10 hành động của bố mẹ, tưởng đơn giản nhưng thực chất đang làm tổn thương con



Là những thói quen quen thuộc mỗi ngày, đa phần bố mẹ đều làm nhưng chính họ cũng không hề biết rằng mình đang tạo ra những tổn thương, khổ sở cho con.

Ngày nay, có rất nhiều lời khuyên khác nhau về cách nuôi dạy một đứa trẻ sao cho đúng, dĩ nhiên, sẽ có nhiều tranh cãi xoay quanh các quan điểm này. Các bác sĩ và nhà tâm lý học vẫn tiếp tục nghiên cứu, thống kê, phân tích và đưa ra những lời khuyên hữu ích với các bậc cha mẹ.

Dưới đây là một vài những điều bố mẹ phải xem lại. Đôi khi, hành động vô ý của bố mẹ lại đang gây hại cho con mà chính bố mẹ cũng không hề hay biết:

1. Cù lét con

Đây là cách mà nhiều người lớn, thậm chí là cả các bà mẹ vẫn thường áp dụng để trêu đùa với con. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của đại học California đã phát hiện ra rằng, cù lét khiến trẻ cười nhưng nó không tạo ra cảm giác hạnh phúc mà là một sự khổ sở với bé.

10-hanh-dong-cua-bo-me-tuong-don-gian-nhung-thuc-chat-dang-lam-ton-thuong-con

Việc cười là phản xạ của cơ thể chứ không phải là biểu hiện của cảm xúc vui vẻ. (ảnh minh họa)

Việc cười là phản xạ của cơ thể chứ không phải là biểu hiện của cảm xúc vui vẻ. Khi bị nhột, trẻ sẽ phải cười như một phản xạ vô điều kiện. Bị cù lét quá lâu sẽ khiến trẻ chật vật chống lại sự quằn quại, thậm chí phải cười đến mệt lả đi. Điều này không tốt cho trẻ một chút nào.

2. Đặt nhiều đồ chơi trên giường của con

Không phải tất cả các bậc cha mẹ đều hiểu rằng, để có một giấc ngủ ngon, điều mà trẻ cần là một tấm nệm tốt, một tấm ga trải giường sạch sẽ, êm ái và một chiếc chăn nhỏ để đắp ngang người phòng khi nhiệt độ xuống thấp. Đôi khi, có thể để một chiếc gối thấp thấp giúp bé ngủ ngon hơn với trẻ trên 1 tuổi.

10-hanh-dong-cua-bo-me-tuong-don-gian-nhung-thuc-chat-dang-lam-ton-thuong-con

Không nên đặt đồ chơi quanh giường ngủ của con tạo một không gian dễ chịu nhất cho trẻ (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, trẻ em không cần bất cứ đồ trang trí, đồ chơi nào bên cạnh, dù cho đó là loại đồ chơi mềm mại như thú bông đi chăng nữa. Những món đồ vật xung quanh giường có thể đánh thức trẻ dậy hoặc khiến trẻ bị khó thở khi vô tình úp mặt vào đồ chơi.

3. Sử dụng đèn ngủ

Để đèn sáng lờ mờ trong phòng ngủ của con không phải là một điều tốt, tiếc là rất nhiều gia đình đang áp dụng cách này. Có nhiều lý do cho việc này ví dụ như bố mẹ sẽ dễ dàng quan sát con hơn, thay bỉm cho con dễ hơn hoặc lo lắng tối quá sẽ làm con sợ hãi… Tuy nhiên, cha mẹ cần hiểu rằng hormone tăng trưởng được trong quá trình trẻ ngủ, để cơ thể sản xuất hormone tốt thì cần phải được ngủ trong bóng tối hoàn toàn.

10-hanh-dong-cua-bo-me-tuong-don-gian-nhung-thuc-chat-dang-lam-ton-thuong-con

Không nên để ánh sáng quá mức trong phòng ngủ của trẻ (Ảnh minh họa)

Tracy Bedrosian, một nhà thần kinh học tại Đại học bang Ohio khuyến cáo rằng, nếu bắt buộc phải sử dụng đèn ngủ, nên chọn loại ánh sáng phù hợp. Các thí nghiệm cho thấy, ánh sáng xanh làm thay đổi đồng hồ sinh học của cơ thể khoảng 90 phút, ánh sáng trắng làm di chuyển đồng hồ sinh học của cơ thể là 180 phút, do đó, trẻ sẽ khó khăn khi ngủ, giấc ngủ không sâu, trằn trọc hơn. Bố mẹ nên chọn ánh sáng đỏ và cam sẽ hạn chế việc làm rối loạn nhịp sinh học của con.

4. Rung lắc em bé

Rất nhiều bố mẹ gặp khó khăn trong quá trình ru con ngủ. Đôi khi, phải mất rất nhiều thời gian, thậm chí bố mẹ gần như kiệt sức mà con chưa chịu ngủ. Và cách mà nhiều người lớn hay làm thường là rung rung để con dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, nó hoàn toàn không tốt cho não bộ của trẻ.

10-hanh-dong-cua-bo-me-tuong-don-gian-nhung-thuc-chat-dang-lam-ton-thuong-con

Rung lắc trẻ quá nhiều không tốt cho não bộ của trẻ (Ảnh minh họa)

Các bác sĩ nhi khoa cho rằng, để rèn bé ngủ, hãy tạo cho bé một thời gian biểu và tuân chỉ đúng lịch ngủ đó. Để làm được vậy, mọi hoạt động như ăn, thay bỉm, tiếng ồn xung quanh, thay quần áo… đều phải hoàn thành xong xuôi trước đó để bé không bị tác động.

5. Giấu gương vì mê tín cho rằng không tốt cho trẻ

Có một quan điểm có phần hơi mê tín mà nhiều cha mẹ đang tin và áp dụng chính là việc không để trẻ soi gương. Họ cho rằng như vậy sẽ không tốt cho con. Đây là một khái niệm mà theo các bác sĩ nhi khoa và các nhà tâm lý học khắp nơi trên thế giới đều cho rằng… kỳ lạ. Bác sĩ Suzy Green, người sáng lập Viện tích cực cho rằng, cha mẹ nên để con chơi với gương vì nó giúp phát triển sự tự nhận thức, một điều mà chỉ có con người có được so với động vật.

10-hanh-dong-cua-bo-me-tuong-don-gian-nhung-thuc-chat-dang-lam-ton-thuong-con

Chơi với gương giúp phát triển sự tự nhận thức ở trẻ (Ảnh minh họa)

Ở các độ tuổi khác nhau, trẻ em có những phản ứng khác nhau đối với hình ảnh của chính mình trong gương. Đó là một trải nghiệm hấp dẫn và tích cực cho trẻ.

6. Tạo môi trường vô trùng, quá sạch sẽ cho con

Chúng ta luôn nghĩ rằng sạch sẽ là điều vô cùng quan trọng. Các nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia đều cho rằng, môi trường quá sạch sẽ lại có hại cho sự phát triển của trẻ. Cơ thể cần phải hình thành một hệ thống tự miễn dịch, chống lại nhiễm trùng, bệnh tật. Môi trường vô trùng làm chậm quá trình hình thành hệ thống miễn dịch một cách mạnh mẽ.

Những sai lầm lớn nhất của cha mẹ là dọn dẹp căn hộ quá thường xuyên, sạch sẽ, cấm con tiếp xúc với thế giới bên ngoài hoặc vật nuôi. Chính những điều này khiến cơ thể trẻ khó chống lại dị ứng, miễn dịch khi tiếp xúc với những điều xung quanh.

7. Để trẻ ngồi bô quá sớm

Việc cho trẻ tập ngồi bô đi vệ sinh là một chủ đề gây tranh cãi. Các nhà khoa học cho rằng, tốt nhất, chỉ nên để trẻ bắt đầu học ngồi bô từ 1 – 1,5 tuổi trở đi. Ở độ tuổi này, trẻ đã tự nhận thức được các phản ứng, tín hiệu của cơ thể và tự biết được việc khi nào mình có nhu cầu đi vệ sinh thực sự để báo với người lớn.

10-hanh-dong-cua-bo-me-tuong-don-gian-nhung-thuc-chat-dang-lam-ton-thuong-con

Không nên ép trẻ ngồi bô quá sớm, không tốt cho bàng quang của trẻ (Ảnh minh họa)

Bác sĩ tiết niệu trẻ em Stephen Hodgens nói rằng, sớm hay muộn đứa trẻ cũng sẽ học được cách kiểm soát được tín hiệu cơ thể, đây chính là thời điểm tốt nhất để sử dụng bô. Bàng quang cần khoảng 3 – 4 năm để phát triển bình thường, vì thế hãy để trẻ được đi tiểu thoải mái với sự hỗ trợ của bỉm thay vì ép trẻ phải dùng bô quá sớm.

8. Ép con ăn hết khẩu phần ăn

Nhiều bà mẹ tỏ ra khổ sở và buồn đau khi con không ăn hết khẩu phần của mình. Họ bắt đầu cố gắng thuyết phục, nịnh nọt, thậm chí là đe dọa để con ăn cho xong. Khi bát cơm, cháo, bột sạch sẽ họ cảm thấy thật vui vẻ, nhẹ nhàng.

Ít người biết rằng, hành vi này góp phần phát triển thói quen sợ ăn của trẻ. Việc bố mẹ đang làm chỉ thỏa mãn sự hài lòng của người lớn mà không quan tâm xem trẻ có thấy ngon miệng không, có còn muốn ăn không. Ngoài ra, bố mẹ nên hiểu không cần cho trẻ ăn nhiều thức ăn cùng một lúc vì nó không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.

9. Đút cho con ăn

Amy Brown, phó giáo sư về sức khỏe cộng đồng trẻ em tại Đại học Swansea nói rằng, chúng ta không nên đút cơm cho con. Những đứa trẻ được bố mẹ đút ăn sẽ gặp nhiều vấn đề cân nặng do trong quá trình ăn, trẻ bị đút theo hướng nhìn của bố mẹ mà không được quan tâm xem trẻ đã no hay chưa. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ em có thể tự ăn, theo tốc độ của chúng và dừng lại khi chúng cảm thấy đã đủ. Điều đó tốt hơn cho trẻ.

10. Bắt con phải nhường nhịn người khác

Khi trẻ lên 2 tuổi, trẻ bắt đầu có ý thức về cái tôi và muốn sở hữu những thứ xung quanh mình. Đây là lý do trẻ giữ cho bằng được đồ chơi của mình khi có ai đó lấy vì trẻ nghĩ đồ vật của mình đã bị kẻ khác xâm phạm. Thật không may, nhiều phụ huynh không hiểu điều này. Các bà mẹ sợ người khác sẽ đánh giá con mình là ích kỷ, tham lam và quay ra bắt con phải nhường đồ chơi, đồ ăn cho bạn.

Tuy nhiên, các nhà tâm lý học tin rằng, bằng cách này, cha mẹ đang tạo những người không dám làm điều gì dù cho nó tốt cho bản thân mình. Nó không phải là điều mà trẻ muốn nhưng vẫn phải làm theo, sau này khi lớn lên, trẻ sẽ thành người không dám phản ứng ngay cả khi điều đó mang lại lợi ích tốt hơn cho mình.

Theo Khám phá