Bát nước chấm ở giữa mâm cơm: Thói quen lâu năm nhưng rước bệnh tật ít ai ngờ!

Thói quen ăn uống không hợp lý là 1 trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến tử vong và gánh nặng bệnh, nhiều thói quen ăn uống tưởng vô hại nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật.

Người Việt ăn mặn

Các bác sĩ cho rằng, duy trì được một chế độ ăn lành mạnh trong suốt cuộc đời sẽ giúp phòng tránh được suy dinh dưỡng ở tất cả các thể, bao gồm cả thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm (tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, gout…)

Theo định nghĩa mới nhất năm 2018 của Tổ chức Y tế thế giới, một chế độ ăn lành mạnh cần có nhiều quả chín, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, chất xơ, đậu đỗ, hạn chế các thành phần như: đường tự do, các thức ăn vặt và đồ uống có đường, thịt chế biến sẵn và muối.

Một chế độ ăn lành mạnh, các chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa sản xuất công nghiệp cần phải được thay thế bằng chất béo chưa bão hòa.

Theo PGS Lê Bạch Mai - Nguyên Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia một trong những thói quen phổ biến của người Việt bao đời nay luôn đặt một bát gia vị mặn như: nước mắm, xì dầu hay còn gọi là nước tương, bột canh, muối tiêu... trên mâm cơm hay trên bàn ăn.

Hơn nữa, món gia vị này lại thường được đặt ở vị trí trung tâm của mâm cơm, tuy nhỏ và không phải món ăn chính nhưng dường như lại không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày đối với mỗi gia đình.

bat-nuoc-cham-o-giua-mam-com-thoi-quen-lau-nam-nhung-ruoc-benh-tat-it-ai-ngo

Thói quen dùng nước chấm, gia vị chấm không tốt cho sức khoẻ.

Không chỉ có bữa ăn trong gia đình dùng gia vị mà ngay cả ăn hoa quả người Việt cũng phải có tý muối để chấm. Điều này vô tình nạp thêm lượng muối từ bên ngoài vào cơ thể. Trong khi đó 1 người chỉ cần 5 gram muối mỗi ngày bao gồm và muối trong các món ăn, muối có sẵn ở thực phẩm ăn liền nên việc chấm thêm muối, nước chấm lượng muối tăng gấp 2, 3 lần cho phép.

PGS Mai cảnh báo, ăn thừa muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ung thư dạ dày, loãng xương, sỏi thận …

Hiện nay, đa số người dân đều ăn thừa muối từ 2 đến 3 lần so với nhu cầu khuyến nghị là 5 gam muối/ngày.

Do vậy cần chú ý giảm các loại gia vị mặn chứa nhiều muối được cho vào trong quá trình nấu ăn

- Hạn chế ăn các món kho, rim, rang

- Hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối như giò, chả, xúc xích, thịt xông khói, mì ăn liền, bánh mì, bim bim, các món ăn rang muối, dưa cà muối, cá khô...

- Hạn chế chấm nước mắm, muối, bột canh, tốt nhất là khi ăn các loại nước chấm thì nên pha loãng, dùng thêm các gia vị khác như chanh, ớt, tỏi để tăng vị giác bù cho vị mặn bị bớt đi.

Nên sử dụng muối và bột canh có iốt để phòng chống bướu cổ, thiểu năng trí tuệ và các rối loạn khác do thiếu iốt.

Cách ăn nhạt

TS Đỗ Thị Phương Hà – Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ, cách giảm muối trong bữa ăn như sau:

Thứ nhất, hãy tập thói quen không để bát nước chấm, gia vị trên mâm cơm, nhất là khi trong bữa ăn của chúng ta toàn các món đã chế biến đậm đà với các gia vị mặn rồi.

Thứ hai, hãy pha loãng bát nước mắm của mình trước khi ăn. Bạn cũng có thể dùng các gia vị khác như chanh, tỏi, tiêu, ớt … để giúp tăng cảm giác ngon miệng, bù lại việc giảm sự ngon miệng do giảm vị mặn mà bạn đã quen thuộc lâu nay.

Thứ ba, nếu vẫn muốn chấm đồ ăn vào gia vị mặn trước khi ăn thì bạn nên chấm nhẹ, không nên dìm cả miếng thịt, gắp rau ngập sâu vào bát nước chấm rồi thâm chí còn lật đi, lật lại nhiều lần để cho ngấm đẫm nước chấm trước khi ăn.

Thứ tư, bạn cũng nên hạn chế thói quen chan nước mắm, nước kho thịt, kho cá vào cơm khi ăn vì các loại nước này cũng chứa một lượng muối đáng kể.

Thứ năm, hãy bỏ thói quen chấm trái cây vào các loại muối ớt, muối tiêu, muối tôm, muối ô mai, bột canh … khi ăn.

Hãy thực hiện việc giảm ăn muối và các gia vị có nhiều muối trong khi ăn, cùng với việc hạn chế cho thêm muối và các gia vị này khi chế biến và lựa chọn thực phẩm ít muối sẽ giúp chúng ta có chế độ ăn lành mạnh ít muối đề phòng chống tăng huyết áp và các bệnh mạn tính liên quan.

Theo Tri thức trẻ