Báo động tình trạng phụ nữ và trẻ em mất an toàn ở nhiều hoàn cảnh

Phụ nữ và trẻ em đang mất đi sự an toàn ở nhiều hoàn cảnh, không gian khi số vụ bạo lực, xâm hại tình dục, dâm ô… ngày càng tăng với mức độ phức tạp.

bao-dong-tinh-trang-phu-nu-va-tre-em-mat-an-toan-o-nhieu-hoan-canh

Tranh minh họa: Internet

Trẻ em và phụ nữ chưa thực sự được an toàn

Nằm trong chuỗi các sự kiện hướng đến ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và thực hiện chủ đề năm 2019 về “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” do Hội LHPN Việt Nam phát động, mới đây Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức buổi Hội thảo “Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em - khuyến nghị chính sách”.

Bản chất một không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái là nơi họ có thể tới bất kỳ khi nào với cảm giác an toàn, được trao quyền và có thể tiếp cận thông tin, giáo dục, hoạt động giải trí, hỗ trợ, dịch vụ. Không gian an toàn không chỉ trong gia đình mà còn ở nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội, về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, an toàn trong môi trường mạng; an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phát biểu tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh rằng, sự mất an toàn cho mọi người, trong đó có phụ nữ và trẻ em đang xảy ra với mức độ ngày càng tăng ở nhiều địa điểm, không gian khác nhau với phụ nữ và trẻ em. Cụ thể, ở những nơi công cộng, nếu không được bảo vệ, trẻ em gái thường gặp nhiều rủi ro, trong đó nguy cơ bị quấy rối tình dục là vấn đề đáng lo ngại nhất.

Đơn cử như không gian mất an toàn trên các phương tiện giao thông. Nghiên cứu mới đây nhất của TPHCM cho thấy, xe buýt là phương tiện mất an toàn hàng đầu cho phụ nữ và trẻ em gái. Cứ 10 phụ nữ được hỏi thì họ đều khẳng định đã thấy, chứng kiến việc người khác bị quấy rối tình dục trên xe buýt, hay trong gia đình, trường học hoặc các lĩnh vực khác cũng vậy. Nguy cơ mất an toàn với họ luôn rình rập.

Những con số dẫn chứng đưa ra tại hội thảo đã khiến nhiều người giật mình trước sự mất an toàn của phụ nữ và trẻ em.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2013 đến 2017, mỗi năm bình quân cả nước có 1.600 đến 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Riêng năm 2018, phát hiện 1.547 vụ với 1.669 đối tượng phạm tội, xâm hại 1.579 trẻ. Trong đó, các vụ xâm hại tình dục là 1.273 vụ (chiếm 82,3% trên tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.237 đối tượng, xâm hại 1.293 em. Các địa phương xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em gồm: Hà Nội (88 vụ), TP HCM (77 vụ), Đắk Lắk (52 vụ), Tây Ninh (51 vụ), Đồng Nai (46 vụ), An Giang và Bình Dương (42 vụ), Bạc Liêu, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu (41 vụ), Vĩnh Long, Bình Phước (37 vụ) (Ngọc Quỳnh, 2019).

Từ năm 2017 đến tháng 2/2019, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 374 đơn thư phản ánh về hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, thi hành án dân sự, ban hành 140 văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết và nhận được 52 phản hồi về cách giải quyết.

GS.TS Lê Thị Quý, Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển cũng cho rằng, không gian an toàn của phụ nữ và trẻ em ngày càng bị thu hẹp. Giải thích điều này, TS Lê Thị Quý cho rằng họ có thể mất an toàn ở xung quanh. Nhiều vụ xâm hại phụ nữ, trẻ em báo động sự suy đồi về đạo đức như hiếp dâm tập thể, hiếp dâm trẻ em dưới 5 tuổi, hiếp dâm rồi giết nạn nhân, thầy giáo xâm hại tình dục học sinh tiểu học, trung học, nam sinh xâm hại nữ sinh, thậm chí một số vụ việc mang tính chất loạn luân như cha đẻ hiếp dâm con gái ruột, cha dượng hiếp dâm con riêng của vợ, ông hiếp dâm cháu...

Địa bàn gây án cũng rất đa dạng, có thể trên đồng, đồi, rừng, nghĩa trang, nhà hoang, nhà nghỉ, trường học thậm chí trong nhà nạn nhân, thang máy… Người xâm hại không bị thu hẹp trong lứa tuổi trẻ mà có thể là ông già “gần đất xa trời” hoặc cậu học sinh mới học cấp hai. Ngoài ra, những dạng xâm hại khác bằng tranh, ảnh, sách, báo, phim khiêu dâm, Internet đang là những nguy cơ rất lớn cho xã hội. Mới đây nhất là các vụ dâm ô, cưỡng bức trong thang máy gây bức xúc dư luận.

Vai trò của gia đình còn mờ nhạt

Theo GS.TS Lê Thị Quý, tạo không gian an toàn là trách nhiệm của xã hội. Tuy nhiên người dân, cán bộ nhà nước, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản để bảo vệ an toàn cho gia đình, xã hội và bản thân.

Thực tế, vai trò của gia đình còn rất mờ nhạt trong thời gian qua. Sự bận bịu và thờ ơ của gia đình đối với người thân của mình đã khiến cho họ gặp nhiều thảm cảnh: Kẻ thì ngồi tù, bị tử hình, người thì tự tử hoặc bị trầm cảm, không còn niềm tin yêu cuộc sống.

Một cô gái ở Thuận Thành, Bắc Ninh trước khi nhảy xuống sông sau khi bị hãm hiếp đã chỉ báo tin cho bạn bè chứ không nói một lời nào với gia đình. Điều này có nghĩa là trong thế giới tình cảm của mình, cô đã không coi gia đình là chỗ dựa tin cậy ngay cả khi gặp đau khổ, bế tắc.

“Điều nguy hiểm là hiện tượng này khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Khi sự việc xảy ra, nhiều gia đình đã ngỡ ngàng không tin và cố gắng làm hạn chế hậu quả bằng cách lo bảo vệ danh dự của mình và con em trước định kiến xã hội mà che giấu vụ việc gây nhiều khó khăn cho việc trừng trị tội phạm và bảo vệ nạn nhân”, bà Quý cho hay.

TS Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng cho rằng, an toàn cho phụ nữ và trẻ em là hạnh phúc, bình an của mỗi gia đình góp phần phát triển bền vững đất nước. Đây là trách nhiệm chung của các bên liên quan. Không gian sống của con người nói chung, phụ nữ và trẻ em nói riêng, không được an toàn sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển về thể chất, tinh thần và là yếu tố tiềm ẩn ảnh hưởng đến an ninh, an toàn và sự phát triển bền vững của toàn xã hội.

Để tạo ra an toàn cho trẻ em, cần tính việc áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực trong gia đình. Phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến con, hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội đúng hướng; đồng thời chú ý xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình từ những điều nhỏ nhất...

Các đại biểu cũng cho rằng, mặc dù những đạo luật bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em đến nay đều đã được ban hành, đi vào cuộc sống, trong đó có những đạo luật cụ thể như: Luật Trẻ em; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…; hay những Nghị định, Quyết định của Chính phủ trong nỗ lực tạo khung pháp lý vững chắc bảo vệ phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Song để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái vẫn cần nhiều giải pháp. Luật cần điều chỉnh kịp thời, nhanh chóng.

Theo GiaDinh