Ba kịch bản bão số 13 đổ bộ vào miền Trung

Sau khi vào Biển Đông, bão số 13 có thể đi chếch lên phía bắc, hướng vào các tỉnh Bắc Trung Bộ hoặc di chuyển theo hướng tây rồi đổ bộ vào Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Sáng 12/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão Vamco đã vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 13.

Lúc 7h, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 820 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15, giảm một cấp so với những giờ trước.

Sau khi bão vào Biển Đông, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp bàn phương án ứng phó. Nhận định ban đầu của cơ quan khí tượng cho thấy đây là cơn bão mạnh, dự báo đường đi chưa có sự thống nhất, còn có nhiều thay đổi. Ảnh hưởng của bão trước mắt gây gió mạnh, sóng lớn trên biển.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 7h ngày 13/11, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 360 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất duy trì cấp 12, giật cấp 15.

ba-kich-ban-bao-so-13-do-bo-vao-mien-trung

Dự báo đường đi của bão số 13. Ảnh: VNDMS\

Theo ông Khiêm, hiện bão còn xa đất liền, phân tích từ các mô hình quốc tế và Việt Nam chưa có sự thống nhất. Nguyên nhân là 2-3 ngày tới, khí áp khu vực có biến động, áp cao cận nhiệt có xu hướng suy yếu khiến đường đi của bão chếch lên phía bắc.

“2 ngày tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây. Khi vào kinh tuyến 112 độ kinh đông, bão có thể đổi hướng”, ông Khiêm nói.

Hiện, cơ quan khí tượng cân nhắc 3 kịch bản về vị trí đổ bộ của cơn bão này.

Kịch bản thứ nhất, áp cao cận nhiệt suy yếu ở mức trung bình, bão có xu hướng dịch chuyển lên phía bắc. Ở kịch bản này gió bão trên biển duy trì ở cấp 12, giật cấp 15. Khi vào ven bờ, bão sẽ giảm 2-3 cấp xuống cấp 9-10. Thời gian đổ bộ dự kiến đêm 13 đến rạng sáng 15/11.

Lượng mưa dự báo từ Quảng Bình đến Phú Yên là 100-200 mm, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đạt 250-300 mm. Theo chuyên gia, đây là kịch bản có xác xuất cao nhất, ở mức 70-80%.

Kịch bản thứ 2, áp cao cận nhiệt suy yếu hơn nữa, cơn bão sẽ men theo ven biển để đi lên khu vực Bắc Trung Bộ và có thể là phía nam Đồng bằng Bắc Bộ, tốc độ di chuyển chậm hơn ở mức 10-15 km/h.

Ở kịch bản này, ảnh hưởng của bão sẽ kéo dài; tuy nhiên lượng mưa không nhiều, đạt 100-150 mm và tập trung chủ yếu ở ven biển Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ.

Kịch bản 3 có xác xuất thấp nhất, theo một số mô hình dự báo, Vamco sẽ không đi chếch lên phía bắc mà tiến thẳng vào Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Lúc này, lượng mưa sẽ lớn và dồn dập trong 6 giờ có thể đạt 100-150 mm. Mặt khác, bão sẽ đến sớm và tan nhanh.

ba-kich-ban-bao-so-13-do-bo-vao-mien-trung

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo tại buổi họp. Ảnh: H.Q

Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường lưu ý các địa phương và cơ quan chức năng cần tập trung lưu ý 3 vấn đề trên biển.

Theo đó, các địa phương kiên quyết không để tàu thuyền hoạt động ở vùng nguy hiểm; bảo đảm an toàn tàu thuyền ven bờ và lồng bè, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản.

Ông Cường cũng đặc biệt lưu ý khu vực Bắc Trung Bộ, khu vực này ít chịu ảnh hưởng, có thể dẫn tới tâm lý chủ quan.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhận định tuyến ven biển miền Trung sẽ chịu nguy hiểm khi Vamco đổ bộ do ảnh hưởng lớn của nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới thời gian qua.

“Tôi đề nghị các địa phương tuyệt đối không được chủ quan vì toàn bộ miền Trung đã no nước sau hàng loạt thiên tai vừa qua. Do vậy, khi bão vào, bất kỳ khu vực nào cũng có thể chịu thiệt hại lớn nếu không có sự chuẩn bị ứng phó bài bản”, ông Cường chỉ đạo.

Hồng Quang

Theo Tri Thức Trực Tuyến