Bác sĩ truyền nhiễm bóc mẽ quảng cáo thẻ đeo chống virus corona

Thẻ đeo này được quảng cáo có giá 350.000 đồng/chiếc, dùng trong 1 tháng, giúp người đeo kháng lại được các vi khuẩn, virus, trong đó có virus corona. Chuyên gia khẳng định, điều này là lừa đảo.

Trên mạng xã hội đang lan truyền quảng cáo về thẻ đeo chống virus, kháng khuẩn Toamit Virus... Nhật Bản với lời quảng cáo bảo vệ cơ thể trước virus, dịch cúm. Một thẻ đeo có hiệu lực trong 1 tháng từ khi mở.

Theo lời quảng cáo, người bán cho biết thẻ đeo này được điều chế với thành phần acid cloric natri kết hợp carbon dioxide. Chúng tạo ra sức mạnh để tiêu diệt được virur, vi khuẩn, bụi, phấn hoa trong không gian.

bac-si-truyen-nhiem-boc-me-quang-cao-the-deo-chong-virus-corona

Sản phẩm được người bán hàng trên Facebook giới thiệu. Ảnh: FB người bán

Với thẻ đeo chống virus, bao gồm cả virus corona chủng mới, người bán quảng cáo người dùng có thể tự tin hơn khi đến chỗ đông người. Nhưng vẫn nên đeo khẩu trang.

bac-si-truyen-nhiem-boc-me-quang-cao-the-deo-chong-virus-corona

Lời giới thiệu về công năng của loại thẻ kháng virus trên Facebook cá nhân người bán

Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, người bán cho biết mỗi thẻ đeo có giá 350.000 đồng, nếu mua sỉ (5-10 cái) được giảm còn 340.000 đồng và miễn phí chuyển hàng.

"Loại thẻ này bạn có thể đeo thoải mái đến nơi đông người, tiếp xúc thoải mái với người nghi nghiễm, người từ vùng dịch về vì thẻ có cơ chế lọc không khí", người bán hàng nói.

Thông tin với PV, BSCK2 Nguyễn Trung Cấp, trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đơn vị tiếp nhận nhiều ca nghi ngờ nhiễm COVID-19 và điều trị cho nhiều ca dương tính COVID-19, cho biết, về mặt hóa học, các thông tin đưa ra mang tính lừa đảo những người không biết. 

Acid cloric (HClO3) là một acid mạnh, nếu tiếp xúc với bông vải sợi hay da thịt nó có thể đốt cháy luôn nên không thể thấm vào thẻ đeo an toàn với da thịt. Nếu ở dạng kết hợp Natri thì nó là muối Natriclorat (NaClO3) có trong thành phần chất cháy ở đầu que diêm. Còn Carbon Dioxyd chính là khí Carbonnic (CO2). 

"Không thể có dạng kết hợp nào giữa Natri cloric Acid với Carbondioxyd mà có tác dụng diệt vi khuẩn, virus, phấn hoa trong không gian mà khi đeo trước cổ lại tạo được hàng rào vô hình như quảng cáo lừa gạt" - BS Cấp phân tích.

Thêm vào đó, virus corora chủng mới gây COVID-19 lây lan khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi. Tốc độ của một giọt bắn khi ta hắt hơi khoảng 35m/s (120km/h) nên nếu ta đứng trực tiếp trước mặt một người bệnh đang ho hay hắt hơi thì không có "lớp bảo vệ vô hình" nào ngăn được, chỉ có những lớp màng che kín như khẩu trang mới hy vọng cản được các giọt bắn này. 

BS Cấp cũng cho biết một tỷ lệ rất lớn số ca lây nhiễm qua đường tiếp xúc thông qua bàn tay vấy bẩn đưa lên mũi, miệng. Nên không thể hy vọng vào "lớp bảo vệ vô hình " như những người bán hàng quảng cáo.

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cho biết hiện Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chưa có khuyến cáo về phương pháp phòng bệnh bằng loại thẻ này. 

Cơ quan y tế của Việt Nam cũng chưa nhận được thông tin chính thức từ các nhà khoa học hay chuyên gia phòng bệnh truyền nhiễm, chống dịch của các tổ chức quốc tế về việc đeo thẻ giúp phòng dịch bệnh. Trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào khuyên người dân sử dụng để phòng bệnh COVID-19.

Thực tế bên Nhật Bản không hề sử dụng sản phẩm nào như loại thẻ mà người bán hàng quảng cáo để ngăn ngừa dịch COVID-19. 

"Các hướng dẫn phòng bệnh của Bộ Y tế Nhật Bản cũng tương tự các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế Việt Nam. Thực tế Nhật Bản cũng đang vất vả nỗ lực trong việc ngăn ngừa dịch COVID-19" - BS Cấp khẳng định. 

Theo báo cáo của Bộ Y tế tới 15h ngày 17/2, tại Nhật Bản đã có 430 người mắc COVID-19, 1 ca tử vong. Đây là nước đứng thứ 2 (sau Trung Quốc) về số lượng ca nhiễm bệnh. Hiện trên toàn thế giới có 29 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca nhiễm bệnh. 

Theo GiaDinh