Bán tài sản để trả nợ chồng chất, đại gia thủy sản vẫn tiếp tục lỗ nặng trăm tỷ

Thủy sản Hùng Vương của đại gia Dương Ngọc Minh tiếp tục báo lỗ 129 tỷ trong quý 3/2019, cùng doanh thu giảm mạnh nửa nghìn tỷ.

Vietnamnet thông tin, Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG) - Thủy sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019 niên độ tài chính 1/4-30/6/2019 với doanh thu giảm mạnh từ mức 1.512 tỷ đồng cùng kỳ năm trước xuống còn chưa tới 530 tỷ đồng.

Thủy sản Hùng Vương của ông Minh cũng ghi nhận lỗ 129 tỷ đồng, so với mức lãi gần 13,7 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, HVG lỗ gần 260 tỷ đồng, nâng tổng lỗ cho đến nay lên 650 tỷ đồng.

ban-tai-san-de-tra-no-chong-chat-dai-gia-thuy-san-van-tiep-tuc-lo-nang-tram-ty

 Ông Dương Ngọc Minh.

Giải thích lý do doanh thu tụt giảm tới gần 65%, HVG cho biết là do công ty đã thoái vốn khỏi CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF), cắt giảm mảng kinh doanh bán nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bã nành, bắp, lúa mì,...), tương đương 1.089,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá cá nguyên liệu giảm mạnh từ 34.000 đồng/kg về 18.000 đồng/cp, kéo theo giá xuất khẩu thấp. Từ đó, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 152,45% (tương ứng 92,8 tỷ đồng).

Không chỉ bán VTF, gần đây HVG cũng phải bán rất nhiều tài sản khác để giải quyết các khó khăn về tài chính của công ty, nhất là trong bối cảnh Mỹ áp thuế cao lên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Trong đó, Thủy sản Hùng Vương bị áp mức thuế chống bán phá giá cao nhất trong nhóm các doanh nghiệp thủy sản sau đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR 14) của Mỹ: 3,87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ).

Với quyết định này của chính quyền ông Donald Trump, tình hình của HVG trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh tình hình tài chính của doanh nghiệp chưa được cải thiện với dư nợ vay gần 3 ngàn tỷ và lỗ lũy kế giờ đây là 560 tỷ đồng.

Cụ thể, theo PLO, hồi tháng 6/2019, Thuỷ sản Hùng Vương đã báo cáo lên Ủy ban chứng khoán nhà nước về việc thoái vốn hai công ty con là Công ty TNHH Chế biến thủy sản Hùng Vương Bến Tre (tỷ lệ sở hữu 90% với giá trị sổ sách là 180 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (tỷ lệ sở hữu 79,58%). Tỷ lệ sở hữu sau thoái vốn dự kiến dưới 50%. Trước đó, vào tháng 5/2019, Hội đồng quản trị HVG thống nhất về việc thoái toàn bộ vốn cổ phần tại Công ty Cổ Phần Hùng Vương Sông Đốc. Khối lượng thoái vốn là 3.213.000 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ sổ hữu 51%.

Theo Zing, năm tài chính 2018, Thuỷ sản Hùng Vương đã phải giải thể và bán đất tại CTCP Địa ốc An Lạc, chuyển nhượng cổ phần tại Thực phẩm Sao Ta, Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng, chấp nhận bán Kho lạnh 2 Tân Tạo...

Trong đó, những thương vụ đáng chú ý như, thoái vốn Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao ta (tỷ lệ sở hữu 100%), thu hồi 487 tỷ đồng, lãi 213 tỷ đồng. Đồng thời, thủy sản Hùng Vương cũng thoái vốn tại Công ty Cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, đã thu hồi 501 tỷ đồng (tương ứng 40%), lãi 187 tỷ đồng. Thuỷ dản Hùng Vương còn bán Kho lạnh 2 cho Giải pháp Thương mại ABA, thu về gần 151 tỷ đồng…

Theo VietQ