

Ở nhiều nước, khi con ở tuổi vị thành niên, nếu con phạm tội, cha mẹ phải bồi thường và chịu sự trừng phạt nặng nề của pháp luật chứ không thể vô can. Đã đến lúc Việt Nam cần có những hinh thức xử lý nghiêm minh với cha mẹ không có hình thức giáo dục phù hợp với con cái.

PGS.TS tâm lý học Phạm Mạnh Hà

Cha mẹ nếu thường có hành vi ủng hộ bạo lực qua việc xem phim, bình luận, trao đổi những câu chuyện có liên quan đến bạo lực trong cuộc sống mà lại có xu hướng ủng hộ sẽ tiêm nhiễm vào đứa trẻ. Từng bước, đứa trẻ sẽ dùng bạo lực với con vật trong nhà, bạn bè và người xung quanh.

Điều quan trọng là nhiều khi cha mẹ không ý thức được việc mình làm đã "nêu gương" nên trẻ học tất cả hành vi đó.

"Các hành vi bạo lực các em có từ nhỏ, sau này rất khó sửa" - TS Hà khẳng định.

Rất đồng cảm với việc nữ sinh bị đánh hội đồng phải nhập viện tâm thần, GS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức - Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Bệnh viện 103, cho biết, khi bị tấn công hội đồng, ngoài đau ở cơ thể, tổn thương lớn hơn với một nữ sinh là tinh thần.

"Trước hết là sự sợ hãi, xấu hổ vì bị đánh, bị lột quần áo trước đám đông. Ở mức độ cao hơn và rất dễ xảy ra, nạn nhân sẽ rơi vào tình trạng chấn thương tâm thần nặng" - GS Đức cho biết và nêu quan điểm, hậu quả sự việc có thể còn kéo dài, cần có thời gian để hồi phục.

Theo GS Đức, người bị bạo hành dễ bị ám ảnh trong thời gian dài, thậm chí cả đời. Những di chứng tâm lý từ việc bị bạo hành làm các em mất niềm tin vào cuộc sống, tình yêu thương. Sau này, nạn nhân có thể trở thành người nóng nảy hoặc có những trở ngại về giao tiếp.

Chính cha mẹ cần điều chỉnh hành vi của mình để không tiêm nhiễm cho con hành vi bạo lực. "Điều này không khó" - TS Hà khẳng định và gợi ý 2 cách để hạn chế bạo lực trong gia đình:

(1) Khi nảy sinh mâu thuẫn trong giao tiếp với con, cha mẹ phải biết kiềm chế cảm xúc, hãy chậm lại, hít thở sao cho cơn giận qua đi, từ đó tư duy lý trí mới giải quyết được mâu thuẫn một cách hoà bình.

(2) Cha mẹ phải là người luôn thực hành hành vi không bạo lực để không tiêm nhiễm cho con.

Theo GiaDinh