Bán bia cho dân nhậu, bia Sài Gòn thu 94 tỷ/ngày

Tính bình quân, mỗi ngày Sabeco thu hơn 94 tỷ đồng từ bán sản phẩm chính là bia.

Thông tin trên Vietnamnet, báo cáo tài chính quý IV/2017 vừa được Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) công bố ghi nhận hơn 10.400 tỷ đồng doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Theo lý giải của ban lãnh đạo công ty, sản lượng tiêu thụ tăng mạnh và việc điều chỉnh giá bán sản phẩm từ đầu năm là nguyên nhân chính tác động tích cực đến kết quả kinh doanh giai đoạn cuối năm.

Doanh thu hoạt động tài chính quý này cũng biến động mạnh, đạt 662 tỷ đồng nhờ ghi nhận thu nhập theo thông báo chia cổ tức từ các đơn vị thành viên. Tuy nhiên, việc hoàn nhập dự phòng giảm giác một số khoản đầu tư cũng đẩy chi phí tài chính của Sabeco  tăng gần 4 lần so với cùng kỳ.

ban-bia-cho-dan-nhau-bia-sai-gon-thu-94-tyngay

 Sabeco thu 94 tỷ đồng/ngày từ việc bán bia. Ảnh minh họa: Vneconomy

Do thay đổi mô hình quản lý chi phí hỗ trợ bán hàng, chuyển toàn bộ số tiền này từ công ty con 100% vốn là Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn về Sabeco ghi nhận và giải ngân, khiến chi phí bán hàng tăng hơn 200 tỷ đồng, lên mức 477 tỷ đồng.

Dù hàng loạt khoản chi phí tăng đáng kể, nhưng lợi nhuận sau thuế trong quý IV vẫn duy trì đà tăng trưởng hai chữ số (29%) so với cùng kỳ, đạt 1.372 tỷ đồng.

Lũy kế doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 34.500 tỷ đồng và 4.640 tỷ đồng, tương ứng mức tăng gần 12% và 9% so với năm trước. Tính bình quân mỗi ngày Sabeco thu hơn 94 tỷ đồng từ bán sản phẩm chính là bia.

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu được cải thiện lên 37,6%. Kết quả này giúp Sabeco hoàn thành suýt soát “những con số mang tính thách thức” được HĐQT đề ra hồi đầu năm trên cơ sở thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thêm 5% và mức độ cạnh tranh với các hãng bia ngoại ngày càng khốc liệt.

Tổng tài sản của công ty đạt 17.481 tỷ đồng, tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu tài sản với hơn 36%. Do lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm đầu năm đến hơn 3.000 tỷ đồng, cộng thêm khoản tiền và tương đương tiền dồi dào nên hiện Sabeco vẫn chưa phát sinh các khoản vay thuê tài chính.

Liên quan đến Sabeco, theo Vneconomy, Trước đó, thương vụ bán vốn Nhà nước tại Sabeco là "bom tấn" lớn nhất trong lịch sử thoái vốn Nhà nước tại Việt Nam, và cũng là thương vụ bán vốn lớn nhất ở Đông Nam Á trong 3 năm trở lại đây.

Ngày 28/12, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã xác nhận chuyển quyền sở hữu 343.642.587 cổ phiếu SAB (chiếm 53,6% vốn) từ Bộ Công Thương sang Công ty TNHH Vietnam Beverage.

Đồng thời, nhà đầu tư trúng đấu giá là Vietnam Beverage cũng đã thanh toán toàn bộ số tiền mua cổ phần Nhà nước tại Sabeco trị giá xấp xỉ 110.000 tỷ đồng (tương đương gần 5 tỷ USD) và chuyển khoản tiền này vào tài khoản của Sabeco.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết, số tiền gần 110.000 tỷ đồng thu từ bán cổ phần Sabeco sẽ được dùng để tạo nguồn chi đầu tư các dự án theo nghị quyết của Quốc hội.

"Việc chi tiêu như thế nào đã có hạch toán rõ ràng và hằng năm được kiểm toán đầy đủ", ông Tiến nói, và khẳng định thêm số tiền này không dùng để trả nợ.

Bên cạnh đó, ông Tiến cũng cho biết, 36% vốn Nhà nước còn lại ở Sabeco cũng sẽ được thoái khi gặp điều kiện thích hợp.

Hà Thúy (T/h)

Theo VietQ