8 tục lệ bình thường ở Việt Nam nhưng 'thần bí' trong mắt khách Tây

Xông nhà, mở hàng, đốt vàng mã... là những tục lệ quen thuộc của người Việt nhưng khiến người nước ngoài ngạc nhiên.

Tác giả Katie Kalmusky của trang The Culture Trip nhận định: "Việt Nam có bề dày lịch sử và nền văn hóa dân gian rất phong phú. Một số hành vi được người dân ở đây tin rằng có thể mang lại may mắn hoặc xui xẻo cho bản thân và gia đình, mang tính mê tín nhưng tất cả người Việt đều tin". Cô đã tổng kết một số điều thú vị sau khi tiếp xúc với người Việt.

1. Người đầu tiên tới nhà trong năm mới sẽ đem lại may mắn

Ở Việt Nam, người ta gọi đây là "xông nhà". Tết Nguyên đán là thời điểm rất mê tín với các gia đình Việt Nam. Họ hy vọng một năm mới may mắn cho bản thân và những người thân của mình. Người Việt luôn tin rằng người đầu tiên đặt chân vào cửa nhà sau giao thừa sẽ là người mang lại may mắn. Do đó, nhiều gia đình đã "lén lút" sắp đặt một người phù hợp để làm khách cho gia đình mình vào thời điểm đầu tiên của năm mới, thông thường, là một người bạn thân thiết. Hoặc một thành viên trong gia đình sẽ bước ra khỏi cửa và trở lại sau giây lát, khi đồng hồ điểm 12 giờ.

2. Quét nhà trong năm mới

Một điều mê tín khác của người Việt vào dịp Tết là không quét nhà. Họ thường dọn dẹp nhà rất sạch sẽ những ngày trước Tết, với niềm tin rằng dọn sạch những điều xấu xa, xui rủi. Nhưng không ai dọn nhà trong những ngày đầu năm, bởi họ tin rằng nếu làm vậy, may mắn sẽ vô tình "bay" ra khỏi cửa.

3. Kiêng kỵ của bà bầu

Ở một số vùng, những người phụ nữ có thai thường ít khi tham dự đám cưới vì cho rằng có thể mang lại điều không may cho cô dâu chú rể. Tương tự, bà bầu cũng không được tham dự đám tang vì đứa trẻ sinh ra sẽ thường sầu khổ. Đó là chưa kể các "linh hồn" ở nhà tang lễ sẽ không tốt cho em bé. Một số kiêng kỵ khác như không bước qua võng nếu không em bé sẽ lười biếng hay không nên đến đền chùa trong thời kỳ mang bầu. Đặc biệt, khi em bé sinh ra, người mẹ và các thành viên trong gia đình sẽ tránh việc khen một đứa trẻ, ví dụ như quá đáng yêu, quá bụ bẫm. Bởi việc này có thể khiến những "linh hồn" ghen tỵ và "đánh cắp" đứa trẻ khỏi gia đình.

4. Tiền 'ma'

8-tuc-le-binh-thuong-o-viet-nam-nhung-than-bi-trong-mat-khach-tay

Người Việt gọi đây là vàng mã. Chúng được in trên giấy, mô phỏng tờ Việt Nam đồng hay USD, dành cho người đã chết. Tục lệ đốt vàng mã cho người quá cố rất phổ biến ở Việt Nam. Họ tin rằng có thể gửi tiền để người thân đã mất của mình tiêu dùng thông qua một "ngân hàng" ở thế giới bên kia. Một số khác lại cho rằng vàng mã là để đền đáp vì tổ tiên đã ban sự may mắn cho gia đình. Ngoài tiền, họ còn làm cả quần áo, tư trang, đều bằng giấy.

5. Đảo ngược xui xẻo với trứng vịt lộn

Hột vịt lộn ở Việt Nam là một món ăn nhẹ quen thuộc nhưng đồng thời cũng được coi là món ăn giúp "thay đổi may mắn". Nếu bạn đang gặp xui xẻo, hãy ăn một quả trứng vịt lộn để điều không may được đảo lại bằng may mắn. Tuy nhiên, chỉ nên ăn số lẻ, nếu bạn ăn số chẵn thì xui rủi sẽ quay trở lại một lần nữa.

6. Kiêng kỵ với gương

Các gia đình Việt Nam tin tưởng mạnh mẽ vào phong thủy. Đây là việc sắp xếp các vật dụng, đồ nội thất trong nhà hay thậm chí là toàn bộ căn nhà để tận dụng "dòng chảy" của các luồng khí may mắn, các năng lượng tốt, tạo ra môi trường âm dương hài hòa. 

Đối với những tấm gương, người ta không đặt đối diện với cửa ra vào, đặc biệt là không đặt đối diện với giường ngủ bởi đôi khi chúng sẽ tích tụ năng lượng xấu. Một số người có thể bị mất ngủ, gặp ác mộng. Tuy nhiên, họ thường để một tấm gương hay một tấm kính nhỏ trước cửa nhà, với mục đích xua đuổi tà ma, không cho chúng vào nhà.

7. Không cắt tóc trước kỳ thi

8-tuc-le-binh-thuong-o-viet-nam-nhung-than-bi-trong-mat-khach-tay

Đây là một thói quen thú vị của một số học sinh, sinh viên ở Việt Nam. Họ cho rằng cắt tóc có thể làm mất đi sự may mắn, hay thậm chí là làm họ "mất trí nhớ". Do đó, đa số học sinh thường không cắt tóc trước các kỳ thi quan trọng với lo lắng quên đi mọi thứ đã học. Sau kỳ thi, rất nhiều người mới bắt đầu cắt tóc.

8. Vị khách đầu tiên đến mua hàng

Ở Việt Nam, người ta gọi là "mở hàng". Nếu người đầu tiên mua hàng trong ngày chi tiêu "rộng tay", xởi lởi thì ngày hôm đó, việc kinh doanh sẽ thuận lợi. Nếu người mở hàng không mua gì hay có thái độ khó chịu thì sẽ là điều không may với chủ hàng. Nếu bạn định mua một món đồ gì đó ở cửa hàng của người Việt, hãy cân nhắc mua chúng vào buổi chiều thay vì buổi sáng, phòng trường hợp gặp phải chủ tiệm mê tín.

Theo DanViet