Bài 1: Hàng giả đội lốt hàng thật ‘chễm chệ’ nằm trên kệ

Hàng giả, hàng lậu, hàng nhái bằng nhiều con đường khác nhau, chúng “chễm chệ” được nằm trên kệ hàng để cạnh tranh với hàng thật.

Từ thực phẩm vô thời hạn…

Chúng tôi đến chợ Long Biên – chợ đầu mối về đêm nổi tiếng Hà Nội, nơi mà các mặt hàng nông sản được bày bán sỉ số lượng lớn. Chúng tôi chọn mặt hàng nấm để khảo sát và không khó để bắt gặp trên sạp rau quả các mặt hàng nấm được bày bán rất công khai, số lượng không giới hạn, hỏi mua bao nhiêu cũng được các tiểu thương kinh doanh đáp ứng đủ.

Tuy nhiên, loại nấm nuôi trồng tại Việt Nam được bày bán với số lượng rất ít, mà đa phần là các loại nấm có xuất xứ từ Trung Quốc.

Loại nấm này đựng trong túi ni lông không có tên đơn vị nhập khẩu, nhưng nhìn kỹ có thể thấy tiếng Trung Quốc trên bao bì. Các loại nấm như nấm tuyết, kim châm, đùi gà, nấm sò... được bày bán với số lượng lớn, đa phần không rõ nguồn gốc xuất xứ, trên bao bì in chữ Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng không được bảo quản lạnh, không có hạn sử dụng.

Khi hỏi về xuất xứ các loại nấm, một tiểu thương kinh doanh rau củ quả tại chợ Long Biên cho biết: "Muốn mua bao nhiêu cũng được.

Chỉ cần gọi điện buổi tối, hôm sau sẽ có người mang hàng. Chúng tôi cũng chẳng quan tâm lắm nấm này trồng ở Trung Quốc hay Việt Nam. Vì cứ giá rẻ là nhiều người mua”.

bai-1-hang-gia-doi-lot-hang-that-‘chem-che’-nam-tren-ke

Nấm kim chi được bán tràn lan với hạn sử dụng dài đến không tưởng. 

Lý giải nguyên nhân nấm Trung Quốc gắn mác hàng Việt tồn tại trong thời gian dài, các nhà sản xuất nấm trong nước phải thừa nhận rằng do khả năng sản xuất còn rất thấp nên chưa đáp ứng được nhu cầu lớn của thị trường, cùng với đó khâu lưu thông sản phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến việc người bán cố tình mập mờ xuất xứ nấm, lấy mác nấm Việt để quảng cáo đánh vào tâm lý người dùng khi mua.

“Hiện tại do sự chênh lệch về giá cả, sản lượng của nấm Việt Nam ít hơn nhiều và ngoài ra rất khó nhận biết được về hình thức, mẫu mã sản phẩm do vậy nhiều doanh nghiệp đang trà trộn, giả mạo các sản phẩm của Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Công ty cổ phần Nấm Việt cho biết.

… đến hàng loạt sản phẩm làm giả “chễm chệ” nằm trên kệ

Hay như vụ việc làm giả mũ bảo hiểm vào ngày 3/1/2020, sau thời gian dài theo dõi, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM) phối hợp với cơ quan chức năng đã bất ngờ kiểm tra tại kho hàng ở ấp 6 xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM, đây là một cơ sở lớn đang sản xuất mũ bảo hiểm giả mạo một nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở khai nhận đã làm hàng giả trong thời gian dài, mỗi ngày sản xuất ra hàng thành phẩm từ 300 - 400 cái.

Trong quá trình sản xuất, chủ cơ sở cho nhân viên làm theo các công đoạn như sơn màu lên vỏ nhựa mũ bảo hiểm, khoan lỗ, đóng dây đeo, lót mút xốp... mũ bảo hiểm thành phẩm bán ra thị trường với giá vài chục ngàn đồng/cái.

bai-1-hang-gia-doi-lot-hang-that-‘chem-che’-nam-tren-ke

 

bai-1-hang-gia-doi-lot-hang-that-‘chem-che’-nam-tren-ke

Lực lượng chức năng bắt tại trận cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm Nón Sơn dởm.

Ông Nguyễn Ngọc Tý, Công ty TNHH thời trang Nón Sơn chia sẻ: “Vừa qua, chính Nón Sơn đã phối hợp với Cảnh sát kinh tế TP.HCM và công an huyện Bình Chánh để bắt cơ sở trên, hiện đang trong giai đoạn truy cứu hình sự, hồ sơ đang được chuyển qua Viện Kiểm sát và đang chờ kết luận.

Doanh nghiệp Nón Sơn cũng mong muốn Chính phủ, cơ quan chức năng có thêm các biện pháp sau khi bắt, xử lý, đó là tuyên truyền trên các kênh truyền thông đại chúng để người tiêu dùng, các đơn vị thực thi pháp luật rõ về các vụ việc, đồng thời tăng thêm các mức xử phạt có thể là rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn thậm chí phải truy cứu hình sự các trường hợp lớn…”.

Liên quan tới sự việc sản phẩm mũ bảo hiểm trên nhãn ghi do Công ty TNHH Dịch vụ-Thương mại An Thịnh sản xuất có nhiều nghi vấn, trước đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục TCĐLCL) đã giao Vụ Pháp chế-Thanh tra vào cuộc, tiến hành thanh tra đột xuất doanh nghiệp theo địa chỉ ghi trên nhãn sản phẩm.

Kết quả thanh tra cho thấy, tại địa chỉ số 48/5C Lâm Văn Bền, Tân Thuận Tây, Quận 7, TP.Hồ Chí Minh không hề có doanh nghiệp nào mang tên “Công ty TNHH Dịch vụ-Thương mại An Thịnh”. Tại địa chỉ này chỉ xuất hiện duy nhất một doanh nghiệp khác với tên gọi “Công ty TNHH TM-DV-Bình An Bình".

Không chỉ tiến hành tổ chức, triển khai thanh tra đột xuất doanh nghiệp, Tổng cục TCĐLCL cũng chỉ đạo Vụ Hợp chuẩn Hợp quy, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (Quacert) xác minh thông tin về việc mũ bảo hiểm ghi do Công ty TNHH Dịch vụ-Thương mại An Thịnh sản xuất có dấu chứng nhận hợp quy trên sản phẩm.

Kết quả, sau khi xác minh, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (Quacert) khẳng định: “Trung tâm chưa thực hiện đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho Công ty TNHH Dịch vụ-Thương mại An Thịnh có địa chỉ tại số 48/5C Lâm Văn Bền, Tân Thuận Tây, Quận 7, TP.HCM cho sản phẩm mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy”.

Chuyên gia chống hàng giả, ông Nguyễn Viết Hồng nhấn mạnh: “Hậu quả vô cùng khốc liệt, ví dụ người tiêu dùng mua phải một chiếc mũ bảo hiểm giả đội khi tham gia giao thông mà vô tình bị va chạm gây tai nạn thì rõ ràng chiếc mũ đó không thể bảo vệ được cho người dùng, nguy hiểm đến tính mạng và người tiêu dùng là người bị thiệt thòi nhất”.

Bên cạnh đó, thông tin từ Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia cho thấy, tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2020, riêng lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý gần 24.000 vụ vi phạm kinh doanh hàng giả, hàng lậu, thu nộp ngân sách nhà nước trên 125 tỷ đồng.

Điển hình tại Long An, ngày 03/6/2020, Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp Công an Thành phố Tân An và Công an xã An Vĩnh Ngãi, tiến hành kiểm tra tại địa điểm thuộc địa bàn xã An Vĩnh Ngãi, thành phố Tân An, tỉnh Long An.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn các loại nguyên liệu mỹ phẩm, dụng cụ dùng để sản xuất, pha trộn mỹ phẩm, nhưng đại diện hộ gia đình không xuất trình được các giấy tờ có liên quan.

Quản lý thị trường ra quyết định tạm giữ 8.709 sản phẩm mỹ phẩm thành phẩm, 124 kg sản phẩm mỹ phẩm chưa thành phẩm, 3.000 vỏ hộp và một số dụng cụ dùng để pha trộn, sản xuất mỹ phẩm như ca nhựa, thau Inox, chảo nhôm...

Cùng với đó, vào ngày 4/6/2020, hàng nghìn sản phẩm hàng hoá nhập lậu qua đường hàng không đã bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường phát hiện thu giữ. 

Các sản phẩm gồm: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thuốc tân dược, đồ gia dụng, đồ chơi, sữa các loại...

Toàn bộ số hàng hóa là do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Số hàng hoá này được vận chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất ra kho hàng hoá nội địa thuộc Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài. Toàn bộ số hàng hóa đang bị tạm giữ để xử lý theo quy định của pháp luật…

Để tiếp tục câu chuyện hàng giả, hàng lậu, hàng nhái thời công nghệ 4.0 với những thủ đoạn ngày càng tinh vi trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội... mời quý độc giả theo dõi tiếp “Bài 2: Đường đi của hàng giả từ biên giới tới các trang mạng với mức giá "nhảy múa".

Theo VietQ