Bất ngờ doanh số bán thuốc nhuộm tóc, mỹ phẩm tăng vọt tại Trung Quốc

Nhiều khách hàng Trung Quốc có nhu cầu mua các sản phẩm làm đẹp nhiều hơn khi phải ở nhà trong bối cảnh dịch Covid-19. Doanh số mỹ phẩm ở nước này đã tăng vọt trong quý I.

Tập đoàn mỹ phẩm L'Oreal mới đây cho biết doanh thu quý I tại Trung Quốc tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong lúc nhiều doanh nghiệp khác đang lao đao vì đại dịch. Cùng lúc đó, doanh số bán hàng trên toàn thế giới giảm 4,8% trong 3 tháng đầu năm.

Sở hữu hàng chục thương hiệu làm đẹp từ chăm sóc da, chăm sóc tóc, trang điểm và nước hoa, L'Oreal cho biết doanh số bán hàng trực tuyến đã tăng vọt ở Trung Quốc.

“Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn có nhu cầu lớn với các sản phẩm làm đẹp trong thời gian dịch bệnh”, CNN dẫn lời Chủ tịch và Giám đốc điều hành L'Oreal, ông Jean-Paul Agon.

bat-ngo-doanh-so-ban-thuoc-nhuom-toc-my-pham-tang-vot-tai-trung-quoc
 

Nhân viên giao hàng tại Trung Quốc đang phân phối các kiện hàng để giao cho người mua. Ảnh: Jeffrey Towson.

Hiện tại, Trung Quốc đang dần mở cửa lại nền kinh tế, hứa hẹn nhu cầu bùng nổ mạnh trong quý II. Ngoài tín hiệu tích cực của L'Oreal, Starbucks và Volkswagen cũng đã công bố kế hoạch hoạt động trở lại.

"Trải nghiệm ở Trung Quốc khá thú vị và đáng để thử so với các thị trường khác trên thế giới. Những gì chúng ta thấy được ở Trung Quốc là tốc độ phục hồi khá nhanh chóng của việc tiêu thụ các sản phẩm làm đẹp”, Chủ tịch L'Oreal nhận định.

Vị này cũng cho biết thêm rằng đại dịch không phải là cuộc khủng hoảng nhu cầu, mà là một cuộc khủng hoảng nguồn cung. Người tiêu dùng thực sự mong muốn mua các sản phẩm làm đẹp nhưng không thể vì các cửa hàng đã đóng cửa.

Lượng tiêu thụ các sản phẩm chăm sóc da và chăm sóc tóc, đặc biệt là thuốc nhuộm tóc, tăng đáng kể khi phụ nữ không thể đến tiệm làm tóc trong lúc này. Theo thống kê, doanh số bán thuốc nhuộm tóc tại nhà tăng 50% từ khi các tiệm tóc đóng cửa do dịch bệnh.

Theo một báo cáo hồi năm 2013, doanh số của các sản phẩm làm đẹp như sơn móng tay, thuốc nhuộm tóc, mascara, đến socola cao cấp, kem và bánh kẹo... có xu hướng tăng trong thời kỳ suy thoái vì người tiêu dùng thường tìm đến sự thoải mái bằng những sở thích và hành động nhỏ.

Kể từ khi dịch Covid-19 có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) lan mạnh trên toàn cầu, chỉ riêng tại thị trường Trung Quốc, chi tiêu bán lẻ giảm 19% trong 3 tháng đầu năm.

Trong khi đó, các tập đoàn xa xỉ như Louis Vuitton và Hennessy vốn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc, cho biết doanh thu giảm 15% trong quý đầu năm xuống còn 11,6 tỷ USD do dịch bệnh.

Theo Zing/Giadinh