Bé 3 tuổi hôn mê sau cơn sốt nhẹ, cha mẹ không ngờ con mắc loại bệnh đặc biệt nguy hiểm do virus

Ban đầu chỉ là cơn sốt nhẹ, bé N được bố mẹ đưa đến phòng khám tư chẩn đoán viêm amidan, kê toa thuốc kháng sinh nhưng không đỡ, sốt cao hơn, nôn nhiều...

Ba ngày sau, bé P.N.N (3 tuổi) sốt cao hơn, mệt nhiều hơn, ăn uống kém, nôn. Đêm trước ngày vào viện trẻ quấy khóc, khát nước, uống nước liên tục và đi tiểu rất nhiều lần. Rạng sáng, trẻ lơ mơ, mất ý thức, gọi hỏi không biết, cha mẹ đưa trẻ vào Trung tâm Y tế huyện trong tình trạng hôn mê. Trẻ được cấp cứu, đặt ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.

3 lần ngừng tim ngay sau khi vào viện

Khi đến viện, trẻ hôn mê sâu, glucose máu rất cao, rối loạn điện giải nặng, chẩn đoán ban đầu là hôn mê do nhiễm toan ceton đái tháo đường. Hai giờ sau, trẻ bắt đầu rối loạn nhịp tim, xuất hiện những cơn rung thất và ngưng tim ba lần, các bác sĩ nỗ lực ép tim, sốc điện, tim bé mới đập trở lại. Ê kíp chẩn đoán trẻ bị viêm cơ tim cấp, lọc máu liên tục, sử dụng các loại thuốc trợ tim, vận mạch điều trị tối ưu.

BS Cao Việt Hưng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, chia sẻ, bé N được lọc máu liên tục trong 7 ngày, các y bác sĩ túc trực 24/24. "Có những lúc chúng tôi tưởng chừng như không còn hy vọng vì đến ngày lọc máu thứ 5 mà khả năng co bóp cơ tim của bé vẫn rất kém, thận cũng chưa hoạt động trở lại", BS Hưng nói.

be-3-tuoi-hon-me-sau-con-sot-nhe-cha-me-khong-ngo-con-mac-loai-benh-dac-biet-nguy-hiem-do-virus

Bé N trong những ngày được thực hiện siêu lọc máu tại bệnh viện.

May mắn, khi sang ngày lọc máu thứ 6, bé đã có một chút nước tiểu. "Chúng tôi còn đùa vui rằng chưa bao giờ mà nhìn giọt nước tiểu lại lung linh đến thế", vị bác sĩ chia sẻ.

Các chỉ số sinh tồn của bé tốt lên, chức năng tim bắt đầu cải thiện rõ rệt. Bác sĩ giảm các thuốc hỗ trợ cho bé. 2 ngày sau bé được cai máy thở và rút ống nội khí quản. Ngày 23/9, sau khoảng ba tuần điều trị tích cực, sức khỏe của trẻ ổn định, có thể xuất viện.

Viêm cơ tim cấp đặc biệt nguy hiểm nhưng triệu chứng khởi phát dễ lẫn cúm sốt thường

Theo các bác sĩ, thời điểm tháng 6-9 hàng năm, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi cho các loại virus và các bệnh truyền nhiễm phát triển. Một số bệnh như viêm não, viêm cơ tim, sốt do virus cũng phát triển rất mạnh vào mùa này. Trong đó, viêm cơ tim do virus là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây ra những tổn thương rất nặng nề và tỉ lệ tử vong rất cao.

"Viêm cơ tim cấp đặc biệt nguy hiểm nhưng triệu chứng ban đầu không đặc hiệu và dễ lẫn với cúm sốt thông thường" - BS Hưng cho hay.

Điều đáng nói là không phải bệnh nhi nào cũng có những biểu hiện viêm cơ tim ngay từ khi khởi phát triệu chứng sốt. Có những trẻ bị sốt kéo dài 4-5 ngày đầu hoàn toàn bình thường, trẻ vẫn ăn uống được, chơi ngoan cho đến ngày thứ 5, thứ 6 mới biểu hiện bệnh rõ rệt.

Vì vậy, cha mẹ, người chăm sóc trẻ có thể dễ nhầm lẫn với các bệnh lý cảm sốt thông thường khác nên tự mua thuốc về điều trị cho trẻ. Chỉ khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu nặng nề mới đưa trẻ đến bệnh viện dẫn đến việc điều trị chậm trễ, khó khăn.

Nguyên nhân gây bệnh viêm cơ tim chủ yếu là do virus, trong đó thường gặp nhất là do virus coxsackie B. Một số loại virus khác như virus gây cảm lạnh thông thường (adenovirus), parvovirus B19 (virus gây sốt phát ban), virus herpes (gây bệnh thủy đậu, zona thần kinh), echovirus (virus gây nhiễm trùng đường tiêu hóa), hay virus rubella (gây bệnh sởi) cũng là nguyên nhân tiềm tàng của viêm cơ tim.

Các trường hợp viêm cơ tim ở trẻ nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sau phục hồi sẽ không để lại di chứng. Nhưng ngược lại, nhiều trường hợp nặng, phát hiện bệnh muộn, nguy cơ để lại biến chứng suy tim hoặc rối loạn nhịp tim, thậm chí có nguy cơ tử vong cao.

Phòng ngừa viêm cơ tim ra sao?

Để có thể phòng ngừa, hạn chế nguy cơ xảy ra tình trạng viêm cơ tim cấp ở trẻ, các bác sĩ khuyến cáo bố mẹ cần cho trẻ ăn uống khoa học, đủ dinh dưỡng và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng; hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người lớn hay những trẻ khác đã mắc bệnh liên quan đến siêu vi như cảm cúm, quai bị, rubella,… Đồng thời cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, đặc biệt là các mũi tiêm chủng bạch hầu, cúm, quai bị, rubella.

Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường như sốt, khó thở, tim đập nhanh hơn bình thường hoặc trẻ quấy khóc, bỏ ăn,… cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc điều trị tại nhà bởi các bệnh lý nguy hiểm có thể diễn biến nặng rất nhanh, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Theo GiaDinh