Bác sĩ chia sẻ 5 thực phẩm giúp người bệnh tuyến giáp kiểm soát cân nặng

Bệnh nhân tuyến giáp nếu muốn giảm cân thì cần tham khảo tư vấn của bác sĩ về lượng calo cần thiết. Đặc biệt, nên tránh xa một số thực phẩm như: thịt chế biến sẵn, đồ ăn nhanh hay bất cứ thứ gì nhiều calo mà hàm lượng dinh dưỡng thấp.

Sau phẫu thuật tuyến giáp, có một vấn đề khiến nhiều người bệnh phải bận tâm đó là cân nặng thường có chiều hướng tăng rất nhanh. Theo ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn (chuyên ngành Ung bướu, Giảng viên Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội): Sở dĩ người bệnh tuyến giáp thường dễ bị tăng cân là do khi tuyến giáp suy yếu, quá trình trao đổi chất có thể chậm lại đáng kể, khiến cho người bệnh đốt cháy ít calo hơn.

Hơn nữa, tình trạng suy giáp cũng khiến người bệnh mệt mỏi, đau nhức và ít tập thể dục hơn. Song song với đó, người bệnh lại thèm ăn thực phẩm chứa đường để lấy năng lượng dẫn đến việc cân nặng ngày càng tăng lên.

buou-nhan-tuyen-giap-la-tinh-trang-phi-dai-cua-tuyen-giap.jpg

Cũng theo bác sĩ Tuấn, một số người bị bệnh tuyến giáp có sự mất cân bằng nội tiết tố có thể cản trở việc giảm cân thành công như: mức độ thấp của leptin và ghrelin - đây đều là những hormone điều chỉnh cân nặng và sự thèm ăn góp phần gây béo phì và không thể giảm cân.

Ở những nhóm bệnh nhân này, nếu muốn giảm cân thì cần tham khảo tư vấn của bác sĩ về lượng calo cần thiết. Đặc biệt, nên tránh xa một số thực phẩm như: thịt chế biến sẵn, đồ ăn nhanh hay bất cứ thứ gì nhiều calo mà hàm lượng dinh dưỡng thấp.

Dưới đây là một số thực phẩm tốt cho người bệnh tuyến giáp mà bác sĩ khuyên nên tăng cường nếu muốn kiểm soát cân nặng.

Bác sĩ chia sẻ 5 thực phẩm giúp người bệnh tuyến giáp kiểm soát cân nặng

1. Trái cây, rau quả

Những thực phẩm này chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa giúp tăng cường sức khỏe, đồng thời rất ít calo.

bac-si-chia-se-5-thuc-pham-giup-nguoi-benh-tuyen-giap-kiem-soat-can-nang

2. Thực phẩm giàu chất xơ

Bác sĩ khuyên người bệnh tuyến giáp nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như: rau, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, quả mọng… để có thể giúp người bệnh no lâu và giảm táo bón.

3. Thực phẩm giàu protein nạc

Theo ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn, chế độ ăn giàu protein có thể giúp tăng cường trao đổi chất và khiến cho người bệnh cảm thấy no lâu hơn. Người bệnh nên chọn các nguồn protein nạc như: thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, cá…

4. Thực phẩm có chứa chất béo lành mạnh

Chất béo lành mạnh có trong cá béo và các loại hạt. Quả hạch, hạt hướng dương… cũng có hàm lượng selen cao, rất cần thiết cho chức năng tuyến giáp khỏe mạnh.

5. Nước

Mất nước có thể khiến người bệnh cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi và đau nhức. Uống đủ nước sẽ giúp quá trình trao đổi chất hoạt động hiệu quả hơn và nó cũng có thể làm giảm sự thèm ăn, loại bỏ tình trạng giữ nước và đầy hơi, chống táo bón và mệt mỏi, đồng thời cải thiện quá trình bài tiết và tiêu hóa.

Tự kiểm tra bệnh tuyến giáp tại nhà chỉ bằng việc uống nước

Theo các chuyên gia tại Hiệp hội Nội tiết lâm sàng Mỹ (AACE), chỉ cần 1 cốc nước hoàn toàn có thể phát hiện sớm bệnh tuyến giáp. Cụ thể cách làm như sau:

1. Đứng trước gương để có thể tự quan sát phần cổ của bản thân. Nhất định phải tháo bỏ hết khăn quàng cổ, cà vạt, nữ trang… để lộ hoàn toàn phần cổ.

2. Sau đó bạn nhẹ nhàng ngẩng cổ lên cao, mở rộng phần cổ hết mức để quan sát toàn bộ phần cổ.

bac-si-chia-se-5-thuc-pham-giup-nguoi-benh-tuyen-giap-kiem-soat-can-nang

3. Tiếp theo hãy uống một ngụm nước và nuốt. Sự di chuyển vị trí của thanh quản sẽ giúp bạn nhìn rõ hình dạng của tuyến giáp, từ đó phát hiện điểm bất thường.

4. Khi nuốt ngụm nước thì phải để ý thật kỹ. Nếu có một vết sưng hình tròn thì đó là nốt tuyến giáp, có thể sờ thấy nó di chuyển cùng với tuyến giáp khi bạn nuốt. Bạn còn nhìn thấy bướu cổ ở một hoặc hai bên của tuyến giáp.

5. Sau khi xác định được tuyến giáp, bạn hãy dùng tay sờ nhẹ vào nó xem có thấy thứ gì lồi ra không. Nếu có khối u lồi ra thì phải đi kiểm tra càng sớm càng tốt. Dù có phải là ung thư hay không thì đó cũng là dấu hiệu bệnh tuyến giáp.

Theo GiaDinh