Bệnh nhân tim mạch cần lưu ý những điều này để sống khoẻ trong đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã gây nên mối đe dọa thật sự cho các bệnh nhân lớn tuổi, đặc biệt là những người có sẵn bệnh lý nền, trong đó có bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, những người có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao nhất bao gồm những người trên 60 tuổi và những người mắc bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, bệnh hô hấp mạn tính và ung thư.

benh-nhan-tim-mach-can-luu-y-nhung-dieu-nay-de-song-khoe-trong-dai-dich-covid-19

Nguồn: WHO, EpiCento - Istituto Superiore di Sanità/ chuyên trang www.ngaydautien.vn/covid19

Chính phủ và các chuyên gia y tế đã đưa ra những lời khuyên đặc biệt nhằm phòng chống dịch COVID-19 cho người lớn tuổi và các bệnh nhân có nguy cơ cao.

Người bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường cần ý thức tuân thủ theo các hướng dẫn đó nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, đồng thời phòng, chống lây lan dịch bệnh.

Theo TS.BS Trần Thị Hải Hà – Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu Nghị, những người mắc bệnh tim có xu hướng mắc các bệnh tiềm ẩn khác như tăng huyết áp, tăng cholesterol, đái tháo đường… Những căn bệnh này làm suy yếu hệ thống phòng vệ sức khỏe của cơ thể (bao gồm cả hệ thống miễn dịch) chống lại nhiễm virus.

Nếu người mắc bệnh tim bị sốt hoặc bị viêm phổi do đại dịch COVID-19 sẽ gây thêm căng thẳng cho trái tim. Thêm vào đó, tình trạng viêm do nhiễm trùng có thể làm hỏng niêm mạc mạch máu. Do đó, bệnh nhân có bệnh lý về tim mạch cần bảo vệ sức khỏe, tăng sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh cả nước cùng chung tay phòng chống dịch COVID-19 này.

TS.BS Trần Thị Hải Hà khuyến cáo, người mắc bệnh tim riêng và các bệnh lý mạn tính (như bệnh tim, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm...) nói chung cần lưu ý:

– Không nên tham gia các lễ hội, du lịch hoặc đến những nơi đông người.

– Nếu người già, người mắc bệnh mạn tính đang nằm viện thì người thân nên hạn chế đến thăm, để tránh mang theo virus lây bệnh.

benh-nhan-tim-mach-can-luu-y-nhung-dieu-nay-de-song-khoe-trong-dai-dich-covid-19

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bệnh tim mạch tại Bệnh viện Hữu Nghị. Ảnh: BVCC

– Duy trì các điều trị thường quy như uống thuốc, thăm khám đúng lịch, đúng hướng dẫn của nhân viên y tế. Bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp… cần uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Nếu phải đến bệnh viện, nhất thiết phải đeo khẩu trang và thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của cơ sở y tế.

– Tránh xa các nguồn lây nhiễm bệnh, những người có triệu chứng ho, sốt, khó thở…

TS. Hải Hà cũng tư vấn người dân cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế như đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch bằng xà phòng/dung dịch sát khuẩn; thường xuyên sát khuẩn bề mặt, nâng cao sức đề kháng của cơ thể... Cần chú ý:

1. Tập thể dục thường xuyên, vừa sức, phù hợp từng bệnh nhân

Những bài tập thể dục nhẹ nhàng, ví dụ như đi bộ nhanh, giúp kích thích các tế bào bạch cầu hoạt động tốt hơn, giải phóng hormone endorphin có khả năng giảm đau, giảm căng thẳng và ngủ ngon hơn, từ đó cải thiện khả năng miễn dịch. Khi đi tập, đi ra nơi công cộng, cần thực hiện những biện pháp phòng dịch bệnh được Bộ Y tế khuyến cáo như đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân.

2. Ăn uống lành mạnh, đa dạng, đủ dưỡng chất

Dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng giúp hệ miễn dịch và sức đề kháng hoạt động tốt. Bên cạnh rau củ và trái cây giàu vitamin cũng như chất chống oxy hóa, tỏi và một số loại nấm cũng có công dụng kháng sinh, tăng cường sức đề kháng.

3. Ngủ đủ giấc

Ngủ giúp ngăn chặn các tế bào khỏi bị tổn hại và suy yếu. Thiếu ngủ sẽ khiến cơ thể mệt mỏi và dễ mắc bệnh hơn. Một giấc ngủ sâu và đủ được xem như liều thuốc chữa bệnh tuyệt vời cho cơ thể con người.

4. Không căng thẳng quá mức

Khi căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra các hormone như cortisol và adrenaline làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Căng thẳng trong một thời gian dài khiến con người dễ mắc các bệnh từ thông thường cho đến nghiêm trọng hơn, bao gồm tim mạch và tăng huyết áp. Thực hành thiền hoặc tập yoga là cách để giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

5. Không lạm dụng bia rượu và chất kích thích

Uống rượu với số lượng nhất định có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe. Nhưng nếu lạm dụng rượu bia và chất kích thích sẽ gây ức chế chức năng của các tế bào bạch cầu, làm giảm sức đề kháng và suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể.

Theo GiaDinh